4 nhà lập pháp Mỹ phản đối việc mời Đặc khu trưởng Hồng Kông tham dự APEC
- Gia Huy
- •
Hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tiếp theo sẽ được tổ chức tại thành phố San Francisco, bang California của Hoa Kỳ vào tháng 11 năm nay. Bốn thành viên lưỡng đảng của Quốc hội Hoa Kỳ gần đây đã ký một bức thư gửi cho Ngoại trưởng Blinken để phản đối việc mời Đặc khu trưởng Hồng Kông Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu) tham dự hội nghị này.
Thượng nghị sĩ (TNS) Đảng Cộng hòa Marco Rubio, TNS Đảng Dân chủ Jeff Merkley, Dân biểu Đảng Cộng hòa Chris Smith, và Dân biểu Đảng Dân chủ Jim McGovern đã cùng ký một bức thư gửi cho Ngoại trưởng Blinken vào ngày 7/6 để bày tỏ mối quan ngại về việc Hoa Kỳ mời ông Lý tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC. Trong bức thư, các nhà lập pháp cũng chỉ trích việc chính quyền Hồng Kông đã tham gia đàn áp thô bạo những người biểu tình ôn hòa vào năm 2019, vì vậy việc mời Đặc khu trưởng Lý Gia Siêu, người từng là một thành viên cấp cao trong chính quyền Hồng Kông vào thời đó, tham dự hội nghị APEC sẽ gửi một tín hiệu khủng khiếp đến những kẻ vi phạm nhân quyền trên khắp thế giới.
Bức thư chung của các nhà lập pháp lưu ý rằng Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ông Lý vào năm 2020, khi đó ông đang là Bộ trưởng An ninh Hồng Kông, bởi vì ông bị cáo buộc sử dụng bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa phản đối Luật An ninh Quốc gia (NSL) hà khắc do Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông. Trừ khi ông Lý nhận được sự miễn trừ từ chính phủ Mỹ, nếu không ông sẽ không được phép bước chân vào Hoa Kỳ.
Bốn nhà lập pháp bày tỏ sự thất vọng trước kế hoạch của chính quyền Biden trong việc miễn trừ các biện pháp trừng phạt đối với ông Lý Gia Siêu và cho phép ông ấy nhập cảnh vào Hoa Kỳ để tham dự hội nghị APEC.
Tên của các nạn nhân được đề cập trong bức thư
Bức thư đề cập rằng Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đã nghỉ hưu Wendy Sherman xác nhận rằng chính phủ Hoa Kỳ dự định mời ông Lý đến dự hội nghị APEC. Bà giải thích rằng, Hoa Kỳ, với tư cách là nước chủ nhà, có trách nhiệm quan trọng trong việc thúc đẩy đối thoại kinh tế khu vực cũng như hợp tác với Trung Quốc để duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu.
Bốn nhà lập pháp phản hồi rằng mặc dù họ hiểu tầm quan trọng của việc thúc đẩy đối thoại kinh tế khu vực với các đồng minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhưng việc mời ông Lý, một người vi phạm nhân quyền bị Hoa Kỳ trừng phạt, là một sự sỉ nhục đối với tất cả những người Hồng Kông bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các cơ quan đại diện của nó ở Hồng Kông bức hại. Các nhà lập pháp đã nêu tên các nạn nhân, bao gồm các công dân Mỹ như Samuel Bickett, John Leung Shing-wan, cũng như những người Hồng Kông như Jimmy Lai, Hồng y Joseph Zen Ze-kiun, và Joshua Wong Chi-fung ( như những ví dụ đáng chú ý).
