Từ ngày 1/12, giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước
- Khánh Vy
- •
Từ ngày 1/12, các giao dịch bất động sản, chuyển tiền, đổi tiền… có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước.
- Việt Nam bác thông tin là quốc gia đứng đầu thế giới về rửa tiền
- Một người Nigeria và 4 người Việt nam tham gia ‘rửa tiền’ xuyên quốc gia
Theo Quyết định 11/2023 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, từ ngày 1/12, các giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước.
Quyết định này quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống rửa tiền (Thủ tướng Chính phủ quyết định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ).
Đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan quy định tại khoản 1, 2 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 bao gồm:
- Tổ chức tài chính được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động: Nhận tiền gửi; cho vay; cho thuê tài chính; dịch vụ thanh toán; dịch vụ trung gian thanh toán; phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ ngân hàng, lệnh chuyển tiền; bảo lãnh ngân hàng, cam kết tài chính.
- Cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ; môi giới chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán; quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; đổi tiền.
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật thực hiện một hoặc một số hoạt động: Kinh doanh trò chơi có thưởng, bao gồm trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược.
- Kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản; kinh doanh kim khí quý, đá quý; kinh doanh dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ công chứng; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý.
Tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu, có trụ sở ở Washington (Mỹ) đã từng đưa ra báo cáo cho rằng Việt Nam là quốc gia nhận được dòng tiền bất hợp pháp lớn nhất trên thế giới từ “thương mại với hóa đơn sai”, một hình thức rửa tiền dựa trên kinh doanh thương mại. GFI cho biết xếp hạng này dựa trên các dữ liệu của Quỹ Tài chính Quốc tế (IMF) và Liên Hiệp Quốc trong 10 năm (từ năm 2006 tới 2015). Theo đó, chỉ trong năm 2015, Việt Nam đã thu về 22,5 tỷ USD, qua mặt hai nước từng đứng đầu về các hoạt động rửa tiền là Thái Lan (20,9 tỷ USD) và Panama (18,3 tỷ USD). Theo nhà kinh tế cấp cao của GFI Rick Rowden, một trong những lý do có thể khiến gian lận thương mại gia tăng ở Việt Nam trong những năm gần đây là vì dòng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cao, và việc chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. |
Khánh Vy
Từ khóa ngân hàng nhà nước Rửa tiền Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về rửa tiền Chống rửa tiền Thủ tướng Chính phủ Việt Nam