Các biện pháp để giảm thiểu độc tính của nhựa đối với sức khỏe
- Ngọc Chi
- •
Phthalates – hợp chất hóa học được tìm thấy trong rất nhiều sản phẩm nhựa, mỹ phẩm, sản phẩm tẩy rửa, thực phẩm, đồ uống và thuốc… đã trở thành chất gây ô nhiễm số một đối với cơ thể người. Hiểu được những mối nguy hiểm mà Phthalates gây ra có thể giúp chúng ta chú ý hơn đến việc sử dụng đồ nhựa và giảm thiểu tác hại của chúng.
Phthalates là hợp chất hóa học được sử dụng để làm cho nhựa mềm dẻo và bền hơn. Phthalate được sử dụng trong hàng trăm các sản phẩm như nhựa, bao bì thực phẩm, đồ chơi, chất tẩy rửa,… Đặc biệt, phthalates là một nhóm các hóa chất độc hại ảnh hưởng đến nội tiết được tìm thấy trong các loại mỹ phẩm như sơn móng tay, keo xịt tóc, mùi hương nhân tạo tổng hợp, bao gồm cả nước hoa và các thành phần hương thơm trong các mỹ phẩm khác…
Mức độ tiêu thụ nhựa đáng kinh ngạc
Các nhà khoa học gần đây ước tính rằng mỗi người trên thế giới tiêu thụ khoảng 5 gam (khối lượng của một thẻ tín dụng) nhựa mỗi tuần.
Mặc dù nhựa có vẻ tương đối vô hại, nhưng hóa chất có trong nhựa có thể ngấm vào thực phẩm và đồ uống được đóng gói bằng bao bì nhựa, hoặc được giải phóng trực tiếp vào cơ thể người từ các hạt vi nhựa ăn vào.
Hàng nghìn hóa chất được sử dụng để thay đổi tính chất của nhựa bao gồm bisphenol như BPA – bị cấm sử dụng trong sản xuất bình sữa trẻ em từ năm 2012 do có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe mãn tính, và phthalate – đã bị cấm sử dụng trong các sản phẩm liên quan đến trẻ em kể từ năm 2017.
Tuy nhiên chúng vẫn được sử dụng rộng rãi cho các sản phẩm hướng đến các nhóm tuổi khác và do đó ảnh hưởng đến toàn bộ dân số.
Tác động tiêu cực của nhựa đối với cơ thể người
Các nghiên cứu về nhựa của EPA đã xác định rằng chất phthalate có ở trong cơ thể người gấp 10.000 đến 1.000.000 lần so với bất kỳ chất độc nào khác. Một báo cáo của Đại học Y khoa Chức năng, Mỹ đã liệt kê một số tác hại rất nghiêm trọng của nhựa:
Gây hại cho DHA
DHA (axit docosahexaenoic) là một axit béo thiết yếu có trong màng tế bào và màng cơ thể. Phthalates gây tổn hại trực tiếp đến các axit béo này, ảnh hưởng đến trí nhớ và sức khỏe tổng thể của não bộ.
Tổn thương tuyến tụy
Phthalates có thể làm hỏng tuyến tụy, dẫn đến bệnh tiểu đường, kháng insulin hoặc hội chứng chuyển hóa — làm tăng nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tiểu đường và bệnh tim.
Giảm sulfat
Sulfat hóa là một quá trình liên hợp liên quan đến một số chức năng cơ thể quan trọng. Giảm sulfat hóa do phthalate gây ra có thể làm gián đoạn quá trình giải độc bình thường và điều hòa hormone, dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm các vấn đề về tuyến giáp.
Thiếu kẽm
Kẽm — một chất dinh dưỡng thiết yếu giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp chuyển hóa vitamin A và B6, đồng thời hỗ trợ chữa bệnh — có thể bị cạn kiệt bởi phthalate. Thiếu kẽm có thể dẫn đến nhiều loại bệnh tật, bao gồm trầm cảm, bệnh tim, ung thư và kết hợp với việc giảm DHA, viêm mãn tính và các bệnh liên quan.
Làm thế nào để giảm thiểu mức tiêu thụ nhựa cho cơ thể?
Một trăm năm trước, ngay khi nhựa đang được phát triển, con người đã mua bán, dự trữ và tiêu thụ thực phẩm và đồ uống mà không cần đến nhựa. Bằng cách quay trở lại các vật liệu và phương pháp truyền thống, chúng ta có thể hạn chế tiếp xúc với các hóa chất độc hại trong nhựa.
Uống nước máy đã lọc
Nước đóng chai, theo một nghiên cứu năm 2018, chứa gấp đôi vi nhựa so với nước máy thông thường. Miễn là nước máy an toàn để uống, không có lý do gì để bạn mua nước đóng chai.
Hãy lắp thêm thiết bị lọc nước chất lượng cao nếu nước máy trong nhà có vị clo hoặc các khoáng chất khó chịu khác. Điều này giúp mang lại cho nước hương vị trung tính, đồng thời làm giảm thêm dư lượng vi hạt nhựa.
