3 chế độ ăn tốt nhất với người mắc bệnh tiểu đường
- Minh Minh
- •
Những người mắc bệnh tiểu đường phải xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh tập trung vào trái cây và rau quả, hạn chế carbohydrate tinh chế và các loại đường. Cả người mắc bệnh tiểu đường loại 1 và loại 2 đều phải kiểm soát lượng đường trong máu thật chặt chẽ để tránh các biến chứng về sức khỏe.
Những người mắc tiền tiểu đường tuy lượng đường trong máu tăng cao nhưng chưa phải là tiểu đường cũng nên tuân theo chế ăn uống tương tự để giảm nguy cơ phát triển thành tiểu đường loại 2.
Nếu bạn bị tiểu đường hoặc có nguy cơ mắc bệnh thì dưới đây là cách ăn uống lành mạnh và điều chỉnh lượng đường trong máu của bạn:
Bạn nên ăn gì?
Theo Viện quốc gia Mỹ về bệnh tiểu đường, bệnh tiêu hóa và bệnh thận (National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases), người mắc bệnh tiểu đường nên bổ sung dinh dưỡng từ rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và sữa.
Các loại thực phẩm tốt nhất cho người bệnh tiểu đường là:
- Nhóm đường bột: ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ, gạo còn vỏ cám, rau củ.
- Nhóm thịt cá: cá hồi, cá ngừ, cá thu, thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, thịt lọc bỏ mỡ.
- Nhóm chất béo: dầu đậu nành, vừng, dầu cá, mỡ cá, ô liu.
- Nhóm rau: bông cải xanh, măng tây, đậu cô ve, rau diếp cá, cà rốt, bí ngô, hành tây, bắp cải, súp lơ, rau bi na.
- Hoa quả: bưởi, dâu tây, cam, anh đào, táo, lê, mận hậu, dứa, lựu, đu đủ. Hạn chế ăn các loại quả chín ngọt như: sầu riêng, hồng chín, xoài chín.
Nhìn chung, những người mắc bệnh tiểu đường nên tránh những thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và nhiều đường như: nước trái cây đóng hộp, soda, bánh rán, đồ chiên xào, bánh quy, kẹo, các loại carbohydrate đơn giản (như bánh mì trắng hoặc ngũ cốc tinh chế).
Nếu bạn muốn lên kế hoạch ăn uống khoa học để điều trị và phòng ngừa bệnh tiểu đường, hãy thử một trong ba chế độ ăn dưới đây:
1. Chế độ ăn Địa Trung Hải
Chế độ ăn Địa Trung Hải tập trung vào các thực phẩm lành mạnh có nguồn gốc thực vật như rau củ quả và các loại hạt; chất đạm như cá và chất béo lành mạnh từ dầu ô liu. Những người mắc bệnh tiểu đường thường được khuyên ăn theo chế độ này bởi nó cung cấp nhiều rau, protein nạc và hạn chế đường.
Ví dụ, một nghiên cứu năm 2009 công bố trên tạp chí Diabetic Medicine cho thấy những bệnh nhân tuân theo chế độ ăn Địa Trung Hải nghiêm ngặt có chỉ số HbA1c (chỉ số đo lượng đường trong máu) trong khoảng thời gian 3 tháng thấp hơn và có lượng đường trong máu ngay sau bữa ăn thấp hơn so với những người ăn theo chế độ này không nghiêm ngặt.
Một đánh giá khoa học năm 2010 công bố trên “Diabetes Research and Clinical Practice” kết luận rằng chế độ ăn Địa Trung Hải rất tốt trong việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường, kiểm soát lượng đường trong máu và giảm các yếu tố gây bệnh tim mạch.
Thực đơn một ngày của bạn theo chế độ ăn Địa Trung Hải có thể như sau:
- Bữa sáng: Sữa chua Hy Lạp với quả mọng và các loại hạt.
- Bữa trưa: Salad với dầu ô liu, cá hồi, bánh mì pita nguyên cám.
- Bữa tối: Vỏ bánh pizza nguyên hạt, phủ rau và phô mai ít béo.
