5 điều cần biết về cuộc bầu cử tổng thống Pháp sắp diễn ra
- Trương Đình
- •
Cuộc bầu cử quyết định tổng thống Pháp sẽ diễn ra vào ngày 24/4, ai trong 2 ứng viên là đương kim Tổng thống Macron và bà Marine Le Pen sẽ giành chiến thắng đã thu hút sự chú ý của toàn cầu.
Ngày 24/4, ông Macron và bà Le Pen sẽ lặp lại cuộc đối đầu cách đây 5 năm. Ông Macron đắc cử tổng thống năm 2017 với số phiếu gần gấp đôi so với bà Le Pen. Trong khi các ứng cử viên trong cuộc bầu cử năm 2022 vẫn giữ nguyên, nhưng lần này, bà Le Pen đang đặt ra một thách thức lớn hơn cho ông Macron. Các cơ quan thăm dò dự đoán số phiếu bầu mà 2 ứng cử viên này giành được trong cuộc bầu cử lần này sẽ rất sát nhau.
Dưới đây là năm điều bạn cần biết về cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2022, dựa trên tổng kết từ các kênh truyền thông như như CNN và Reuters.
Cuộc bầu cử diễn ra như thế nào?
Cử tri Pháp thường bỏ phiếu 2 lần để bầu ra tổng thống mới. Có 12 ứng cử viên trong vòng bỏ phiếu đầu tiên vào ngày 10/4. Họ đủ điều kiện bằng cách nhận được sự ủng hộ của ít nhất 500 thị trưởng và / hoặc ủy viên hội đồng địa phương từ khắp đất nước.
Ông Macron và bà Le Pen nhận được nhiều phiếu bầu nhất trong vòng đầu tiên, trong đó ông Macron dẫn trước bà Le Pen một chút với tỷ lệ phiếu bầu lần lượt là 27,8% và 23,2%. Nhưng vì cả hai đều không giành được hơn 50% phiếu bầu, họ sẽ tổ chức một cuộc bầu cử quyết định vào ngày 24/4.
Đây không phải là cuộc bỏ phiếu toàn quốc duy nhất ở Pháp trong năm nay. Vào tháng Sáu tới, nước Pháp còn có một cuộc bầu cử quốc hội.
Những thời điểm quan trọng nào cần chú ý
Tối ngày 20/4, ông Macron và bà Le Pen sẽ tổ chức một cuộc tranh biện, và được phát sóng bởi đài France 2 và TF1.
Ngày 24/4 là ngày bầu cử tổng thống Pháp. Theo quy định, các ứng cử viên không được phép tiến hành các hoạt động vận động vào ngày trước khi bỏ phiếu hoặc trong Ngày bầu cử. Các phương tiện truyền thông sẽ phải chịu những hạn chế đưa tin nghiêm ngặt trước Ngày bầu cử một ngày cho đến khi cuộc bỏ phiếu kết thúc lúc 8h tối trong Ngày bầu cử.
Cuộc thăm dò cho thấy cuộc chiến tranh cử sẽ rất khốc liệt
Các cuộc thăm dò dư luận trong cuộc bầu cử này cho thấy đây sẽ là một cuộc đua kịch liệt hơn so với cuộc bầu cử năm 2017.
Tổng số phiếu bầu mà ông Macron và bà Le Pen giành được trong vòng bầu cử đầu tiên năm nay đã tăng cao so với năm 2017. Dù vậy, các cuộc thăm dò trước vòng bầu cử đầu tiên vào ngày 10/4 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ của bà Le Pen trong tháng 3 đã tăng vọt.
Theo Reuters đưa tin, trong 5 năm cầm quyền, phong cách sắc nhọn của ông Macron khiến nhiều người không hài lòng, trong khi bà Le Pen đã cố gắng mềm hóa hình tượng của mình. Ông Macron sẽ không thể sử dụng lập trường truyền thống chống cực hữu của cử tri để đẩy lùi đối thủ của mình.
Một cuộc thăm dò được công bố bởi công ty thăm dò Ifop vào ngày 10/4 cho thấy, cuộc tranh cử quyết định vào ngày 24/4 sẽ rất kịch liệt. Ông Macron và bà Le Pen được dự đoán sẽ có lần lượt 51% và 49% ủng hộ trong cuộc bầu cử quyết định này, nhưng khoảng cách quá nhỏ, nên thắng lợi của bất cứ bên nào đều nằm trong phạm vi sai số.
