Chuyên gia: 5 Sai lầm sức khoẻ phổ biến cần tránh sau tuổi 60
- Ellen Wan
- •
Bước sang tuổi 60 đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong cuộc đời. Đặc biệt là nhiều thói quen sức khỏe được coi là bình thường nhưng có thể không còn phù hợp khi qua ngưỡng tuổi này.
Khi bước sang tuổi 60, cơ thể trải qua những thay đổi đáng kể đòi hỏi chúng ta phải đánh giá lại các thói quen sức khỏe của mình. Yoshinori Fujiwara, phó chủ tịch Viện Lão khoa Thủ đô Tokyo, trên Tạp chí J PRIME đã nhấn mạnh 5 sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải sau tuổi 60 và đưa ra lời khuyên để phòng tránh.
Sai lầm 1: Tập thể dục ngay sau khi thức dậy
Huyết áp bắt đầu tăng lên một cách tự nhiên vào buổi sáng. Nghiên cứu đã chỉ ra những người có huyết áp tăng đột biến vào buổi sáng dễ bị đột quỵ hơn. Đối với những người bị huyết áp cao hoặc cholesterol cao, tập thể dục ngay sau khi thức dậy có thể khiến huyết áp tăng đột ngột, làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Khuyến nghị:
Tập thể dục sau khi thức dậy ít nhất 30 phút. Bắt đầu bằng những động tác nhẹ nhàng trên giường và uống nước để bù nước và cải thiện lưu thông máu, vì máu có xu hướng đặc lại trong khi ngủ.
Mẹo đi bộ:
Ông Fujiwara lưu ý rằng thông thường mọi người đi 10.000 bước mỗi ngày, nhưng lại không phù hợp với người trên 60 tuổi. Đối với những người không quen tập thể dục thường xuyên, đi bộ 10.000 bước mỗi ngày có thể dẫn đến đau lưng và đau chân, thậm chí là mệt mỏi làm suy yếu hệ thống miễn dịch, gây khó chịu. Ông khuyên không nên quá chú trọng vào số bước chân, mà điểm quan trọng là vừa sức.
Một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên Tạp chí Y tế Công cộng Lancet cho thấy người từ 60 tuổi trở lên có thể giảm đáng kể nguy cơ tử vong bằng cách đi bộ từ 6.000 đến 8.000 bước mỗi ngày.
Một nghiên cứu khác liên quan đến hơn 30.000 người lớn cho thấy rằng đi bộ thêm 1.000 bước mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, cũng như tỷ lệ mắc và tử vong liên quan đến các bệnh tim mạch.
Sai lầm 2: Tránh ăn thịt
Theo ông Fujiwara, một số người lớn tuổi giảm ăn thịt do các vấn đề về răng miệng hoặc lo ngại về chất béo và cholesterol. Tuy nhiên, ăn thịt mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe cho những người trên 60 tuổi.
Ngoài việc là nguồn cung cấp protein chất lượng cao, thịt còn giàu chất sắt, giúp ngăn ngừa thiếu máu và vitamin B1, hỗ trợ chuyển hóa carbohydrate thành năng lượng.
Hơn nữa, thịt chứa tryptophan, một loại axit amin thiết yếu đóng vai trò là tiền chất của serotonin, có lợi cho điều chỉnh tâm trạng.
Khuyến nghị
Ông Fujiwara khuyến nghị tỷ lệ cá và thịt là 1:1 trong các bữa ăn hàng ngày.
Một số người lớn tuổi có thể lo ngại về nguy cơ ung thư trực tràng tăng cao liên quan đến việc tiêu thụ thịt đỏ. Theo Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới Quốc tế, lượng thịt đỏ tiêu thụ không được vượt quá 18 ounce (500 gram) mỗi tuần.
Thịt đỏ chưa qua chế biến và nguy cơ mắc bệnh
Cần lưu ý rằng trái ngược với các loại thịt chế biến sẵn như thịt xông khói hoặc xúc xích, việc tiêu thụ thịt đỏ chưa qua chế biến có thể không đem đến nguy cơ đáng kể. Một nghiên cứu năm 2023 được công bố trên Tạp chí Nature Medicine chỉ tìm thấy “bằng chứng yếu về mối liên hệ” giữa việc tiêu thụ thịt đỏ chưa qua chế biến và nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, ung thư vú, tiểu đường loại 2 và bệnh tim.
Nghiên cứu chỉ ra rằng những người tiêu thụ nhiều thịt đỏ chưa qua chế biến có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn khoảng 6% và nguy cơ mắc ung thư vú, tiểu đường loại 2 và bệnh tim thiếu máu cục bộ cao hơn từ 1 đến 3%, nhưng không làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Sai lầm 3: Áp dụng chế độ ăn ít carbohydrate
Ông Fujiwara cho rằng mặc dù chế độ ăn ít carbohydrate đang là xu hướng, nhưng sau 60 tuổi, chúng có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng và các vấn đề sức khỏe khác. Điều này càng đáng lo ngại khi thuận theo tuổi tác mọi người ăn ít hơn do hoạt động thể chất và khả năng nhai có xu hướng giảm.
