3 nước im lặng, không có lời chia buồn về cái chết của ông Giang Trạch Dân
- Văn Khả Y
- •
Chính phủ các nước lần lượt gửi lời chia buồn sau khi các phương tiện truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin ông Giang Trạch Dân qua đời hôm 30/11. Tuy nhiên giới quan sát thấy có 3 quốc gia im lặng.
The South China Morning Post (SCMP) đưa tin, tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm Thứ Tư (30/11) trước khi đại diện các nước bỏ phiếu về một nghị quyết, thì ông Harold Agyeman, người đứng đầu phái đoàn Ghana và cũng là chủ tịch hội đồng vào tháng 11, đã thay mặt cho Hội đồng Bảo an bày tỏ cảm thông sâu sắc nhất tới Bắc Kinh về cái chết của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, và sau đó toàn bộ nhân viên đứng dậy mặc niệm một phút.
Sau khi nghị quyết “Phổ biến vũ khí hạt nhân là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế” được nhất trí thông qua, ông Agyeman cùng các đại diện của Nga, Mexico, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Albania, Na Uy, và Ireland đã bày tỏ lời chia buồn trước khi phát biểu.
Còn các đại diện của Hoa Kỳ, Ấn Độ, và Vương quốc Anh không bày tỏ gì, mà trực tiếp đề cập đến nghị quyết.
Tính đến Thứ Năm (1/12), thì ba quốc gia —Hoa Kỳ, Ấn Độ, và Vương quốc Anh— đã không có bất kỳ thông báo hay biểu thị gì về cái chết của ông Giang. Xem ra, điều này cho thấy mối quan hệ giữa ba quốc gia Mỹ, Ấn Độ, Anh quốc với Bắc Kinh ngày càng trở nên căng thẳng.
Căng thẳng giữa Mỹ, Ấn Độ, Anh quốc với Bắc Kinh đang gia tăng
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken từng nói rằng Hoa Kỳ đang làm việc để tăng cường năng lực ứng biến của NATO nhằm đối mặt trước những thách thức từ Trung Quốc. Ông cũng nói rằng Bắc Kinh là “một thách thức mang tính hệ thống đối với an ninh Châu Âu – Đại Tây Dương.”
SCMP cũng trích dẫn nhận xét của ông, “Các đồng minh chúng ta cảm thấy lo lắng trước các chính sách cưỡng chế, đưa tin sai lệch của Bắc Kinh, và những tập kết quân đội nhanh chóng nhưng không minh bạch [vì sao], cũng như hợp tác với Nga.”
Thủ tướng Anh Rishi Sunak cách đây không lâu đã nói rằng thời kỳ vàng son của quan hệ Anh-Trung đã qua và Trung Quốc đang trở nên bá đạo hơn, đã thành một thách thức mang tính hệ thống đối với các giá trị và uy quyền của Vương quốc Anh.
Quan hệ giữa Ấn Độ và Bắc Kinh vốn đã căng thẳng vì tranh chấp biên giới trong những năm gần đây. Căng thẳng leo thang vào Thứ Tư khi Hoa Kỳ và Ấn Độ tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung dọc theo biên giới tranh chấp.
Thái độ của các thành viên EU là khác với ba quốc gia này. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel đã tweet “lời chia buồn chân thành” của mình. Ông Michel dự định đến Bắc Kinh vào Thứ Năm để gặp gỡ các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm cả Tập Cận Bình. Tuy nhiên chuyến đi của ông tới Trung Quốc đã bị một số nhà lập pháp EU chỉ trích.
Washington đang cố gắng kết minh với EU, để đối kháng bành trướng toàn cầu hiện nay của Bắc Kinh. Nhưng các công ty của EU đang lệ thuộc nhiều vào đầu tư của Trung Quốc. SCMP nhận định rằng ông Michel đang ở tình thế khó xử.
Thời điểm ĐCSTQ đưa tin về cái chết của ông Giang, cũng là lúc Bắc Kinh phải đau đầu trước hàng loạt biểu tình nổ ra khắp nơi ở Trung Quốc, còn có tên là “phong trào giấy trắng”, đòi tự do chính trị và phản đối chính sách phòng dịch hà khắc.
Giới quan sát cho rằng việc đưa tin về cái chết của ông Giang đã thành công chuyển hướng dư luận, rời chú ý khỏi “phong trào giấy trắng”. Tất cả phương tiện truyền thông của Trung Quốc đồng loạt đưa tin về cái chết của ông Giang. Các website trong hệ thống của ĐCSTQ chuyển sang màu đen-trắng.
Tân Hoa Xã đưa tin về cái chết của ông Giang Trạch Dân vào 4h32 chiều ngày 30/11. Mặc dù tin tức “bệnh hiểm nghèo” của ông Giang vẫn thường trực hơn 10 năm qua, nhưng thông tin ông qua đời vẫn lập tức trở thành chủ đề sôi nổi của người Hoa cả trong và ngoài nước. Nó nhanh chóng thay chỗ chủ đề zero-COVID và “phong trào giấy trắng” ở sân khấu chính.
Từ khóa Giang Trạch Dân Giang Trạch Dân qua đời