Nguyễn Tấn Đời: Doanh nhân hạng nhất thời Việt Nam Cộng Hòa (P2)
- Trần Hưng
- •
Sau khi trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc ngân hàng Tín Nghĩa, Nguyễn Tấn Đời bắt đầu kế hoạch của mình. Ông nhận thấy các ngân hàng lúc đấy chỉ quan tâm phục vụ những khách hàng lớn, trong khi đó những khách hàng nhỏ thì rất nhiều nhưng lại không được để ý đến. Vậy nên ông đã tập trung vào tầng lớp bình dân.
- Tiếp theo phần 1
Vua ngân hàng
Nguyễn Tấn Đời đã sử dụng chiến lược riêng đối với các khách hàng nhỏ. Ông mời họ đến mở tài khoản mà không phải đóng phí, khách hàng phát hành chi phiếu cũng không mất phí. Những khách hàng này vốn không được các ngân hàng khác để ý nên tới ngân hàng Tín Nghĩa rất đông.
Có được khách hàng nhỏ rồi, Nguyễn Tấn Đời tiếp tục thuyết phục các khách hàng lớn. Đặc biệt khách hàng mở tài khoản ở ngân hàng Tín Nghĩa và gửi tiền vào thì chi phiếu sẽ có giá trị ngay, trong khi các ngân hàng khác phải mất 1 đến 2 ngày.
Thời bấy giờ các ngân hàng đều cảm thấy không cần nhiều chi nhánh, khách hàng phải di chuyển quãng đường xa để rút gửi tiền, ngân hàng cũng khó tiếp cận khách hàng, nhất là giới trung lưu và dân chúng. Nguyễn Tấn Đời quyết định mở rộng thêm các chi nhánh.
Ban đầu ngân hàng Tín Nghĩa chỉ có 2 chi nhánh với khoảng 100 nhân viên. Nguyễn Tấn Đời cho mở rộng thêm đến các tỉnh, xuất hiện ở cả thành phố nội thị cho đến khu dân cư ngoại thành. Việc lập nhiều chi nhánh giúp người dân thuận tiện rút tiền và giao dịch ở nơi gần nhà mà không phải đi xa.
Nguyễn Tấn Đời đầu tư nhập máy NCR từ Canada, phát hành thẻ tín dụng, mở ra một thời kỳ mới cho ngành Ngân hàng.
Ông cũng cho xây dựng, chỉnh sửa mặt tiền các chi nhánh có cùng một kiểu nhằm thu hút khách hàng. Sau 5 năm cải cách, ngân hàng Tín Nghĩa đó có 32 chi nhánh cùng gần 1.000 nhân viên.
Với một loạt các thay đổi, đến cuối năm 1972, số tiền gửi ở ngân hàng Tín Nghĩa là 30 tỷ, trong khi tổng số tiền ký thác tại các ngân hàng tư nhân khác cộng lại chỉ có 18 tỷ.
Ngân hàng Tín Nghĩa trở thành ngân hàng tư nhân lớn nhất miền Nam, Nguyễn Tấn Đời được mệnh danh là “Vua ngân hàng”, “Vua cao ốc”, ông cũng trở thành dân biểu, cho xuất bản nhật báo để phục vụ việc kinh doanh của mình.
Bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu chèn ép
Bất ngờ vào ngày 21/4/1973, các chi nhánh Ngân hàng Tín Nghĩa bị phong tỏa, vợ chồng Nguyễn Tấn Đời và người nhà bị bắt. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cho phát tin trên truyền hình báo chí giải thích rằng do Nguyển Tấn Đời giữ mật quỹ các tướng để đảo chính.
Dù báo chí truyền hình đã nêu lý do, nhưng vụ bắt giữ Nguyễn Tấn Đời, đóng cửa ngân hàng Tín Nghĩa vẫn khiến dân chúng bất bình, các tờ báo tự do lên án sự phi lý của chính quyền và đề nghị Quốc hội can thiệp. Thậm chí hai quản trị viên của ngân hàng Quốc gia quyết định từ chức để phản đối quyết định trên của chính quyền.
Luật sư của Nguyễn Tấn Đời là ông Lê Văn Mão cũng không được phép gặp thân chủ của mình.