- Bữa ăn nhẹ: Các loại hạt, trái cây hoặc trứng luộc.
>> Bí mật trong chế độ ăn Địa Trung Hải: Dầu ô-liu
2. Chế độ ăn Dash
Dash là viết tắt của Dietary Approaches to Stop Hypertension, một chế độ ăn uống khoa học được khuyến nghị cho những người muốn phòng ngừa hoặc đang điều trị tăng huyết áp, đồng thời giảm thiểu rủi ro phát sinh bệnh tim mạch, và nó cũng đã được chứng minh là có lợi cho bệnh nhân tiểu đường.
Đặc điểm của chế độ ăn này là: cắt giảm lượng muối tiêu thụ, đường bổ sung (đường phụ gia), chất béo; tăng cường trái cây và rau củ quả; hạn chế ăn thịt đỏ (thịt bò, cừu…) và thay bằng protein nạc (thịt gà, cá, đậu…).
Một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên Diabetics Spectrum, tạp chí của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, cho thấy việc tuân theo chế độ ăn kiêng DASH có thể làm giảm tình trạng kháng insulin.
Một nghiên cứu năm 2016 công bố trên tạp chí Nutrition cho thấy tuân thủ chế độ ăn Dash có thể giảm 71% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Một nghiên cứu năm 2019 công bố trên Diabetes Management cho thấy thanh thiếu niên mắc bệnh tiểu đường loại 1 kiểm soát tình trạng cơ thể tốt hơn sau 18 ngày tuân thủ chế độ Dash.
Thực đơn một ngày theo chế độ ăn DASH có thể như sau:
- Bữa sáng: Trứng tráng, rau và phô mai ít béo.
- Bữa trưa: Cá ngừ bọc bánh mì pita với rau thái lát.
- Bữa tối: Gà nướng, khoai tây và rau.
- Bữa ăn nhẹ: Trái cây, các loại hạt, hoặc phô mai ít béo.
3. Chế độ ăn Keto
Keto là cụm từ viết tắt của “Keep Eating The fat Off” – Hãy tiếp tục ăn chất béo. Nói một cách dễ hiểu, chế độ ăn Keto chính là chế độ ăn nhiều chất béo tốt có lợi cho cơ thể và hạn chế lượng carbohydrate. Khi thực hiện chế độ ăn Keto, bạn sẽ chỉ cần ăn 1/10 lượng carbohydrate, tức chỉ 5% carb, 25% protein và 70% chất béo.
Một nghiên cứu năm 2019 công bố trên tạp chí Nutrients cho thấy chế độ ăn Keto có hiệu quả trong việc giảm lượng đường trong máu và giảm cân nặng ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2, nhưng việc cắt giảm mạnh lượng carb có thể không được lâu dài vì nhiều người cảm thấy khó khăn khi thực hiện chế độ này. Ngoài ra, nghiên cứu này chưa chứng minh được chế độ ăn Keto có an toàn với người mắc bệnh tiểu đường loại 1 hay không.
Nói chung, nếu bạn bị bệnh tiểu đường loại 1 hoặc loại 2, hãy đảm bảo rằng bạn đã tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử chế độ ăn Keto. Mặc dù có một số bằng chứng rằng chế độ ăn này có thể hữu ích cho những người mắc bệnh tiểu đường loại 2, nhưng nó vẫn có thể có những rủi ro về sức khỏe và có khả năng gây nguy hiểm cho những người mắc bệnh tiểu đường loại 1.
Nếu bác sĩ đồng ý cho bạn thực hiện chế độ ăn Keto thì thực đơn một ngày của bạn có thể như sau:
- Bữa sáng: Thịt xông khói và trứng.
- Ăn trưa: Măng tây bọc dăm bông prosciutto.
- Bữa tối: Bít tết với rau củ nướng.
- Bữa ăn nhẹ: Quả bơ, các loại hạt, hoặc phô mai.
Theo Insider
Minh Minh
Xem thêm:
Từ khóa bệnh tiểu đường Chế độ ăn Địa Trung Hải Chế độ ăn uống lành mạnh Chế độ ăn kiêng