Thay vì dùng chai nhựa để chứa nước, hãy dùng chai thủy tinh và gốm, đồng thời mua chai nước bằng thép không gỉ để mang nước theo người. Chúng bền, dễ làm sạch và có thể sử dụng lâu dài.
Chọn thực phẩm tươi thay vì chế biến sẵn
Thực phẩm được chế biến và đóng gói thường bị nhiễm các hợp chất hóa học. Ngay cả lon thiếc cũng được lót bằng nhựa chứa BPA. Hãy mua thực phẩm tươi từ chợ hay siêu thị, tốt nhất nên mua hàng đóng gói trong lọ thủy tinh hoặc bìa cứng thay vì nhựa.
Hiện nay ngày càng nhiều cửa hàng cho phép khách hàng đựng đồ vào túi riêng, trong trường hợp đó bạn có thể mang túi vải từ nhà đi. Mặc dù cá, thịt, phô mai và các thực phẩm tương tự cần phải được bọc riêng cho sạch sẽ, nhưng bạn có thể yêu cầu người bán sử dụng giấy sáp thay vì màng hoặc túi nilon.
Sử dụng hộp thủy tinh hoặc thép không gỉ để bảo quản
Hóa chất có trong hộp bảo quản bằng nhựa có thể dễ dàng ngấm vào thực phẩm và chất lỏng. Hãy đầu tư một bộ hộp đựng bằng thủy tinh hoặc thép không gỉ để giữ thức ăn thừa trong tủ lạnh và chuyển thực phẩm đựng trong túi nilon sang lọ thủy tinh. Điều này không chỉ giúp thức ăn không nhiễm hóa chất từ đồ nhựa mà còn trông bắt mắt hơn.
Tương tự như vậy, hãy cố gắng mua các sản phẩm làm đẹp được đóng gói bằng thủy tinh hoặc gốm hoặc chuyển chai đựng sau khi mua. Da là cơ quan có diện tích rộng nhất trên cơ thể và dễ hấp thụ hóa chất khi tiếp xúc.
Nấu ăn bằng dụng cụ truyền thống
Không bao giờ được đun nóng thức ăn đựng trong đồ nhựa, vì đun nóng làm tăng khả năng hóa chất ngấm ra ngoài.
Chảo chống dính được phủ một lớp teflon, chất này không chỉ có thể ngấm hóa chất vào thức ăn của bạn, mà nó còn tự mòn đi theo thời gian và cuối cùng bạn sẽ nuốt phải nó.
Nồi và chảo bằng thép không gỉ chất lượng cao có thể chống dính nếu được sử dụng đúng cách cùng các loại dầu tốt cho sức khỏe. Dụng cụ nấu bằng gang truyền thống hầu như không gây dính với thực phẩm đã được tẩm gia vị, hơn nữa chúng còn bổ sung một ít chất sắt vào chế độ ăn uống của bạn một cách tự nhiên.
Mặc dù nhiều bao bì nhựa được sản xuất để sử dụng trong lò vi sóng, nhưng vì sự an toàn của chính bạn, hãy để thức ăn vào đồ thủy tinh, thép không gỉ hoặc thậm chí là gang. Bạn cũng nên sử dụng bếp hoặc lò nướng thay cho lò vi sóng.
Giữ nhà cửa và cơ thể sạch sẽ
Nhiều hạt vi nhựa rất nhỏ có thể tạo thành những hạt bụi không thể nhìn thấy. Chúng có thể tồn tại trong môi trường một thời gian dài. Để giảm thiểu việc hít phải hạt vi nhựa, hãy giữ một ngôi nhà sạch sẽ.
Hút bụi thường xuyên bằng bộ lọc HEPA. Lau bụi bằng một miếng vải ẩm là cách hiệu quả nhất để ngăn nó lan rộng. Rũ thảm ở ngoài trời và hút bụi bề mặt thảm giúp ngăn bụi tích tụ trong nhà bạn.
Máy lọc không khí cũng có thể được sử dụng để loại bỏ nhựa trong không khí. Chúng không quá đắt và đủ nhỏ để di chuyển từ phòng này sang phòng khác.
Cũng cần lưu ý rằng quần áo và bộ đồ giường của chúng ta là nguồn chính chứa các hạt bụi. Bằng cách chọn sợi tự nhiên thay vì vải nhân tạo, bạn có thể giảm thiểu vi hạt nhựa trong môi trường của mình.
Để thanh lọc cơ thể, có nhiều loại thực phẩm và thảo dược giúp cơ thể loại bỏ độc tố một cách tự nhiên, có thể kể đến như chanh, ngò, nghệ và trà xanh. Thường xuyên áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp cơ thể bạn đối phó với vô số chất gây ô nhiễm không thể tránh khỏi mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày.
Từ khóa độc hại đồ dùng nhựa phthalates sơn móng tay keo xịt tóc bao bì thực phẩm đồ chơi trẻ em mỹ phẩm vi hạt nhựa