Các cuộc hỏi cung nhằm truy xem Nguyễn Tấn Đời có cung cấp tiền bạc cho các nhân vật nhằm giúp họ ứng cử Tổng thống không, kể cả việc ông giữ mật quỹ cho các tướng để chuẩn bị đảo chính, nhưng đều thất bại do Nguyễn Tấn Đời trả lời rành rọt, các tài liệu thu giữ ở ngân hàng không thấy có chứng cứ khép tội.
Tuy nhiên Nguyễn Tấn Đời vẫn bị tống giám vào khám Chí Hòa, vợ ông bị bắt và bị lột sạch số nữ trang trên người, nhưng sau đó được tạm thả ra để điều tra thêm.
Đây là vụ án gây chấn động Miền Nam lúc bấy giờ, những nỗ lực giải oan nhằm cứu Nguyễn Tấn Đời ra đều bất thành.
Ra tù và đoàn tụ với gia đình ở Canada
Tháng 4/1975, cuộc chiến tranh đến hồi kết khiến tình hình Sài Gòn hỗn loạn. Khi vợ ông đến nhà tù thăm, Nguyễn Tấn Đời nói bà phải nhanh chóng đến Canada với các con, nhưng vợ ông không muốn đi khi chồng còn trong tù. Khuyên vợ không được, ông xé giấy thăm nuôi và không nhận đồ cũng không muốn gặp mặt vợ nữa. Ông ép vợ sang Canada trước rồi mình sẽ tìm cách sang sau.
Ngày 21/4/1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chạy khỏi Miền Nam, Phó Tổng thống Trần Văn Hương tạm nắm quyền đã ký lệnh trả tự do cho 26 nạn nhân dưới thời Nguyễn Văn Thiệu, trong đó có Nguyễn Tấn Đời.
Đến ngày 29/4, lệnh phóng thích được thi hành và Nguyễn Tấn Đời được tự do trong hoàn cảnh trắng tay do tài sản bị tịch thu hết, vợ ông cũng đã sang Canada.
Nguyễn Tấn Đời quyết định sang Thái Lan. Ông tìm được người đồng ý bán tàu máy với giá 25 lượng vàng, nhưng lúc ấy ông chỉ còn lại 1.000 đô-la tương đương khoảng 6, 7 lượng vàng. Ông liền tìm người quen cùng hùn tiền mua tàu.
Đến 6 giờ chiều ngày 12/5, tàu của ông đến được Song Kla Thái Lan. Rất nhanh đến tối ngày hôm đó đài BBC, VOA đều phát tin Nguyễn Tấn Đời đã vượt biển đến Thái Lan.
Đến ngày 25/5, Nguyễn Tấn Đời đã đến được Canada đoàn tụ cùng gia đình.
Tiếp tục khởi nghiệp
Tại Canada, Nguyễn Tấn Đời và vợ quyết định bán số nữ trang trước đây dành dụm cho con gái khi du học ở Canada, hùn nạp cùng người khác để mua lại một khu nhà trọ rồi cho thuê. Sau khi nhiều khách hơn, ông quyết định mở thêm cả nhà hàng trong khu nhà trọ.
Đến năm 1978, nhà hàng dần trở nên nổi tiếng nhờ có món ăn ngon lạ lại rẻ tiền. Tuy nhiên Nguyễn Tấn Đời vẫn phải làm tất cả các việc trong nhà hàng. Lúc rảnh rỗi ông đi ăn uống khắp các nhà hàng ở Montreal nhằm tìm ra cách cải tiến công việc kinh doanh nhưng không được như ý.
Một lần, Nguyễn Tấn Đời bất ngờ gặp người quen cũ là ông Sato, Giám đốc Công ty Ito của Nhật, vốn có giao dịch làm ăn mật thiết trước đây với ông.
Ông Sato mời Nguyễn Tấn Đời dùng bữa tại nhà hàng “Kyoto Japanese Steak House”, đây là nhà hàng rất sang trọng đắt đỏ vào lúc đấy.
Ông Sato thấy Nguyễn Tấn Đời có vẻ thích nhà hàng, nên ngỏ lời nếu muốn ông sẽ giúp phát triển loại nhà hàng như thế, bởi Sato tin rằng là một doanh nhân thành đạt bậc nhất miền Nam, Nguyễn Tấn Đời sẽ biết phải làm gì.
