Việt Nam xuất khẩu gạo đạt 2,3 tỷ USD trong 8 tháng, tăng 21% cùng kỳ
- Đức Minh
- •
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo năm 2022 có thể tăng thêm khoảng 200.000 tấn, đạt mức từ 6,3-6,5 triệu tấn gạo. Tính trong 8 tháng đầu năm, lượng gạo Việt Nam xuất ra nước ngoài đạt gần 4,8 triệu tấn, trị giá hơn 2,3 tỷ USD.
Tính đến hết tháng 8, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 4,8 triệu tấn, trị giá 2,33 tỷ USD, tăng gần 21% về lượng và 10% về giá trị so với cùng kỳ. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt gần 500 USD/tấn, giảm gần 50 USD so với cùng kỳ năm 2021.
Tuần này, giá gạo thế giới tăng ở nhóm dẫn đầu gồm Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ.
Cụ thể, gạo 5% của các nước tăng 2 – 3 USD/tấn; gạo Thái Lan đang ở mức 446 USD/tấn, gạo Việt Nam là 412 USD và Ấn Độ 382 USD.
Đáng chú ý, giá gạo Pakistan tăng mạnh lên mức 427 USD/tấn, tăng khoảng hơn 30 USD, do nguồn cung nội địa hạn chế vì nước này vừa mới hứng chịu trận lũ lụt lớn.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết trong năm 2021, tổng số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là 6,2 triệu tấn.
Trong đó, lượng gạo thơm xuất là 2,5 triệu tấn (chiếm tỷ lệ 41,2%), tiếp theo là gạo trắng chất lượng cao xuất khẩu khoảng 2,3 triệu tấn (chiếm gần 37,6%), gạo nếp chiếm 16,37%.
Theo ông Nam, trong những năm qua, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam chủ yếu là châu Á (chiếm hơn 50%), tiếp theo là châu Phi và châu Mỹ.
Philippines là quốc gia đứng đầu trong nhập khẩu gạo Việt Nam. Riêng 8 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu gạo sang thị trường này gần 2,4 triệu tấn (chiếm gần 50% số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam), với giá trị hơn 1 tỷ USD, tăng hơn 47% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh Việt Nam, sản lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan cũng được dự báo tăng thêm khoảng 500.000 tấn trong năm nay.
Sự tăng giá của gạo Ấn Độ vẫn chưa đạt kỳ vọng của giới chức nước này khi đưa ra chính sách thắt chặt xuất khẩu. Tuy nhiên, mới đây Ấn Độ đã nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu tấm.
Trước đó, lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 9/9, đối với những lô hàng đang nằm chờ xuất thì hạn chót là ngày 15/9, nay được gia hạn tới ngày 30/9.
Những báo cáo mới nhất cho thấy chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể làm sản lượng xuất khẩu của nước này sụt giảm đến ¼, tương đương 6 – 6,5 triệu tấn trong năm tài chính 2023. Đây được cho là cơ hội để gạo Việt Nam gia tăng sản lượng xuất khẩu.
Từ khóa xuất khẩu gạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam