Vietnam Airlines: Đường bay khởi sắc, doanh thu tăng nhưng dự kiến lỗ hơn 9.330 tỷ đồng
- Tiến Minh
- •
Vietnam Airlines cho hay năm 2022 ngành hàng không sẽ khởi sắc với doanh thu công ty mẹ ước đạt hơn 45.250 tỷ đồng. Tuy vậy, doanh nghiệp này vẫn dự kiến lỗ hơn 9.330 tỷ đồng và sẽ là năm thứ 3 liên tiếp lỗ, đứng trước nguy cơ bị buộc hủy niêm yết.
Theo tài liệu họp Đại hội cổ đông mới được công bố, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, VNA) lên kế hoạch năm nay với doanh thu công ty mẹ đạt 45.252 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù doanh thu tăng, công ty vẫn dự kiến lỗ ròng 9.335 tỷ đồng trong năm 2022, giảm 23,5% so với khoản lỗ năm trước.
Với việc lỗ ròng liên tục 2 năm trước (năm 2020 và 2021), đây là năm thứ 3 hãng hàng không này báo lỗ lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Năm 2021, Vietnam Airlines lỗ hơn 13.300 tỷ đồng và năm 2020 lỗ hơn 8.750 tỷ đồng. Do đó, tổng lỗ lũy kế 3 năm dự kiến lên đến 31.380 tỷ đồng (gần 1,44 tỷ USD).
Để giảm lỗ và có dòng tiền hoạt động kinh doanh, lãnh đạo công ty đã thực hiện kế hoạch bán 9 máy bay trong năm 2021 nhưng không thành công. Năm 2022, Vietnam Airlines cho biết đang triển khai bán 2 máy bay thông qua hình thức thuê lại sau khi chuyển đối cấu hình sang tàu chở hàng; tiếp tục triển khai bán 7 máy bay còn lại trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, VNA sẽ thực hiện tái cấu trúc, thanh lý tài sản, bán và cho thuê máy bay, phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu, thoái vốn khỏi các doanh nghiệp khác, v.v… Hiện Vietnam Airlines có 19 công ty con và 2 công ty liên kết.
Hãng hàng không này cũng trình cổ đông thông qua bổ sung điều lệ về việc chuyển nhượng vốn ra ngoài Vietnam Airlines.
Hội đồng quản trị (HĐQT) Vietnam Airlines đánh giá sau 2 năm dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán) bùng phát, năm 2022 sẽ có nhiều khởi sắc đối với ngành hàng không Việt Nam. Việc nối lại các đường bay nội địa và quốc tế thường lệ không chỉ giúp ngành hàng không duy trì hoạt động vận chuyển hành khách mà cũng góp phần giảm bớt khó khăn cho công ty, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.
Trước đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, 2021 và quý I/2022, doanh nghiệp ghi nhận lỗ và vốn chủ sở hữu hợp nhất bị âm tại thời điểm ngày 31/3. Đó là lý do cổ phiếu của hãng bay này đã bị đưa vào diện kiểm soát.
Tại buổi Đại hội cổ đông, kết quả thông qua việc miễn nhiệm vị trí thành viên HĐQT Tomoji Ishii do có đơn từ nhiệm ngày 31/3. Doanh nghiệp này sẽ tiến hành bầu bổ sung ông Hiroyuki Kometani (sinh năm 1965, người Nhật), đang là Phó chủ tịch cấp cao của ANA Holdings – đối tác chiến lược của Vietnam Airlines.
Hiện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (CMSC) vẫn là cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines, chiếm 55,2% vốn; tiếp đến là SCIC có 31,14% cổ phần, Tập đoàn Hàng không ANA (Nhật Bản) chiếm 5,62% và một số cổ đông nhỏ khác chiếm 8,04% còn lại.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp sẽ bị hủy niêm yết khi kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ hoặc âm vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất tại thời điểm xem xét. |
Tiến Minh
Từ khóa Vietnam Airlines Hàng không Việt nam Dòng sự kiện VNA