Khuyến nghị
Theo ông Fujiwara chế độ ăn uống cần cân bằng, nhấn mạnh rằng mỗi bữa ăn nên bao gồm một loại thực phẩm chính cùng với các món ăn kèm.
Một nghiên cứu được công bố trên The Lancet Public Health, trong đó phân tích dữ liệu từ hơn 15.000 người Mỹ, phát hiện rằng ăn quá nhiều hoặc ít carbohydrate đều có liên quan đến tăng nguy cơ tử vong. Những người có lượng carbohydrate chiếm 50 đến 55 phần trăm tổng lượng calo ăn vào có nguy cơ tử vong thấp nhất.
Sai lầm 4: Uống cà phê thay nước
Cà phê mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Các nghiên cứu đã chỉ ra uống cà phê ở mức vừa phải có thể làm giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân và bảo vệ sức khỏe tim mạch. Chìa khóa ở đây là điều độ.
Vì cà phê có tác dụng lợi tiểu nên đây không phải là cách bù nước hiệu quả. Khi già đi, chúng ta không còn thường xuyên cảm thấy khát, do đó việc hình thành thói quen cung cấp nước thường xuyên cho cơ thể là điều quan trọng.
Khuyến nghị
Sau 60 tuổi, lý tưởng nhất là nên hạn chế uống cà phê ở mức khoảng 2 cốc mỗi ngày, ông Fujiwara lưu ý. Nên uống nhiều đồ uống không chứa caffein hơn, chẳng hạn như nước lọc.
Một nghiên cứu phát hiện thấy đối với những người uống cà phê thường xuyên, tiêu thụ 3 mg caffein trên mỗi kg trọng lượng cơ thể không gây ra tình trạng đi tiểu nhiều. Tuy nhiên, khi lượng tiêu thụ tăng gấp đôi, lượng nước tiểu cũng tăng gấp đôi.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng uống 2 đến 3 tách cà phê mỗi ngày thường không ảnh hưởng gì, nhưng uống trên 4 tách có thể dẫn đến tác dụng lợi tiểu mạnh. Tuy nhiên, nồng độ caffein khác nhau tùy theo từng loại cà phê, do đó số lượng trên chỉ là tương đối.
Sai lầm 5: Bỏ qua việc kiểm tra răng miệng định kỳ
Sức khỏe răng miệng rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể, đặc biệt là sau 60 tuổi, theo ông Fujiwara. Các vấn đề ngoài sâu răng có thể phát sinh, ảnh hưởng đến dinh dưỡng và sức khỏe nói chung.
Khi mọi người già đi, các mô miệng cũng lão hoá giống như các bộ phận khác của cơ thể, Ya-Lan Tsai, một nha sĩ tại Phòng khám Nha khoa Enjoy ở Đài Loan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times. Điều này có thể dẫn đến thay đổi về vị giác, giảm tiết nước bọt, hôi miệng và tụt nướu. Hở chân răng và sâu răng nghiêm trọng có thể khiến răng bị gãy, cuối cùng có thể cần nhổ răng.
Người lớn tuổi có thể gặp khó khăn khi nhai do mất răng hoặc răng giả không vừa vặn, có thể dẫn đến suy dinh dưỡng và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể. Trong nhiều trường hợp, bệnh nha chu ở người cao tuổi là do chăm sóc răng miệng không đúng cách hoặc vệ sinh răng giả không đầy đủ.
Một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên BMJ Open cho thấy những người mắc bệnh nha chu (bao gồm viêm nha chu và viêm nướu) có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, bệnh tim chuyển hóa, bệnh tự miễn và các tình trạng sức khỏe tâm thần cao hơn.
Khuyến nghị
Nha sĩ Tsai khuyên bạn nên đánh răng 3 lần một ngày, lý tưởng nhất là trong vòng 3 phút sau bữa ăn, mỗi lần khoảng 5 phút. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh răng trước khi đi ngủ.
Ngoài ra, bà gợi ý sử dụng các dụng cụ vệ sinh như chỉ nha khoa để làm sạch kỹ lưỡng bề mặt tiếp xúc giữa các răng bằng cách di chuyển chỉ nha khoa qua lại. Đối với người lớn tuổi có khả năng phối hợp tay hạn chế, dùng bàn chải đánh răng điện sẽ hiệu quả hơn.
Theo Ellen Wan, The Epoch Times
Đại Hải biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa người lớn tuổi dưỡng sinh người cao tuổi dinh dưỡng