Ý phạt Amazon gần 1,3 tỷ USD vì lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường
- Bình Minh
- •
Hôm thứ Năm (9/12), Cơ quan chống độc quyền của Ý (AGCM) cho biết họ đã phạt Amazon 1,13 tỷ euro (tương đương 1,28 tỷ USD) vì lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Đây là một trong những hình phạt nặng nhất mà châu Âu áp dụng đối với ‘gã khổng lồ’ công nghệ Mỹ.
Theo Reuters, trong một tuyên bố, AGCM cho biết Amazon đã sử dụng vị trí thống lĩnh của mình trong thị trường dịch vụ môi giới tại Ý, để hỗ trợ người bán đang hoạt động trên trang web của Amazon, thông qua dịch vụ hậu cần của riêng hãng này là Amazon FBA (Fulfillment by Amazon, viết tắt là FBA).
FBA cho phép các nhà cung cấp lưu trữ sản phẩm của họ trong kho hàng và hệ thống giao hàng của Amazon, cũng như tham gia vào các chương trình quản lý hàng tồn kho, trả hàng và dịch vụ khách hàng.
Người bán bên thứ ba sử dụng FBA không phải tuân theo các yêu cầu hiệu suất nghiêm ngặt giống như những người bán không sử dụng FBA. Do đó, họ ít có khả năng bị tạm đình chỉ khỏi nền tảng này nếu không đạt được các mục tiêu nhất định. Cuối cùng, họ còn được khuyến khích không cung cấp sản phẩm của họ trên các nền tảng trực tuyến khác.
AGCM nói rằng Amazon còn liên kết việc sử dụng dịch vụ hậu cần FBA với một loạt các ưu đãi độc quyền, chẳng hạn như chương trình thành viên Prime, giúp tăng khả năng hiển thị và doanh số bán hàng trên trang web Amazon.
“Amazon ngăn người bán bên thứ ba liên kết chương trình Prime với các sản phẩm không do FBA quản lý,” tuyên bố chỉ ra.
Chương trình Prime giúp việc bán hàng cho hơn 7 triệu người tiêu dùng trung thành và chi tiêu cao nhất trong chương trình khách hàng thân thiết của Amazon trở nên dễ dàng hơn. Amazon Prime là một dịch vụ dành cho nhóm khách hàng Vip của Amazon cho phép họ mua hàng với nhiều ưu đãi và quyền lợi vô cùng hữu ích.
Ngoài khoản tiền phạt, AGCM còn yêu cầu Amazon cấp các đặc quyền mà người bán FBA được hưởng cho tất cả người bán bên thứ ba, miễn là họ tôn trọng các quy định và luật pháp khác. Amazon sẽ phải xác định và công bố các tiêu chuẩn đó trong vòng một năm, và các hành động của họ sẽ được thực thi bởi một cơ quan được ủy thác giám sát.
Amazon phản ứng bằng cách nói rằng họ “phản đối mạnh mẽ” quyết định của Cơ quan Chống Độc quyền của Ý và quyết định kháng cáo.
Công ty này nói rằng FBA “là một dịch vụ hoàn toàn tùy chọn” và hầu hết người bán bên thứ ba trên Amazon đều không sử dụng nó.
“Khi người bán chọn FBA, họ làm điều đó vì nó hiệu quả, tiện lợi và cạnh tranh về giá cả,” Amazon cho biết trong một tuyên bố.
Ủy ban châu Âu tuyên bố rằng trong trường hợp này, họ đã hợp tác chặt chẽ với Ý trong khuôn khổ hệ thống cạnh tranh châu Âu, để đảm bảo tính nhất quán với 2 cuộc điều tra của chính mình đối với Amazon.
Ngày 23/11 vừa qua, giới chức trách Ý thông báo phạt Amazon và Apple tổng cộng số tiền 225 triệu USD (hơn 200 triệu EUR) do có hành vi vi phạm luật chống độc quyền. Cụ thể, Amazon và Apple bị cáo buộc hợp tác hạn chế cạnh tranh trong việc bán các sản phẩm của Apple và Beats.
Sau khi một loạt các vấn đề phương thức hoạt động bị phanh phui, những ‘gã khổng lồ’ công nghệ đang phải đối mặt với sự giám sát ngày càng nhiều của các cơ quan chống độc quyền toàn cầu. Ngoài Amazon, Alphabet của Google, Facebook (nay được gọi là Meta Platforms Inc.), Apple và Microsoft cũng bị giám sát chặt chẽ hơn ở châu Âu.
Bình Minh (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Amazon Chống độc quyền