Bắc Kinh viết lại lịch sử Hồng Kông
- Xuân Thành
- •
Tờ Hoa Nam Buổi Sáng gần đây đã phát hiện Cục Khánh tiết của Cơ quan Ngoại giao Hồng Kông đã cho sửa đổi lịch sử Hồng Kông, bỏ cụm từ “bàn giao chủ quyền” khi đề cập tới sự kiện Anh Quốc trả lại Hồng Kông cho chính quyền Trung Quốc Đại lục.
Trước đó, cũng đã có đề xuất về việc bỏ cụm từ “lấy lại” sử dụng trong các sách giáo khoa mô tả sự kiện Anh Quốc trao trả hòn đảo này cho chính quyền Bắc Kinh vào năm 1997.
Gần đây, tờ Hoa Nam Buổi Sáng đã phát hiện Cục Khánh tiết đã thay đổi trang web chính thức của cơ quan này để xóa bỏ tất cả các cụm từ “bàn giao chủ quyền” xuất hiện tại các bài viết trên trang web.
Cục Khánh tiết, cơ quan chịu trách nhiệm tiếp đón các chức sắc và tướng lĩnh nước ngoài thăm, làm việc tại Hồng Kông, đã thực hiện các thay đổi nêu trên sau khi tờ Hoa Nam Buổi Sáng gửi các câu hỏi về hướng dẫn các thuật ngữ được sử dụng bởi cơ quan chính quyền để mô tả sự kiện Anh Quốc bàn giao Hồng Kông cho Trung Quốc.
Ban đầu, nội dung trên trang web của Cục Khánh tiết bản tiếng Anh viết rằng: “Từ khi bàn giao chủ quyền Hồng Kông vào 1/7/1997, một số lãnh đạo chính phủ và nhà nước nước ngoài đã tới thăm Hồng Kông”.
Hiện tại, trên trang web này câu văn trên được viết ngắn gọn là “Từ ngày 1/7/1997…”
Trong phiên bản tiếng Trung, cụm từ “bàn giao chủ quyền” (主權移交) cũng đã bị loại bỏ khỏi đoạn văn tương tự bản tiếng Anh. Tuy nhiên, trong các đoạn khác ở phiên trang tiếng Trung, cụm từ “Từ khi bàn giao chủ quyền” vẫn được giữ nguyên.
Các quan chức Hồng Kông đã từng sử dụng từ “bàn giao” để mô tả việc hòn đảo này quay trở lại Trung Quốc từ năm 1997, và buổi lễ được tổ chức vào ngày 1 tháng 7 năm đó được gọi là “lễ bàn giao“.
Tuy nhiên, vào tháng 2/2015, Ban Hành chính, cơ quan điều hành Cục Khánh tiết, đã ban hành thông tư ‘Đính chính Sử dụng Thuật ngữ’ tới tất cả công chức, để “đảm bảo [sử dụng các cụm từ nhất định] là chính xác trong cả văn bản viết và văn nói”.
Một trong những nhắc nhở liên quan đến mô tả về bàn giao, nói rằng các quan chức nên sử dụng thuật ngữ “trở về Trung Quốc / Quê hương” hoặc “tiếp tục thực hiện chủ quyền đối với Hồng Kông“. Tuy nhiên, thông tư này không đặc biệt cấm dùng từ “bàn giao”.
Thông tư nêu trên được hiểu là có giá trị ràng buộc với tất cả công chức, bao gồm các quan chức báo chí chịu trách nhiệm soạn thảo các bài phát biểu và các ấn phẩm chính thức.
Trả lời câu hỏi về hướng dẫn sử dụng thuật ngữ mà tờ Hoa Nam Buổi Sáng hỏi, Cục Khánh tiết đã nói rằng họ đang “trong giai đoạn sửa trang web từ đầu tháng 4/2018 để có giao diện thân thiện hơn với người dùng”.
Một phát ngôn viên của Cục Khánh tiết nói rằng: “Thay đổi mà các bạn đề cập là một phần của việc cập nhật thông tin, cùng với nhiều thay đổi khác, đã được thực hiện trên trang web”.
Được hỏi liệu các phòng ban khác cũng sẽ loại bỏ cụm từ “bàn giao” khỏi các ấn phẩm công và các trang web của họ, vị phát ngôn viên nêu trên nói rằng các cục, phòng ban khác sẽ áp dụng thông tư của Ban Hành chính về các diễn đặt “để đảm bảo chúng được thực hiện chính xác”.
Vị phát ngôn viên nêu trên nói thêm rằng các phòng, ban khác sẽ lần lượt cập nhật thông tin trên các trang web của họ.
Văn phòng Cục Khánh tiết không đưa ra bình luận về thắc mắc cho rằng liệu cụm từ “bàn giao” có mâu thuẫn với các hướng dẫn trước đây hay không.
