Áo hồi sinh các nhà máy điện chạy bằng than do Nga giảm nguồn cung khí đốt
- Minh Ngọc
- •
Chính phủ Áo đã quyết định sử dụng năng lượng than để sản xuất điện trong bối cảnh nguồn cung khí đốt của Nga bị cắt giảm gây ra tình trạng khẩn cấp về năng lượng tại quốc gia này.
Thủ tướng Áo Karl Nehammer (Ảnh minh họa: Getty Images)
“Chính phủ liên bang và tập đoàn năng lượng VERBUND đã đồng ý tái vận hành nhà máy điện sưởi ấm ở quận Mellach (Styria), hiện đang ngừng hoạt động, để trong trường hợp khẩn cấp, nhà máy này có thể một lần nữa sản xuất điện từ than đá (không phải khí đốt),” Văn phòng Thủ tướng Karl Nehammer cho biết trong một tuyên bố, theo Reuters.
Nhà máy Mellach là cơ sở sản xuất điện từ than đá cuối cùng của Áo, đã đóng cửa vào dầu năm 2020 khi chính phủ nước này loại bỏ dần nguồn cung năng lượng gây ô nhiễm, chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo.
Hiện tại, các cơ sở lưu trữ khí đốt của Áo mới chỉ đang ở mức 39%. Con số này cần phải tăng lên 80% vào tháng 10/2022 để đảm bảo đất nước sẵn sàng cho mùa sưởi ấm. Theo The Local, điều quan trọng nhất lúc này là đảm bảo đáp ứng được “nhu cầu khí đốt cấp bách trước mắt” và “nguồn cung cấp khí đốt cho mùa đông”.
Người điều hành nhà máy ước tính, sẽ mất một khoảng thời gian để thực hiện những thay đổi cần thiết đối với nhà máy Mellach và mua đủ lượng than cần thiết để đốt. Bộ Năng lượng cho hay, chính phủ có kế hoạch đưa nhà máy Mellach đi vào hoạt động trong vài tháng tới.
Quyết định của chính phủ Áo được đưa ra trong bối cảnh Moscow chỉ cung cấp một nửa lượng khí đốt mà họ đã cam kết trước đó. Công ty năng lượng do nhà nước kiểm soát của Nga Gazprom gần đây đã thông báo với công ty năng lượng OMV của Áo rằng họ sẽ giảm khối lượng giao hàng, theo AFP.
Vienna nhập khẩu khoảng 80% khí đốt từ Moscow. Hồi tháng 5, chính phủ Áo cho biết, họ sẽ kích hoạt một kế hoạch khẩn cấp nếu Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt.
Trước mắt, kế hoạch tập trung vào việc mở rộng quan hệ cung cấp khí đốt hiện có của Áo với Nauy, cũng như tiến hành các cuộc thảo luận với các công ty ở Qatar và Triều Tiên. Ngoài ra còn có các biện pháp dài hạn liên quan đến việc sử dụng khí đốt không phải của Nga để tăng trữ lượng khí đốt chiến lược từ 7,4 terawatt-giờ (TWh) lên 20 TWh.
Trước đó, Đức đã công bố các biện pháp hôm 19/6 nhằm giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên và quay lại tăng sử dụng than đá, do việc Nga cắt giảm xuất khẩu khí đốt đe dọa sự thiếu hụt trong mùa đông tới. Ngày 14/6, Gazprom tuyên bố sẽ giảm lượng khí đốt tự nhiên đến Đức qua đường ống Nord Stream khoảng 60%.
Biện pháp mới khiến các kế hoạch thoát khỏi than đá của Đức bị đình trệ vì họ đang phải cố giải quyết nhu cầu năng lượng hiện tại. Tháng 7/2020, các nhà lập pháp Đức đã thông qua dự luật nhằm tiến tới rút khỏi ngành than, trong đó vạch ra kế hoạch chấm dứt sản xuất điện than hoàn toàn vào năm 2038.
Từ khóa khí đốt Nga than đá Áo