6 sai lầm thường gặp khi đi bộ thể dục giảm cân
- Minh Minh
- •
Không phải cứ bước chân ra khỏi cửa để tập thể dục là bạn sẽ đạt được hiệu quả giảm cân như mong muốn. Bạn cần chú ý đến cả đến tư thế, cánh tay, tốc độ… khi bắt đầu đi tập. Những lỗi sai thường gặp khi đi bộ rất dễ sửa chữa. Việc bạn cần làm là chú ý hơn trong lần tập tiếp theo.
1. Đi mãi bằng tốc độ không đổi
Hầu hết những người đi bộ đều không chú ý đến tốc độ đi, vậy nên họ không thể cải thiện thể lực nhanh như mong muốn. Tuy là người đi bộ nhưng bạn cũng nên chú ý đến tốc độ giống như một người tập chạy bộ. Bạn cần biết mình mất bao lâu để đi bộ một km và đặt ra mục tiêu phá vỡ kỷ lục tuần này qua tuần khác. Đi bộ với tốc độ nhanh sẽ là bước tiến bộ quan trọng để bạn đi được quãng đường dài hơn và đốt cháy nhiều calo hơn, đạt được hiệu quả giảm cân tốt hơn.
2. Quên đếm bước chân
Máy đếm bước chân là công cụ cần thiết nhất khi đi bộ nhưng hầu hết mọi người đều bỏ quên. Nếu đã xác định môn thể dục bạn theo đuổi là đi bộ, hãy nhớ mang theo máy đếm bước chân để duy trì hoạt động của mình.
3. Không coi trọng bài tập đi bộ từng đoạn
Trong các bài tập đi bộ, có một bài tập rất thông dụng nhằm giúp cải thiện tốc độ gọi là Interval, tạm dịch là “đi bộ từng đoạn”. Khi tập đi bộ từng đoạn, bạn sẽ thực hiện bài tập ở tốc độ nhanh nhưng ngắt ra từng khúc nhỏ và xen kẽ vào đó là đi thật chậm hoặc đứng lại tại chỗ để cơ thể phục hồi. Khi đã tập được một thời gian, cơ thể bạn bắt đầu kiệt sức, hãy chuyển sang đi bộ từng đoạn bằng cách đi bộ ở cường độ tối đa trong 1 phút và sau đó đi bộ với tốc độ vừa phải trong 2 phút. Giữ xen kẽ tốc độ trong suốt tập luyện của bạn. Những người có sức bền tốt hơn có thể đi bộ ở cường độ tối đa trong 3 phút sau đó là 2 phút với tốc độ vừa phải.
4. Không đi bộ lên chỗ dốc
Đi bộ 10.000 bước một ngày được tính là một buổi tập luyện thực tế trong phòng tập thể dục, đặc biệt nếu thêm điều kiện như đi bộ lên dốc. Những đoạn có cầu thang dốc là địa điểm lý tưởng để bạn đốt cháy nhiều calo và xây dựng cơ bắp chân. Thay vì đi mãi một tuyến đường mỗi ngày, bạn nên đi bộ lên đồi hoặc cầu thang 1-2 lần/tuần. Nếu bạn tập đi bộ trên máy thì hãy dần chuyển sang chế độ dốc.
5. Không chú ý tư thế cánh tay
Bạn có để thõng tay song song với eo khi đi tập thể dục không? Đừng làm thế nữa! Thay vào đó, khi đi bộ, bạn hãy uốn cong khuỷu tay góc 90 độ, sau đó vung tay qua lại. Sử dụng kỹ thuật đơn giản này sẽ giúp cơ thể đốt cháy nhiều calo hơn, đồng thời làm săn chắc cánh tay và vai.
6. Chọn sai giày đi bộ
Cách chọn giày thể thao theo cảm tính riêng là hoàn toàn sai. Chân cần phải cảm thấy thoải mái nhất khi đi giày. Giày phải phù hợp với hình dáng bàn chân (dạng bình thường, dạng ngửa cong ra ngoài, hoặc dạng úp khum vào trong), không quá rộng cũng không quá chật. Nếu quá chật, chân sẽ phải học cách thích ứng và có thể dẫn tới những nguy cơ sau:
- Vết bỏng rộp, phồng da
- Chân bị chai, sần
- Nốt viêm tấy ở kẽ ngón chân cái
- Chai chân
- Ngón chân khoằm xuống
- Sự biến dạng chân
- Gây ra những tổn thương nơi bàn chân, mắt cá nhân và các vị trí khác.
Hãy chọn đúng đôi giày phù hợp với bàn chân và đúng với nhu cầu đi bộ để đôi chân thoải mái, giúp bạn duy trì thói quen luyện tập lâu dài.
Minh Minh
Xem thêm:
Từ khóa đi bộ Phương pháp giảm cân giảm cân