Nguyễn Công Cơ: Một đời thanh liêm lại cương trực
- Trần Hưng
- •
Làng Xuân Tảo có tên nôm là làng Cáo (nay thuộc xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Từ xa xưa làng có tên là Quả Động, đến thời nhà Lê gọi là Minh Cảo, đến giữa thế kỷ 19 thì gọi là Minh Tảo, rồi Xuân Tảo. Làng Xuân Tảo được xem là nơi “địa linh”. Trải qua nghìn năm lịch sử, làng có nhiều người tài cùng nhiều di tích lịch sử, trong đó có vị quan cương trực thanh liêm Nguyễn Công Cơ.
Thần đồng làng Xuân Tảo
Năm 1675, một gia đình nhà Nho có truyền thống khoa bảng trong làng sinh được người con, đặt tên là Nguyễn Công Cơ. Thuở nhỏ Công Cơ là người hiếu học, thông minh đĩnh đạc, thông làu kinh sử.
Ở làng Thanh Mai thuộc Sơn Tây có đứa trẻ là Lê Anh Tuấn, lớn hơn Công Cơ 4 tuổi, xuất thân trong gia đình khoa bảng, cũng có tiếng là thần đồng, sau này Anh Tuấn thi đỗ và làm quan đến Tham tụng (tương đương Tể tướng).
Một lần cha Anh Tuấn ghé nhà của Công Cơ chơi, Công Cơ cũng vừa đi chơi về. Cha của Anh Tuấn liền ra một câu đối, Công Cơ đối trôi chảy rõ ràng, cha của Anh Tuấn khen rằng đứa trẻ này thông minh hiếm có.
Năm 1687, Công Cơ mới 12 tuổi đã dự kỳ thi Hương và đỗ tam trường. Năm 19 tuổi ông thi Hương và đỗ Hương cống.
Năm 1697, Công Cơ 22 tuổi vượt qua tứ trường kỳ thi Hội, vào đến thi Đình ông đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân.
Làm quan cương trực
Theo “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” thì chúa Trịnh Căn chọn con trưởng là Trịnh Vịnh làm thế tử, nhưng Trịnh Vịnh mất nên Chúa chọn con thứ là Trịnh Bách. Trịnh Bách sau đó cũng mất, Chúa phải chọn con của Trịnh Vịnh là Trịnh Bính làm Thế tử. Tuy nhiên Trịnh Bính cũng mất, Chúa chọn con của Trịnh Bính là Trịnh Cương làm Thế tử.
Con của Trịnh Bách là Trịnh Luân và Trịnh Phất bí mật cấu kết với một số quan lại lên kế hoạch lật đổ Thế tử Trịnh Cương. Nguyễn Công Cơ biết được âm mưu này nên báo với chúa Trịnh Căn, Chúa liền cho bắt hết và tất cả đều nhận tội. Nguyễn Công Cơ đươc thăng lên chức Tả thị lang bộ Hộ.
Dưới thời chúa Trịnh Cương, Chúa có nhiều tâm huyết thực hiện cải cách. Nguyễn Công Cơ đã góp phần đưa ra các chính sách về kinh tế, xóa bỏ trang trại nhà giàu, phân định mốc giới ruộng rồi tiến tới phân chia ruộng đất, giúp cho mọi người đều có ruộng để cày cấy.
Ông cũng góp phần ra các chính sách nhằm xây dựng quân đội hùng mạnh, giữ hòa khí với láng giềng để tránh xung đột. Ông góp công xây dựng “Võ học sở” đào tạo các võ cử nhân.
