Xuất khẩu nam châm đất hiếm của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trong tháng Sáu, tăng hơn 7 lần so với tháng Năm, cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng trong bối cảnh các cuộc đàm phán nhằm giảm leo thang cuộc chiến thương mại.

China shipping
Ngày 1/10/2024, các container của hãng vận tải biển Trung Quốc tại khu vực gần bến cảng vận tải ở thành phố Elizabeth, bang New Jersey. (Ảnh: Madalina Vasiliu / Epoch Times)

Theo dữ liệu được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 20 tháng Bảy, xuất khẩu vật liệu nam châm đất hiếm sang Hoa Kỳ đạt 353 tấn trong tháng Sáu, tăng 660% so với tháng trước. Tuy nhiên, con số này vẫn giảm 52% so với cùng kỳ năm 2024.

Trên toàn cầu, Trung Quốc đã xuất khẩu 3.188 tấn vật liệu nam châm đất hiếm trong tháng Sáu, tăng 157,5% so với tháng Năm, nhưng vẫn giảm 38,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong nửa đầu năm 2025, tổng lượng xuất khẩu đạt 22.319 tấn, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc chiếm khoảng 60% sản lượng đất hiếm toàn cầu và gần 90% công suất tinh luyện. Những kim loại này — thiết yếu cho thiết bị điện tử, xe điện và hệ thống quân sự — vẫn là một trong những công cụ quyền lực nhất của Bắc Kinh trong các tranh chấp thương mại.

Vào tháng Tư, Bắc Kinh đã thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với 7 nguyên tố đất hiếm được tinh luyện gần như hoàn toàn trong nước, cùng với các loại nam châm được sản xuất từ những vật liệu này. Động thái này diễn ra không lâu sau khi chính quyền Trump công bố các mức thuế của Hoa Kỳ nhằm tái cân bằng thương mại toàn cầu.

Việc Trung Quốc nắm quyền kiểm soát nguồn cung đất hiếm đã mang lại cho họ lợi thế đáng kể trong các cuộc đàm phán thuế gần đây tại London và Geneva. Theo Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, ông Howard Lutnick, Trung Quốc đã đồng ý nối lại việc xuất khẩu đất hiếm sang Hoa Kỳ để đổi lấy việc Mỹ dỡ bỏ các biện pháp đối phó tương ứng, bao gồm kiểm soát xuất khẩu đối với chip trí tuệ nhân tạo (AI).

Vào ngày 14/7, tập đoàn sản xuất chip máy tính Nvidia thông báo đã nhận được sự chấp thuận từ chính phủ Hoa Kỳ để nối lại việc xuất khẩu bộ xử lý đồ họa H20 sang Trung Quốc. H20 là loại chip kém tinh vi hơn, được thiết kế riêng cho thị trường Trung Quốc theo chính sách của chính quyền Biden nhằm ngăn các công ty AI Trung Quốc tiếp cận các loại chip cao cấp.

Theo Nvidia, việc xuất khẩu chip H20 đã bị tạm dừng từ tháng Tư, khi chính phủ liên bang yêu cầu công ty phải có giấy phép mới được xuất khẩu. Hiện công ty đã được đảm bảo cấp phép, và ông Lutnick xác nhận rằng quyết định này là một phần trong thỏa thuận theo đó Bắc Kinh đồng ý nới lỏng kiểm soát xuất khẩu nam châm đất hiếm.

Trong lúc đó, cả Hoa Kỳ và châu Âu đều đã đẩy nhanh các nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng riêng để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Vào giữa tháng Bảy, Bộ Quốc phòng Mỹ đã có động thái bất thường khi đầu tư 400 triệu USD vào công ty MP Materials, trở thành cổ đông lớn nhất của công ty khai thác đất hiếm có trụ sở tại Nevada. Theo thỏa thuận, Lầu Năm Góc sẽ mua vật liệu đất hiếm với mức giá có bảo đảm, để phục vụ các ứng dụng quốc phòng.