Trong tuần này, Anh và Đức sẽ ký kết một thỏa thuận quốc phòng song phương, giúp tăng cường các cuộc tập trận quân sự chung gần biên giới Nga, theo tờ Sunday Times đưa tin.

John Healey
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey phát biểu với giới truyền thông sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông tới Đức vào ngày 24 tháng 7 năm 2024 tại Berlin, Đức. Ông Healey được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Anh vào ngày 5 tháng 7 sau khi Đảng Lao động chiến thắng bầu cử. (Nguồn ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

Theo nội dung của thỏa thuận, Anh và Đức sẽ cùng hợp tác mua sắm cũng như phát triển các loại vũ khí mới. Thỏa thuận này được xem như “bước khởi đầu” cho một thỏa thuận song phương rộng lớn hơn giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) vào năm tới, tờ Sunday Times cho biết. 

Thỏa thuận này “được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho phép quân đội Anh và Đức tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung tại biên giới phía đông của NATO gần Nga, rất có thể là ở Estonia và Litva”, tờ nhật báo Anh loan báo nhưng từ chối tiết lộ thêm thông tin chi tiết.

Hiện tại, Anh và Đức đã cùng tham gia vào các cuộc tập trận của NATO, chẳng hạn như các cuộc diễn tập ‘Steadfast Defender’ (Người bảo vệ Kiên định) trong năm nay. Cuộc tập trận được tổ chức gần biên giới phía tây của Nga này có sự tham gia của 90.000 binh lính từ tất cả 32 quốc gia đồng minh NATO. Moskva đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ và coi cuộc tập trận đó là hành động chuẩn bị công khai cho “một cuộc đụng độ quân sự tiềm tàng với Nga”.

Ngoài các cuộc tập trận đa phương với các đồng minh phương Tây, Đức cũng đã tham gia vào các cuộc tập trận song phương với quy mô nhỏ hơn, chẳng hạn như cuộc tập trận ‘Grand Quadriga’ (Xe Tứ Mã Khổng lồ) với Litva vào đầu năm nay, và các hoạt động ‘Baltic Tiger’(Hổ Baltic) với Estonia vào năm 2022. Bài báo của tờ Sunday Times cũng tiết lộ rằng Anh có thể cũng sẽ tham gia vào các cuộc tập trận này ngay sau khi thỏa thuận mới được ký kết.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey nói với Sunday Times rằng thỏa thuận quốc phòng với Đức được xây dựng dựa trên thỏa thuận Lancaster House vào năm 2010 giữa Anh và Pháp. Theo thỏa thuận Lancaster House, Anh và Pháp đồng cam kết xây dựng một lực lượng quân đội viễn chinh chung để tham gia vào các cuộc tập trận quân sự, hợp tác phát triển công nghệ máy bay không người lái (drone) và tàu ngầm, đồng thời chia sẻ dữ liệu vũ khí hạt nhân giữa hai quốc gia.

Trong hội nghị thượng đỉnh NATO kéo dài hai ngày tại Brussels, Bỉ vào tuần này, Bộ trưởng Healey cũng đưa ra công bố chính thức trước truyền thông rằng các binh sĩ Anh hiện đang đóng quân tại Estonia sẽ được trang bị, huấn luyện về chiến tranh sử dụng drone mới. Ông cũng nói Anh sẽ phối hợp với Đức, Pháp, Ba Lan và Ý để phát triển những loại tên lửa tầm xa mới cho Ukraine.

Thiên Vân