Đoạn cuối của bức thư nhấn mạnh rằng kể từ khi Hoa Kỳ thông qua “Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông” vào năm 2019 cho đến tháng 3/2023, tất cả Ngoại trưởng Mỹ đều không chứng nhận rằng Hồng Kông được hưởng quyền tự trị mức độ cao (đây là điều kiện tiên quyết đến Hồng Kông được hưởng chế độ đối xử đặc biệt theo luật của Hòa Kỳ). Do đó, bốn nhà lập pháp đã kêu gọi Ngoại trưởng Blinken phủ quyết bất kỳ hành động nào cho phép Trung Quốc hiện diện không tương xứng tại hội nghị thượng đỉnh APEC, bao gồm cả việc cấm ông Lý nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 8/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cho biết, ông tin tưởng Hoa Kỳ sẽ thực hiện các cam kết của mình trong việc đảm bảo sự tham gia hợp pháp của các đại diện từ tất cả các thành viên APEC, bao gồm cả Hồng Kông. Phát ngôn viên của Văn phòng Đặc khu trưởng Hồng Kông cũng lưu ý, nước chủ nhà APEC có trách nhiệm mời ông Lý và “sự lãnh đạo của ông Lý trong việc hướng dẫn Hồng Kông kiên quyết thực hiện trách nhiệm duy trì an ninh quốc gia, là công bằng và chính trực, kiên quyết với sự tín nhiệm được giao.”
Quan điểm của học giả về tình huống nhạy cảm này
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Epoch Times hôm 8/6, ông Benson Wong Wai-Kwok, cựu trợ lý giáo sư về chính trị và quan hệ quốc tế của Đại học Baptist, cho rằng việc ông Lý hoặc các quan chức khác của chính phủ Hồng Kông có thể nhập cảnh Hoa Kỳ để tham dự hội nghị APEC hay không có thể phụ thuộc vào ba yếu tố.
Đầu tiên, liệu chính phủ Hoa Kỳ có sử dụng việc nhập cảnh của ông Lý và các quan chức khác của chính phủ Hồng Kông để thể hiện thiện chí với ĐCSTQ rằng Washington sẵn sàng tiếp tục đối thoại với Bắc Kinh hay không.
Thứ hai, Hoa Kỳ vẫn muốn Ngoại trưởng Blinken đến thăm Trung Quốc vào cuối năm nay. Do đó, chuyến thăm chính thức của ông Lý và các thành viên khác của chính phủ Hồng Kông tới Hoa Kỳ có thể là một trong những điều khoản trao đổi với Trung Quốc.
Thứ ba, liệu chính quyền Biden có xem việc ủng hộ các yêu cầu của người dân Hồng Kông chống lại ĐCSTQ kể từ năm 2019 vẫn còn quan trọng hay không. Nếu có, thì việc mời ông Lý, người đã bị Hoa Kỳ trừng phạt, tham dự hội nghị là điều không thể hiểu được.
Ngoài ra ông ông Wong cũng đặt nghi vấn liệu chính phủ Hoa Kỳ có đánh giá sai ý định tốt đẹp của ĐCSTQ hay không. Và việc mời ông Lý tham dự sự kiện APEC không chỉ là một sự sỉ nhục đối với người dân Hồng Kông đang bị Luật an ninh quốc gia hà khắc bức hại và đàn áp, mà ông còn đặt câu hỏi liệu Hoa Kỳ có phản bội người dân Hồng Kông hay không.
Bị Hoa Kỳ trừng phạt kể từ năm 2020
Ngày 7/8/2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với 11 quan chức của Hồng Kông và Trung Quốc đại lục, bao gồm Đặc khu trưởng Hồng Kông khi đó Carrie Lam Cheng Yuet-ngor, Bộ trưởng Tư pháp Teresa Cheng Yeuk-wah, Bộ trưởng An ninh Lý Gia Siêu (hiện là Đặc khu trưởng). Ủy viên Cảnh sát Chris Tang Ping-keung (hiện là Bộ trưởng An ninh), cùng với các thành viên cấp cao khác của lực lượng Cảnh sát Hồng Kông và các thành viên cấp cao của Văn phòng Liên lạc của Trung Quốc tại Hồng Kông.
Hồ sơ trước đây cũng cho thấy, vào ngày 17/11/2021, Đặc khu trưởng Hồng Kông lúc bấy giờ, bà Carrie Lam, khi trả lời các câu hỏi của giới truyền thông, đã tiết lộ rằng đơn xin thị thực Hoa Kỳ của bà đã bị từ chối. Văn phòng Đặc khu trưởng sau đó cho biết thêm rằng lý do từ chối là do lệnh trừng phạt của chính phủ Hoa Kỳ đối với bà.
Gia Huy (Theo The Epoch Times)