Lộ tài liệu cho thấy Thái Lan lo ngại về khả năng bảo vệ của vắc-xin Sinovac?
- Vương Quân
- •
Gần đây, một văn bản của Bộ Y tế Thái Lan bị rò rỉ, nội dung cho biết Thái Lan sẽ nhận được 1,5 triệu liều vắc-xin Pfizer trong tháng này và tháng sau. Ngoài ra, trong đó còn có đề xuất “cho phép những người đã được tiêm vắc-xin Sinovac trước đó được tiêm liều vắc-xin thứ ba để tăng khả năng bảo vệ”. Tài liệu đã được xác nhận bởi Bộ trưởng Bộ Y tế Cộng đồng Thái Lan Anutin Charnvirakul.
Tính đến ngày 3/7, khoảng 11,1% người dân ở Thái Lan đã được tiêm một liều vắc-xin COVID-19, trong đó hầu hết các nhân viên y tế Thái Lan đã tiêm vắc-xin Sinovac của Trung Quốc. Tuy nhiên theo Reuters, gần đây một văn bản ghi nhớ nội bộ của Bộ Y tế Thái đã bị rò rỉ cho thấy, một quan chức giấu tên khuyến cáo nhân viên y tế tuyến đầu không nên tiêm liều thứ ba bằng vắc-xin Pfizer, bởi vì điều này đồng nghĩa với việc thừa nhận rằng “vắc-xin Sinovac (Trung Quốc) không có hiệu quả”. Khi bình luận này được đưa ra công khai, ngược lại càng khiến các chuyên gia y tế cộng đồng của Thái Lan hô hào mạnh mẽ rằng các nhân viên y tế của Thái Lan cần phải được tiêm bổ sung Pfizer.
Hashtag “Tặng Pfizer cho nhân viên y tế” đang thịnh hành trên Twitter Thái Lan với hơn 624.000 lượt tweet vào hôm thứ Hai.
Mặc dù ông Opas Karnkawinpong, một quan chức y tế hàng đầu của Thái Lan, nói với báo chí rằng tài liệu này là giả, nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế Cộng đồng Thái Lan Anutin Charnvirakul lại xác nhận rằng đó là tài liệu thật. Có điều, ông này nói thêm rằng hai liều vắc-xin Sinovac có khả năng bảo vệ chống lại virus cao hơn tiêu chuẩn. Thái Lan đã mua 20 triệu liều vắc-xin Pfizer để đáp ứng nhu cầu trong tương lai.
Các chuyên gia từ Tổ chức Y tế Thế giới phát hiện ra rằng vắc-xin Sinovac có thể giúp người lớn dưới 60 tuổi ngừa COVID-19, nhưng cảnh báo rằng dữ liệu thử nghiệm về “phản ứng có hại nghiêm trọng” là không đủ.
Liệu thế giới có lo lắng về vắc-xin của Trung Quốc?
Vào ngày 12/5, Hiệp hội bóng chuyền Thái Lan đã đưa ra thông báo cho biết tổng cộng 26 người trong trại huấn luyện bóng chuyền nữ quốc gia của Thái Lan đã được chẩn đoán dương tính với COVID-19, dẫn đến việc phải rút lui khỏi Giải bóng chuyền thế giới sắp diễn ra ở Ý vào cuối tháng Năm. Được biết, đội bóng chuyền nữ Thái Lan và các nhân viên đã được tiêm liều vắc-xin Sinovac Trung Quốc đầu tiên vào ngày 29/4.
Theo báo cáo của tờ Washington Post, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất gần đây đã bắt đầu cho những người đã được tiêm vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc một “mũi tiêm nhắc lại”, tức là tiêm thêm một liều vắc-xin Pfizer. Hơn nữa, cả Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đều là những quốc gia đã chấp thuận cho vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc được bán trên thị trường tại quốc gia của họ trước đó. Việc này cũng từng được truyền thông nhà nước Trung Quốc (ĐCSTQ) dùng để quảng cáo rộng rãi.
Ngày 17/6, các quan chức y tế Indonesia cho biết hơn 350 nhân viên y tế vẫn bị nhiễm COVID-19 sau khi tiêm vắc-xin Sinovac của Trung Quốc và hàng chục người trong số họ phải nhập viện. Điều này khiến mọi người lo lắng hơn về việc liệu vắc-xin Trung Quốc có thể chống lại biến thể Delta dễ lây truyền hơn hay không.
Vào ngày 16/6, sau khi đánh giá báo cáo nghiên cứu lâm sàng về vắc-xin Sinovac của Trung Quốc, các quan chức Costa Rica tuyên bố rằng vắc-xin này “hiệu quả không đủ” để ngăn ngừa nhiễm COVID-19, và do đó quyết định không sử dụng vào thời điểm này.
Theo các báo cáo nước ngoài, nhiều người Brazil thà xếp hàng chờ nhận vắc-xin Pfizer hơn là vắc-xin Sinovac của Trung Quốc, hiện được coi là vắc-xin chủ yếu ở Brazil. Nguyên nhân chính là do tỷ lệ hiệu quả của vắc-xin Sinovac thấp hơn nhiều so với các loại vắc-xin khác, một số người Brazil cũng sinh ra nghi ngờ vì lý do này.
Dịch COVID-19 ở Pháp đang có dấu hiệu chậm lại và những hạn chế đối với du khách nước ngoài tiêm phòng đã được nới lỏng trong những ngày gần đây. Pháp cũng thông báo rằng những người đã được tiêm phòng có thể không cần cung cấp “lý do khẩn cấp” khi nhập cảnh vào nước này, nhưng chỉ công nhận vắc-xin Moderna, Pfizer BNT, AZ và Johnson & Johnson, còn vắc-xin Sinopharm và Sinovac không thuộc phạm vi phê duyệt.
Vương Quân, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Vắc-xin Sinovac Vắc-xin Trump vắc-xin Trung Quốc virus corona