Nguyên nhân và cách ngăn ngừa chảy máu cam
- Minh Khuê
- •
Chảy máu cam xảy ra khi các mạch máu bên trong mũi bị vỡ. Nguyên nhân dẫn đến chảy máu cam có thể là do thói quen ngoáy mũi, mũi bị khô hoặc triệu chứng của một số bệnh lý.
Anne Getz, bác sĩ, một nhà nghiên cứu trong khoa mũi học tại Trung tâm UCHealth Sinus, cho biết không phải lúc nào chảy máu cam cũng là một điềm báo xấu, trừ khi nó xảy ra thường xuyên và chảy rất nhiều máu.
Dưới đây là một số nguyên nhân cơ bản gây ra chảy máu cam
Olivia Kalmanson, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng tại Đại học Colorado cho biết chảy máu cam có thể đột ngột xuất hiện vì nhiều lý do.
Khô mũi: Sống trong khí hậu khô cằn, sử dụng máy sưởi nóng và tình trạng mất nước thường góp phần gây ra chứng khô cho mũi của bạn. Chảy máu cam ở người lớn cũng thường xuất hiện vào những ngày thời tiết thay đổi đột ngột, quá nóng hoặc quá lạnh, đặc biệt là vào mùa đông hanh khô.
Tác động của thuốc men: Bác sĩ Anne Getz liệt kê một số loại thuốc gây khô mũi dẫn đến chảy máu cam gồm thuốc kháng histamine, thuốc thông mũi, thuốc xịt steroid mũi và oxy qua mũi.
Bệnh tật: Bệnh xoang hoặc cảm lạnh có thể làm tăng nguy cơ bị chảy máu cam vì lúc này niêm mạc mũi của bạn đang bị kích thích. Những người huyết áp cao hoặc phụ nữ đang mang thai cũng dễ bị chảy máu cam hơn bình thường.
Một vách ngăn mũi bị lệch: Hiện tượng này xảy ra khi hai nửa mũi của bạn không có hình dạng đối xứng với nhau từ khi ở trong bụng mẹ. Vách ngăn mũi bị vẹo có thể làm thay đổi luồng không khí bình thường đi qua mũi, dẫn đến tình trạng chảy máu cam.
Phải xử lý thế nào khi bị chảy máu mũi?
– Không ngửa đầu ra sau: Nhiều người nghĩ rằng ngửa đầu ra sau là cách đúng đắn giúp máu ngừng chảy, nhưng thực tế bạn chỉ đang tự nuốt lại lượng máu từ mũi chảy ra cho đến khi máu tự ngừng, bác sĩ Kalmanson cho biết.
– Bịt chặt 2 lỗ mũi: Bác sĩ Olivia Kalmanson cho biết bạn không nên véo sống mũi, mà hãy dùng ngón tay bịt chặt hai lỗ mũi. Bạn giữ tư thế như đang ngụp lặn dưới nước trong 15 phút liên tục để máu ngừng chảy. Nếu cần, hãy lặp lại chu kỳ này thêm một lần nữa.
– Dùng thuốc xịt mũi: Nếu bạn thường xuyên bị chảy máu cam thì hãy chuẩn bị sẵn một lọ thuốc thông mũi ở trong nhà. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện.
– Không dính bất cứ thứ gì vào trong mũi của bạn: Nghe có vẻ thiếu thuyết phục nhưng bạn không nên cho giấy ăn hay bông vào trong mũi để dịt máu. Bác sĩ Kalmanson lưu ý rằng những thứ đó có thể làm bật các cục màu đông vừa hình thành.
– Đừng xì mũi: Nếu muốn xì mũi, bạn phải chờ vài tiếng sau khi máu đã thực sự khô. Bởi hành động xì mạnh sẽ làm cục máu đông bong ra làm máu cam sẽ tiếp tục chảy.
Làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng chảy máu cam?
Khô mũi là nguyên nhân chủ yếu gây ra chảy máu cam. Vì thế bạn hãy giữ ẩm cho mũi bằng cách xịt nước muối 3-4 lần một ngày hoặc dùng máy phun sương tạo độ ẩm trong nhà.
Bệnh huyết áp cao cũng làm tăng nguy cơ chảy máu cam. Vì thế bạn hãy tuân thủ nghiêm túc đơn thuốc điều trị do bác sĩ chỉ định.
Theo bác sĩ Kalmanson, bạn không nên chọc ngón tay vào mũi. Nếu có vảy khô trong mũi, bạn hãy làm mềm chúng bằng nước muối sinh lý (dạng xịt) rồi rửa/xì nhẹ để đẩy chúng ra ngoài.
Ngoài ra, bạn nên hình thành các thói quen lành mạnh như uống nhiều nước, giảm tiêu thụ caffeine, thường xuyên tập thể dục để cải thiện sức khỏe tim mạch, ra ngoài tiếp xúc với thiên nhiên.
Khi nào thì nên đến gặp bác sĩ?
Chảy máu cam là hiện tượng phổ biến ở người lớn nhưng cũng có thể là dấu hiệu báo động bạn đang mắc căn bệnh nào đó. Nếu đã thử các phương pháp trên mà tình trạng chảy máu cam vẫn không thuyên giảm, bạn cần đến gặp bác sĩ tai mũi họng để được hướng dẫn điều trị đúng cách.
Nếu chảy máu cam là dấu hiệu của một khối u, bạn sẽ nhận thấy cả các triệu chứng khác như mệt mỏi, sụt cân, đau đầu, đau mắt, hoa mắt, tê mặt. Bệnh bạch cầu và các yếu tố liên quan đến việc điều hòa chức năng/sản xuất các thành phần của máu cũng có thể gây ra hiện tượng chảy máu cam thường xuyên hoặc khó kiểm soát khi chảy máu.
Minh Khuê (The Insider)
Xem thêm:
Từ khóa Chảy máu cam Bảo vệ sức khỏe