Trung Quốc đe dọa nước nào thương lượng với ông Trump sẽ bị Bắc Kinh trừng phạt
- Thiên Vân
- •
Bộ Thương mại Trung Quốc hôm thứ Hai (21/4) đã gửi đi một thông điệp mang tính răn đe cảnh báo các quốc gia trên thế giới rằng “[chính sách] nhân nhượng không thể đem lại hòa bình, và sự thỏa hiệp sẽ không được tôn trọng”, dường như có ý định gây ảnh hưởng tiêu cực nhằm làm lạnh nhạt lòng nhiệt thành toàn cầu đối với việc tái đàm phán các hiệp định thương mại với Hoa Kỳ.
Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc được công bố nhằm hồi đáp câu hỏi của một ký giả về những thay đổi trong chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump trong tháng này, theo đó ông Trump đã công bố việc áp đặt mức thuế quan đối ứng đối với hầu hết các quốc gia có trao đổi thương mại với Hoa Kỳ, gồm có cả Trung Quốc. Các quốc gia có mức thâm hụt thương mại mất cân bằng nhất với Hoa Kỳ sẽ phải gánh chịu mức thuế quan cao nhất, lên tới 50% đối với Lesotho – quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất – và gần 50% đối với những nước như Madagascar và Việt Nam. Đối với Trung Quốc, Hoa Kỳ đã áp đặt mức thuế quan 34%, bên cạnh những mức thuế đã công bố trước đó nhằm trừng phạt Bắc Kinh vì dung túng cho hoạt động buôn bán ma túy fentanyl bất hợp pháp.
Sau tuyên bố vào ngày 2 tháng Tư, được đặt tên là “Ngày Giải Phóng”, ông Trump đã tạm hoãn áp đặt thuế quan đối với hầu hết các quốc gia trong 90 ngày ngoại trừ Trung Quốc, và đồng thời gia tăng mức thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ lên mức 145%.
Ông Trump tuyên bố ngày 7 tháng Tư: “Tôi sẽ nói điều này, hầu như mọi quốc gia đều mong muốn thương lượng. Nếu tôi không hành động như những gì đã làm trong vài tuần qua, quý vị sẽ [không thấy một quốc gia] nào ngỏ ý muốn đàm phán. Giờ đây, họ đang đề nghị với chúng ta những điều mà trước đây chúng ta thậm chí không nghĩ đến việc yêu cầu họ”.
Vào tuần trước, ông Trump đã tiến hành thương thuyết với Thủ tướng Ý Giorgia Meloni và điện đàm với các lãnh đạo của Nhật Bản và Mexico, những cuộc đối thoại mà ông ca ngợi là có hiệu quả.
Hiện mức thuế quan đối với Trung Quốc đã lên đến 145%, và ông Trump đã đe dọa sẽ tăng thêm lên tới 245%, với lý do Hoa Kỳ đã quá lệ thuộc vào các sản phẩm của Trung Quốc. Điều này đe dọa an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Nhà Trắng đã giải thích rằng việc hạn chế áp đặt thuế quan đối với các quốc gia khác, trong khi gia tăng mức thuế quan đối với Trung Quốc, là bởi Bắc Kinh từ chối đàm phán một thỏa thuận thương mại công bằng đối với Hoa Kỳ. Đảng Cộng sản Trung Quốc dường như đã diễn giải việc các quốc gia khác có cơ hội thương thuyết thuận lợi với Hoa Kỳ như một âm mưu của Washington nhằm liên kết thế giới để kiềm chế sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Vào hôm thứ Hai (21/4), Trung Quốc đã ám chỉ rằng những nước nào thương lượng với ông Trump có thể sẽ phải đối mặt với hậu quả trừng phạt từ Bắc Kinh.
Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố: “Gần đây, Hoa Kỳ đã lạm dụng thuế quan đối với tất cả đối tác thương mại [dưới chiêu bài] ‘đối ứng [có qua có lại]’ trong khi ép buộc tất cả các bên phải bắt đầu cái gọi là các cuộc đàm phán ‘thuế quan đối ứng’ với [Hoa Kỳ]. [Chính sách] nhân nhượng không thể đem lại hòa bình, và sự thỏa hiệp sẽ không được tôn trọng. Việc mưu cầu cái gọi là miễn trừ [thuế quan] bằng cách gây tổn hại đến lợi ích của người khác để phục vụ lợi ích ích kỷ nhất thời của mình chẳng khác nào [lột da cọp (與虎謀皮)], điều này cuối cùng sẽ chỉ chuốc lấy thất bại cho cả hai bên và gây hại cho người khác và cho chính mình”.
- 與虎謀皮 (Dữ hổ mưu bì-Seek the skin of a tiger): là một thành ngữ trong tiếng Trung ý chỉ mưu đồ lợi ích lớn bằng cách liều lĩnh đối đầu với kẻ mạnh, chắc chắn sẽ gặp thất bại hoặc nguy hiểm.
“Trung Quốc hy vọng tất cả các bên giải quyết những bất đồng về kinh tế và thương mại với Hoa Kỳ thông qua các cuộc đàm phán bình đẳng. Trung Quốc tin rằng tất cả các bên nên đứng về phía công bằng và chính nghĩa, đứng về phía lẽ phải của lịch sử, bảo vệ các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế, cũng như hệ thống thương mại đa phương, trước vấn đề ‘thuế quan đối ứng’”, thông cáo tiếp tục nhấn mạnh.