Nhà lập pháp của Đảng Dân sự Alvin Yeung Ngok-kiu đã gọi thời điểm sửa đổi này “rất đáng ngờ” và cho biết Cục Khánh tiết “không tôn trọng lịch sử của Hồng Kông“.
“Chúng tôi không để bị lừa gạt về sửa đổi này. ‘Bàn giao’ là cách mà hai chính phủ Trung Quốc và Anh Quốc đã mô tả về sự kiện đó”, ông Alvin Yeung nói.
Tờ Hoa Nam Buổi Sáng cho biết các thay đổi của Cục Khánh tiết đến sau khi nhóm đánh giá sách giáo khoa của Phòng Giáo dục Hồng Kông đã châm ngòi cho tranh cãi về thuật ngữ sau khi nhóm này mô tả việc sử dụng cách nói Trung Quốc “lấy lại” Hồng Kông năm 1997 là có vấn đề.
Tuy nhiên, nhóm đánh giá sách giao khoa cũng không giới thiệu thuật ngữ nào nên được sử dụng thay thế.
Lãnh đạo Hồng Kông đã bảo vệ ý kiến của nhóm đánh giá sách giáo khoa nêu trên, nói rằng “không có hại” trong các sách lịch sử khi chúng được sửa “chính xác hơn một chút”.
Trưởng Đặc khu Hồng Kông Carrie Lam nói rằng: “Trung Quốc chưa bao giờ trao chủ quyền Hồng Kông cho bất kỳ bên nào”.
Một số nhà giáo dục, trong đó có nhà lập pháp về giáo dục Ip Kin-yuen đã nêu vấn đề rằng liệu các thay đổi của Cục Khánh tiết có thực sự cần thiết không.
Và thực tế, các quan chức cấp cao vẫn sử dụng cụm từ “bàn giao” và thỉnh thoảng dùng cụm từ “lấy lại Hồng Kông” trong các bài phát biểu chính thức của họ.
Thuật ngữ “lấy lại’’ bằng tiếng Trung đã được chính quyền khắc lên tượng đài kỷ niệm ngày bàn giao ở Quảng trường Golden Bauhinia, Wan Chai năm 1999. Giới chức đã xây dựng tượng đài này để đánh dấu kỷ niệm hai năm Hồng Kông được bàn giao cho Trung Quốc.
Ông Hồ Cẩm Đào, khi đó là Phó Chủ tịch nước Trung Quốc, đã chủ trì buổi lễ khánh thành tượng đài đó và ông Hồ cũng đã sử dụng cụm từ “lấy lại Hồng Kông” bằng tiếng Trung.
Bà Carrie Lam và các cựu Trưởng Đặc khu Hồng Kông Tsang Yam-kuen và Leung Chun-ying cũng đã sử dụng cụm từ “lấy lại” trong các phát biểu trước đây của họ bằng tiếng Trung.
Ví dụ, bà Carrie Lam, trong một buổi thảo luận về Luật Cơ bản vào tháng 8/2016 đã nói rằng “tiến trình lấy lại chủ quyền [Hồng Kông], đất nước này đã nhấn mạnh tới sự thống nhất lãnh thổ”.
Ông Leung Chun-ying, người tiền nhiệm của bà Carrie Lam, cũng đề cập tới Trung Quốc “lấy lại Hồng Kông” ít nhất 4 lần trong các phát biểu chính thức trong suốt thời gian ông làm Trưởng Đặc khu từ năm 2012 tới 2017.
Những quan chức khác đã từng sử dụng các cụm từ tương tự nêu trên gồm có Chánh văn phòng Matthew Cheung Kin-chung, cựu Bộ trưởng Tư pháp Elsie Leung Oi-sie và cự Bộ trưởng Tài chính John Tsang Chun-wah.
Cụm từ “lấy lại” mô tả Hồng Kông trở về với Trung Quốc cũng được văn bản hóa trong các thảo luận của Hội đồng Lập pháp và các văn bản của ủy ban tham vấn, khi các bản thảo về Luật Cơ bản được đưa ra thảo luận vào cuối những năm 1980.
Hiện tại ông John Lee Ka-chiu, Bộ trưởng An ninh Hồng Kông, là người đề cập nhiều nhất tới cụm từ “bàn giao chủ quyền”. Ông Lee đã sử dụng cụm từ này 3 lần trong tháng 1/2018 khi trả lời câu hỏi bằng văn bản của một nhà lập pháp về việc sử dụng đất quân sự.
Xuân Thành
Theo tờ Hoa Nam Buổi Sáng
Xem thêm:
Từ khóa Hồng Kông Chủ quyền Hồng Kông lịch sử Hồng Kông