Nhà hàng Kobe nổi tiếng
Nhờ sự giúp đỡ của Sato, Nguyễn Tấn Đời thay biển hiệu nhà hàng của mình thành nhà hàng Nhật hiệu Kobe, khai trương vào ngày 20/11/1978.
Ngày khai trương, khách hàng nườm nượp đến. Vì quá đông, khách phải xếp hàng đến 30 phút cho đến 1, 2 tiếng để vào được bàn ăn nhưng vẫn rất vui vẻ. Từ đó nhà hàng Kobe rất đông khách, Nguyễn Tấn Đời phải liên tục cho xây mở rộng thêm.
Muốn nhà hàng Kobe có được đặc trưng khác với các nhà hàng khác của Nhật, Nguyễn Tấn Đời tìm hiểu và thấy món ăn thuộc loại này ngon một phần quan trọng nhờ sauce (nước xốt). Ông đi nếm đủ loại sauce ở các nơi nhằm tìm ra công thức chế sauce riêng biệt. Từ đó ông chế biến ra 4 loại sauce là: sauce sa-lát, sauce gà, sauce bò, sauce đồ biển. Ông cho người ăn thử nghiệm trước và hầu hết đều thích các loại nước xốt này.
Khách hàng tăng thì nhân viên phục vụ cũng tăng, ông chú ý đào tạo nhân viên phục vụ khách tận tình và đạt yêu cầu, nhân viên được mặc đồng phục riêng và có được tiền thưởng cho những ai làm giỏi.
Năm 1980, Nguyễn Tấn Đời đã đến nhiều nơi ở Mỹ để tìm hiểu kiến trúc, tự vẽ và chọn địa điểm mở nhà hàng. Năm 1982, ông mua một miếng đất ở Orlando, Florida, để xây nhà hàng.
Đến những năm 1990, ông trở thành tỷ phú thành công với các chuỗi nhà hàng. Ông có ý định về Việt Nam xin kinh doanh ngân hàng, xây cao ốc, mở xí nghiệp sản xuất như trước kia. Tuy nhiên kế hoạch đang dang dở thì ông mất vào năm 1995 ở Orlando, Florida.
Phần cuối cùng trong cuốn hồi ký của mình, ông viết rằng:
“Viết xong những hồi ức này, tôi có cảm tưởng như đã hoàn thành được một cuốn phim trung thực về đời tôi, từ lúc hàn vi cơ cực, đến lúc thành công tột đỉnh, sau khi đã trải qua bao nỗi thăng trầm.
Trên đường đời, tôi đã từng gặp lắm kẻ tiểu nhân tìm hại tôi bằng mọi cách đê tiện, cũng như nhiều bậc quân tử, nhiều đấng quý nhân đã giúp tôi thành công, cứu tôi thoát chết.
Nhưng, dù là tiểu nhân hay quân tử, tôi suy nghĩ kỹ đều là ân nhân của tôi, vì tất cả đều thúc đẩy tôi bằng lối này đường nọ để đi tới thành công và mở đường tiến thủ.
Hồi ký này, cũng là một gia tài kinh nghiệm sống của đời tôi để lại cho con cái. Tôi nghĩ rằng sự may mắn là một cơn mưa cho mọi người, nếu ai biết chuẩn bị kịp thời được đồ chứa, đồ chứa tốt và lớn thì hứng được nước trời cho bền vững và nhiều.
Đồ chứa tốt lớn ấy là đức độ, khả năng làm việc, sự tìm tòi, học hỏi, sự kiên nhẫn về tổ chức và nhất là nhạy cảm biết quan sát để suy nghiệm tìm nhiều sáng kiến mới hầu cạnh tranh với đời.
Muốn thành công trong mọi việc phải hội đủ ba điều kiện người xưa thường nói: Thiên Thời, Địa Lợi, Nhân Hoà.
Đó là những điều mà trong khi hành nghề tôi không bao giờ sao lãng.”
(Hết)
Trần Hưng
Xem thêm:
- Chuyện Ông Ích Khiêm – Cử nhân nhỏ tuổi nhất của nhà Nguyễn
- Chuyện đời của doanh nhân TQ dũng cảm phơi bày tội ác thu hoạch tạng
Mời xem video:
Từ khóa doanh nhân Nguyễn Tấn Đời