Ưu thế của ông Macron đã tăng lên trong những ngày sau khi có kết quả của vòng bỏ phiếu đầu tiên, nhưng vẫn có thể có nhiều thay đổi trong khoảng thời gian từ bây giờ đến Ngày bầu cử.
Hầu hết các ứng cử viên thua ở vòng đầu đều kêu gọi những người ủng hộ mình chuyển sang ủng hộ ông Macron để ngăn bà Le Pen đắc cử tổng thống. Nhưng ứng cử viên, cựu bình luận viên truyền hình Eric Zemmour kêu gọi những người ủng hộ ông chuyển sang ủng hộ bà Le Pen.
Nếu giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 24/4, ông Macron sẽ trở thành tổng thống Pháp đầu tiên tái đắc cử thành công trong 20 năm qua.
Lập trường chính trị của ông Macron và bà Le Pen là gì?
Cuộc tranh cử năm 2022, cũng như hồi năm 2017, ông Macron đã định vị mình là một ứng cử viên thân châu Âu một cách công khai. Ông Macron đã chủ trương tăng cường sự tự chủ và ảnh hưởng địa chính trị của châu Âu. Nhưng nỗ lực ngoại giao của ông nhằm ngăn chặn Nga xâm lược Ukraine được coi là một thất bại.
Các chính sách đối nội của ông Macron gây chia rẽ hơn và ít được chào đón. Cách xử lý của ông đối với phong trào áo vàng (một trong những cuộc biểu tình lâu dài nhất của Pháp trong nhiều thập kỷ) đã bị chỉ trích rộng rãi.
Chính sách tiêu biểu của ông Macron trong thời kỳ đại dịch COVID-19 lây lan là yêu cầu mọi người phải trình chứng nhận tiêm chủng thì mới có thể có cuộc sống bình thường, nhưng chính sách này cũng đã làm dấy lên sự bất mãn trong một số ít người phản đối ông nhậm chức tổng thống.
Pháp hiện đang phải đối mặt với lạm phát tăng vọt và việc ông Macron tập trung thúc đẩy một chính sách không được hoan nghênh để nâng tuổi nghỉ hưu, đã làm giảm sự ủng hộ của ông trước vòng bầu cử đầu tiên.
Chi phí sinh hoạt là một trong những mối quan tâm hàng đầu của cử tri Pháp trong năm nay. Đối mặt với suy thoái kinh tế từ đại dịch COVID-19, ảnh hưởng bởi giá năng lượng cao và cuộc chiến ở Ukraine, mặc dù chính phủ đã cung cấp hỗ trợ hào phóng đối với các cử tri, nhưng các cử tri vẫn cảm thấy rất nhiều áp lực.
Mặt khác, xung đột Nga – Ukraine cũng là một yếu tố tác động đến cử tri. Trong khi cả ông Macron và bà Le Pen đều cho biết rằng họ hy vọng có một giải pháp nhanh chóng cho cuộc chiến Ukraine, và đã từ chối biến Pháp trở thành nước giao chiến. Nhưng ông Macron là động lực thúc đẩy các lệnh trừng phạt đối với Nga, còn bà Le Pen lại cho rằng những trừng phạt này đe dọa đến sức mua của người Pháp.
Theo công ty Ifop cho biết, vào tuần cuối cùng của tháng Ba, gần 90% người Pháp lo lắng về chiến tranh. Với lập trường của bà Le Pen, có thể sẽ càng có lợi cho ông Macron thu hút những cử tri phản đối cuộc xâm lược của Nga.
Ông Macron và bà Le Pen có sự đối lập về phương diện năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Bà Le Pen cho biết cả hai đều đắt tiền và hiệu quả thấp – bà còn nói rằng các tuabin gió đã làm ảnh hưởng đến cảnh quan của vùng nông thôn truyền thống của Pháp – vì vậy bà muốn loại bỏ trợ cấp cho cả hai công nghệ năng lượng này. Trong khi đó, ông Macron muốn đầu tư hơn nữa chúng.
Khi bà Le Pen tham gia tranh cử vào năm 2017, bà từng tuyên bố sẽ bảo vệ tầng lớp lao động bị lãng quên của Pháp khỏi ảnh hưởng của vấn đề nhập cư, toàn cầu hóa và công nghệ đang khiến công việc của họ bị đào thải. Kể từ đó, bà đã từ bỏ một số đề xuất chính sách gây tranh cãi nhất của mình, chẳng hạn như rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Nhưng nhìn chung, lập trường của bà về chủ nghĩa dân tộc kinh tế, quan điểm của bà về nhập cư bất hợp pháp, sự hoài nghi EU của bà và lập trường về Hồi giáo ở Pháp, đều không thay đổi.