Thông cáo đồng thời đe dọa một lần nữa: “Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ bên nào ký kết thỏa thuận gây tổn hại đến quyền lợi của Trung Quốc. Nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận và sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp đáp trả theo cách đối ứng”.
Tuy nhiên, Bộ Thương mại Trung Quốc không đưa ra bất kỳ ví dụ nào về những “biện pháp đáp trả” mà họ đang cân nhắc đối với các quốc gia bị ảnh hưởng, cũng như định nghĩa như thế nào là một thỏa thuận “gây tổn hại đến quyền lợi của Trung Quốc”.
Tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times), cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, cũng đưa tin về tuyên bố này vào thứ Hai (21/4), đồng thời bổ sung thêm rằng Bộ Thương mại Trung Quốc mô tả thế giới hiện nay đang phải đối mặt với “cuộc tấn công của chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ” mà không một quốc gia nào có thể đứng vững nếu thiếu sự đoàn kết.
Thông cáo kết luận: “Trung Quốc sẵn sàng tăng cường đoàn kết và phối hợp với tất cả các bên, cùng chung tay chống lại hành vi bắt nạt đơn phương, bảo vệ các quyền và lợi ích quyền lợi chính đáng của họ và bảo vệ công lý quốc tế“.
Tuyên bố này được đưa ra sau chuyến công du Đông Nam Á của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình, với các điểm dừng chân tại Việt Nam, Campuchia và Malaysia. Ông Tập hầu như đã giữ im lặng sau thông báo “Ngày Giải Phóng” của ông Trump, trước khi đến Việt Nam. Tại Việt Nam, ông Tập cùng ông Tô Lâm đã ký kết nhiều thỏa thuận, phần lớn liên quan đến sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, nhằm tăng cường sự phụ thuộc thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Trong một bài xã luận đăng trên báo Nhân Dân, một trong những nhật báo lớn nhất của Việt Nam, ông Tập viết: “Chiến tranh thương mại và chiến tranh thuế quan sẽ không tạo ra người thắng cuộc, còn chủ nghĩa bảo hộ sẽ không đưa đến đâu cả. Hai nước chúng ta cần kiên quyết bảo vệ hệ thống thương mại đa phương, duy trì sự ổn định của các chuỗi công nghiệp và cung ứng toàn cầu, và giữ vững một môi trường quốc tế cởi mở và hợp tác”.
Chuyến công du của ông Tập tại Việt Nam thu hút sự chú ý đặc biệt vì Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ngỏ ý thương lượng với ông Trump. Ban đầu, Hoa Kỳ đã áp đặt mức thuế quan 46% đối với Việt Nam, nhưng sau đó đã tạm hoãn trong 90 ngày. Một phái đoàn do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn đầu đã công du đến Washington vào ngày 3 tháng 4 để đàm phán một thỏa thuận mới nhằm giảm mức thuế suất. Ông Trump cũng đã đích thân điện đàm trực tiếp với ông Tô Lâm ngay sau đó.
Vào ngày 4 tháng 4, ông Trump loan báo: “[Tôi] vừa có cuộc điện đàm rất hiệu quả với Tổng Bí thư Tô Lâm của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông ấy cho biết Việt Nam mong muốn cắt giảm thuế quan xuống mức KHÔNG [PHẦN TRĂM] nếu họ có thể đạt được một thỏa thuận với Hoa Kỳ. Tôi đã thay mặt cho Đất nước chúng ta bày tỏ lời cảm ơn đối với ông ấy và nói rằng tôi mong muốn có một cuộc gặp gỡ [với ông Tô] trong tương lai gần”.
Mặc dù cả hai quốc gia đều theo chế độ cộng sản, Việt Nam và Trung Quốc trong quá khứ từng xảy ra nhiều tranh chấp thương mại. Ngay trong tuần lễ Hoa Kỳ công bố “Ngày Giải Phóng” của ông Trump, Hà Nội đã tự mình áp đặt thuế quan đối với ngành thép Trung Quốc nhằm ngăn chặn Trung Quốc đẩy các công ty Việt Nam ra khỏi ngành thép bằng cách “bán phá giá” các sản phẩm dư thừa của mình.
Ông Trump đã chế giễu chuyến công du đến Việt Nam của ông Tập trong tuần qua, phát biểu trước giới truyền thông rằng cuộc gặp “thú vị” và “tuyệt vời” giữa ông Tập và ông Tô là một nỗ lực nhằm phá hoại các chính sách của ông.
“Tôi không trách Trung Quốc, tôi cũng không trách Việt Nam. Tôi không [làm vậy]. Tôi thấy họ gặp nhau vào hôm nay. Thật tuyệt vời phải không?. Một cuộc gặp rất thú vị… cứ như thể đang bàn bạc với nhau, ‘Chúng ta nên tìm cách chơi xỏ Hoa Kỳ như thế nào đây?’” ông Trump nói.
Thiên Vân, theo Breitbart News
Từ khóa Dòng sự kiện Cuộc chiến thuế quan Quan hệ Mỹ - Trung chiến tranh thương mại
