Đạo trị quốc: Vạn dân đồng lòng thì sức mạnh như thành lũy
- An Hòa
- •
Trong đạo trị quốc của quân vương thời xưa có một câu nói như vậy: “Chúng chí thành thành, chúng khẩu thước kim”, khi vạn dân đồng lòng, đồng lòng đoàn kết thì sẽ tạo thành một sức mạnh kiên cố vững chắc như thành lũy, việc gì cũng sẽ thành. Trái lại, nếu như để vạn dân đều phản đối thì việc gì cũng không thành, ngay cả như vàng không sợ lửa cũng sẽ bị mọi người nghị luận mà tan rã.
Câu nói “Vạn dân đồng lòng thì sức mạnh như thành lũy” có xuất xứ từ sách “Quốc ngữ. Chu ngữ hạ”. Theo đó, vào những năm cuối triều đại nhà Chu, sau khi Chu Cảnh Vương lên ngôi, vì để có tiền phục vụ cho việc hưởng thụ của bản thân, Chu Cảnh Vương đã hạ lệnh hủy bỏ hết những đồng tiền nhỏ lẻ đang lưu thông và cho đúc lại một loại tiền lớn hơn. Đại phu nước Chu lúc ấy là Đan Mục Công đã ra sức khuyên can nhưng Chu Cảnh Vương vẫn tiếp tục làm theo ý mình.
Không lâu sau đó, Chu Cảnh Vương lại muốn đúc chuông to. Đại phu Đan Mục Công lại khuyên can: “Đại vương hai năm trước đã phế tiền nhỏ đúc tiền lớn khiến dân chúng chịu tổn thất lớn. Việc đúc chuông này không chỉ làm hao tiền tốn của mà việc dùng chuông to để phối nhạc cũng sẽ khiến thanh âm không được hài hòa”. Tuy nhiên Chu Cảnh Vương vẫn không nghe.
Năm sau, khi hai chiếc chuông to được đúc thành, có người vì muốn nịnh Cảnh Vương nên đã nói: “Đại chung mới đúc, thanh âm vô cùng hay!” Thế là Chu Cảnh Vương ra lệnh cho người này đánh chuông. Sau khi nghe xong, Chu Cảnh Vương nói với quan ti nhạc rằng: “Ngươi nghe xem, tiếng chuông mới hài hòa làm sao!”
Quan ti nhạc biết rõ Chu Cảnh Vương toàn mang cực khổ đến cho dân chúng nên đã thẳng thắn nói: “Đây không được coi là hài hòa. Nếu Đại vương đúc chuông mà dân chúng thiên hạ đều cao hứng vì việc đó thì mới gọi là hài hòa. Nhưng Đại vương vì đúc chuông mà khiến dân nghèo khổ, tiền tài cạn kiệt, dân chúng ai ai cũng đều oán hận, cho nên thần không biết chuông này tốt ở chỗ nào? Tục ngữ nói ‘chúng chí thành thành, chúng khẩu thước kim’, mọi người đều nhất tâm thì sự việc gì cũng hoàn thành, trái lại nếu mọi người đều phản đối thì ngay cả vàng không sợ lửa cũng sẽ bị mọi người nghị luận mà tan rã mất.”
Về sau, “chúng chí thành thành, chúng khẩu thước kim” trở thành câu thành ngữ nổi tiếng, nhắc nhở quân vương phải xem xét nguyện ý của dân, không nên đi ngược lại với lòng dân.
Trong binh pháp cũng có một câu chuyện kể về điều này. Vào cuối thời Đông Hán đã nổ ra cuộc khởi nghĩa Hoàng Cân (khăn vàng). Hán Linh Đế Lưu Hoành phái Chu Tuấn trấn áp. Chu Tuấn đã cho đắp một núi đất cao hơn tường thành ở phía ngoài Uyển thành, rồi lên đó quan sát kĩ lưỡng doanh trại quân sự của quân Hoàng Cân do tướng Hàn Trung làm thủ lĩnh. Ông ta phát hiện ra phía đông bắc của quân Hoàng Cân canh giữ tương đối lỏng lẻo.
Ngày hôm sau, Chu Tuấn sai một toán binh mã giả tấn công phía tây nam Uyển thành, cố ý đánh trống thu hút chú ý, để Hàn Trung tăng viện binh cho phía tây nam, còn tự mình dẫn quân chủ lực tấn công phía đông bắc, thừa dịp chiếm lấy vòng thành phía ngoài.
Chu Tuấn lại tăng cường bao vây thành phía trong, nhưng liên tiếp mấy ngày đều gặp phải sức kháng cự của quân khởi nghĩa. Việc công thành không được, Chu Tuấn lại lên tường thành ngoài dò xét tình hình, sau đó đột nhiên ra lệnh cho quân lính rút lui mấy dặm.
Sau khi rút lui chẳng bao lâu, quân trong thành tranh nhau ra khỏi thành. Binh mã Chu Tuấn thừa cơ từ cánh bên xông lên, Hàn Trung không chuẩn bị, định rút quân quay lại trong thành thì đã không kịp, quân khởi nghĩa bỏ chạy tứ tán, thương vong rất nhiều.
Sau này Chu Tuấn giải thích với bộ hạ: “Ta từ chỗ cao nhìn thấy rất rõ, thành bên trong rất kiên cố. Họ muốn đàm phán nhưng không được, muốn đột phá vòng vây để ra cũng không được, như vậy há chẳng phải buộc họ muôn người như một, đồng lòng mà liều mình với quân ta sao? Muôn người mà cùng một lòng thì thế lực khó mà chống lại, hơn nữa họ lại có đến mười mấy vạn nhân mã. Chi bằng trước tiên ta trì hoãn, tạm thời thả lỏng vòng vây, để họ nảy sinh ý định phá vây, sau đó ta thừa cơ xông lên, sĩ khí của bọn họ nhất định sẽ tiêu tan”.
Không chỉ trong trị quốc an dân hay binh pháp, mà ngay trong cuộc sống thường ngày, khi đối mặt với những khó khăn trắc trở, chúng ta cũng nên đồng lòng đồng sức tìm ra phương án giải quyết. Như vậy sẽ cùng tìm ra phương án phù hợp và vượt qua được khó khăn.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa lòng dân đạo trị quốc