“Ngăn chặn tình trạng di cư không kiểm soát” và “xóa bỏ hệ tư tưởng Hồi giáo” là hai ưu tiên vận động tranh cử của bà. Đồng thời, bà Le Pen cũng đã tìm cách làm dịu lập trường của mình về một số vấn đề, đặc biệt là xung quanh Hồi giáo và Liên minh châu Âu sau Brexit. Bà cam kết bảo vệ những người dễ bị tổn thương và đoàn kết một quốc gia mà tầng lớp tinh hoa đã chán nản.
Trong chiến dịch tranh cử lần này, bà đã tập trung nhiều hơn vào chi phí sinh hoạt, cam kết thực hiện một số biện pháp, bao gồm xóa bỏ thuế bán hàng đối với 100 mặt hàng gia dụng. Điều này đã giúp cho tỷ lệ ủng hộ bà tăng lên. Thành tích của bà Le Pen trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 là kết quả tốt nhất trong 3 lần tranh cử của bà.
Hơn nữa, những cải cách thể chế mà bà Le Pen mong đợi là một chủ đề quan trọng vĩnh viễn trong chương trình Bầu cử Quốc gia (RN) mà bà dẫn đầu. Đó là sử dụng trưng cầu dân ý để cho người dân bỏ phiếu về một số vấn đề, cho dù đó là sáng kiến của chính phủ hay cử tri, tiến hành trưng cầu dân ý theo kiến nghị của công dân.
Mặt khác, ông Macron không phải là người ủng hộ trung thành của trưng cầu dân ý. Trong nhiệm kỳ 5 năm của mình, ông đã không sử dụng đến trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng “phong trào áo vàng”, ông đã chuyển sang phương thức hiệp thương.
Ông Macron và bà Le Pen đều đang cố gắng thu hút các cử tri cánh tả
Để tái có thể tái nhiệm, ông Macron có thể cần thuyết phục những người ủng hộ ứng cử viên cánh tả Jean-Luc Melenchon ủng hộ mình. Ông Melenchon đứng thứ 3 với 22% phiếu bầu trong vòng đầu tiên. Hôm 17/4, ông Melenchon nói với những người ủng hộ của mình rằng “chúng ta không bao giờ được bỏ phiếu cho Le Pen”, nhưng ông cũng không ủng hộ ông Macron một cách rõ ràng.
Tại một cuộc mít tinh ở Marseille vào ngày 16/4, ông Macron cam kết đưa Pháp trở thành “quốc gia lớn đầu tiên ngừng sử dụng dầu, than và khí đốt tự nhiên làm nguồn năng lượng”. Các cử tri trong khu vực đã bỏ lượng lớn phiếu cho ứng cử viên cực tả Melenchon trong vòng đầu tiên.
Ông Macron cho biết ông sẽ giao thủ tướng tiếp theo của mình trực tiếp phụ trách cái mà ông gọi là “quy hoạch xanh“, thu hút các cử tri cánh tả hoài niệm về quy hoạch tập trung lấy cảm hứng từ chủ nghĩa cộng sản thời hậu chiến, đồng thời nhấn mạnh những lo ngại của thế kỷ 21 về biến đổi khí hậu.
Macron cũng cho biết ông muốn tạo ra một ngày thiên nhiên quốc gia vào tháng 5 hàng năm. Ông phê bình mạnh mẽ bà Le Pen là một “kẻ hoài nghi khí hậu”.
Trong khi đó, bà Le Pen cũng đang cố gắng thu hút những cử tri của ông Melenchon. Bà Le Pen đang tập trung thu hút một bộ phận cử tri ở nông thôn, tầng lớp công nhân bằng cách tập trung vào chi phí sinh hoạt, chi phí lương thực tăng và giá xăng dầu cao sau khi bùng nổ chiến tranh Ukraine.
Một cuộc thăm dò của Ipsos hôm thứ Bảy (ngày 16/4) cho thấy 33% cử tri của ông Melenchon dự định bỏ phiếu cho ông Macron, 16% cho bà Le Pen và 51% chưa quyết định.
Từ khóa Marine Le Pen Emmanuel Macron bầu cử Pháp