Liên quan đến vụ việc một công ty thu mua rau củ từ chợ đầu mối không rõ nguồn gốc, sau đó sơ chế và dán tem VietGAP lên bao bì để bán vào siêu thị, sàn thương mại điện tử với giá cao gấp nhiều lần. Đại diện chuỗi hệ thống siêu thị Winmart cho biết đã đưa các sản phẩm của công ty vi phạm ra khỏi kệ hàng, nhưng quyền lợi của người tiêu dùng bao lâu nay mua phải “rau dỏm” giá cao và tổn thất niềm tin mua hàng ở siêu thị chưa rõ cơ quan chức năng hay doanh nghiệp đứng ra bồi thường.

Screenshot at Sep 20 06 37 34
Loạt bài hô biến rau củ chợ đầu mối không rõ nguồn gốc thành sản phẩm VietGAP chễm chệ trên kệ hàng siêu thị. (Ảnh chụp màn hình: Võ Võ Tuyên Tuyên/Facebook)

Theo điều tra của báo Tuổi Trẻ, một doanh nghiệp chuyên cung ứng rau củ cho hệ thống siêu thị Winmart và TikiNGON – có tên là Trình Nhi (còn gọi là Trình Nhi Foods, TNFoods), đã thu mua nhiều lần rau củ từ chợ đầu mối hoặc các nguồn không rõ ràng, sau đó công nhân sơ chế (bỏ rau củ hư hỏng, dập nát) đóng vào gói, rồi dán tem VietGAP (chứng nhận thực hành nông sản sạch) để giao hàng đến các siêu thị Winmart và sàn thương mại điện tử TikiNGON.

Các sản phẩm này thông thường đến tay người tiêu dùng sẽ bán với giá cao hơn nhiều so với nếu mua ở các chợ.

Một tiểu thương bán rau củ ở chợ đầu mối, cũng là người cung cấp cho doanh nghiệp Trình Nhi cho biết: “Nói chung đồ này chỉ nhập vậy thôi, chị hổng có làm giấy tờ được, chợ này cũng hông ai làm giấy tờ”.

Khi được hỏi về chứng nhận VietGAP cho sản phẩm rau củ, vị này nói: “Hông. Đâu ai đăng ký cho đâu mà rau VietGAP. Nhà vườn họ trồng đại trà, đâu có đăng ký giấy tờ gì đâu mà cung cấp cho mình”.

“Ở chợ đôi khi còn cung cấp không đủ, đứt hàng. Trồng VietGAP sao đủ cung cấp”, tiểu thương phân trần.

Trong khi “vô siêu thị là dân nhà giàu, dân thượng lưu”. Như vậy, tem VietGAP là cách để “đảm bảo cho sự mần ăn của người ta”.

Sau khi loạt thông tin điều tra của báo Tuổi Trẻ được công bố vào ngày 19/9, đại diện WinCommerce thuộc tập đoàn Masan (sở hữu chuỗi hệ thống siêu thị Winmart, Winmart+) cho biết đã đưa các sản phẩm của doanh nghiệp Trình Nhi ra khỏi kệ hàng.

Doanh nghiệp này cho biết sẽ rà soát lại các sản phẩm trên kệ hàng nhằm đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng.

Tuy vậy, về quyền lợi và niềm tin của người tiêu dùng khi đã mua các sản phẩm “rau sạch dỏm” bao lâu nay ai sẽ chịu trách nhiệm thì chưa thấy WinCommerce đề cập đến.

Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều bà nội trợ và người tiêu dùng bày tỏ sự thất vọng và bức xúc khi phải trả giá rất cao để đổi lấy sự an toàn cho sức khoẻ nhưng “đâu cũng vào đấy”.

Screenshot at Sep 20 05 59 41

Tài khoản Phuong Mai bày tỏ lo lắng: “Bây giờ ăn gì được nhỉ. Một hai công ty nhỏ lẻ em nghi chứ hệ thống lớn thế mà họ lừa dối trắng trợn vậy thì biết ăn gì bây giờ”.

Screenshot at Sep 20 07 26 23

 

Người dùng Phuong Hua bức xúc sau khi đọc loạt bài điều tra: “Cần một lời giải thích! Ngày nào gia đình tôi cũng mua rau ở Winmart về ăn, giờ lại đọc được thông tin này. Rất cần một lời giải thích”.

Screenshot at Sep 20 06 03 04

Tài khoản Trần Cẩm Tú cho biết sau 1 tiếng luộc rau muống WinEco, nước luộc cho ra màu xanh diệp lục.

Screenshot at Sep 20 05 58 12
Chuỗi thực phẩm 3Sach Food đăng thông tin ngày 19/9 cho biết ngừng nhập rau củ quả từ nhà cung cấp Trình Nhi. (Ảnh: Facebook)

Hiện chưa rõ có bao nhiêu doanh nghiệp bán lẻ nhập hàng của công ty Trình Nhi khi chỉ có Winmart và 3Sach Food tuyên bố ngừng nhập hàng và đưa sản phẩm này ra khỏi quầy kệ.

Đức Minh