Trong “Võ học trung ký” của mình ông viết rằng: “Nước nhà nay tuy vô sự, nhưng chớ nên thấy thế làm mừng mà phải quan tâm đến việc quân, lúc nào cũng nên phòng bị, chớ nên coi khí giới tinh nhuệ là đủ, mà phải lo sao tìm đủ tướng tài, tránh chuyện hư danh, cố gắng tìm cầu lương tướng…”
Năm 1715, Nguyễn Công Cơ được cử đi sứ sang nhà Thanh, bằng tài ngoại giao của mình ông đã thuyết phục được Triều đình nhà Thanh bỏ và giảm một số lệ cống nạp, thống nhất việc cắm mốc biên giới xác định chủ quyền.
Năm 1720, Triều đình xét thưởng quan lại có thành tích trong 10 năm, Nguyễn Công Cơ là người đứng đầu, được phong tước Tảo quận công và cho hợp cùng Lê Anh Tuấn, Nguyễn Công Hãng vào làm Tham tụng.
Theo “Việt sử giai thoại”, Nguyễn Công Cơ làm quan thẳng thắn và chính trực vì thế mà có một số người rất ghét ông. Vì nhiều lần nói thẳng, cảm thấy bị đèn nén nên Nguyễn Công Cơ từng xin đổi sang làm quan võ, làm Đề đốc Thự phủ sự.
Năm 1724, Nguyễn Công Cơ phát hiện vụ gian lận chấn động cả cung Vua và phủ Chúa, liên quan đến nhiều đại thần nắm quyền trong Triều. Sự việc này được “Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục” chép lại như sau:
“Bấy giờ, cả đến việc thi cử phần nhiều cũng bị nạn nhũng lạm, thường hễ là con nhà quyền thế thì nhất định sẽ đỗ Hương cống chứ ít ai có tài học thực sự. Nguyễn Công Cơ tâu về việc này nên (Chúa) mới hạ lệnh bắt thi lại. Kết quả, hai mươi tám người bị buộc phải đánh hỏng, trong số này có: con trai của quan Tham tụng là Lê Anh Tuấn, con trai của Huân Quận công là Đặng Đình Giám, con nuôi của quan Nội giám Thiếu bảo là Đỗ Bá Phẩm và nhiều Cống sĩ khác của các xứ. Những người này đều bị giao xuống Pháp đình xét hỏi để trị tội thật nặng. Triều đình nhận thấy Công Cơ là người nói thẳng nên thăng làm Thiếu bảo.”
Những người khác cũng có thể biết tệ nạn này, nhưng người lên tiếng xử lý chỉ có Nguyễn Công Cơ, vì thế mà “Việt sử giai thoại”có lời khen rằng: “Cương trực thay. Nguyễn Công Cơ! Trên thì có các bậc Tham tụng, Quận công, Thiếu bảo… dưới thì có chư vị quan trường đã lấy đỗ Cống sĩ tứ phương, vậy mà Nguyễn Công Cơ vẫn theo phép nước mà làm, không kiêng dè nể sợ, bách quan muôn thuở, nào dễ đã có mấy ai!”
Năm 1727, chúa Trịnh Cương giao cho ông coi việc ở phú Chúa. Năm 1733, Nguyễn Công Cơ mất lúc 58 tuổi, Triều đình phong làm Thiếu phó. Dù làm quan lớn nhưng ông nổi tiếng thanh liêm, giữ gìn phẩm hạnh, suốt đời chẳng có sản nghiệp riêng. Có lẽ vì thế mà ông để phúc lại cho con cháu, con cháu của ông có nhiều người đỗ đạt, trong đó có 2 người cháu thi đỗ cùng một khoa thi. Vua Lê đã tặng ông một bài thơ rằng:
Một khoa hai cháu đỗ ông Nghè
Tiếng cáo vang lên bốn biển nghe
Bài thơ này hiện vẫn còn được lưu trữ ờ nhà thờ họ Nguyễn Công.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Nguyễn Công Hãng và những cải cách đối với Đàng Ngoài
- Thời vua Lê Thánh Tông, lính hầu cũng có thể trở thành tiến sĩ
Mời xem video “Trên thế gian có 3 kiểu người giỏi nhất”:
Từ khóa khoa bảng quan thanh liêm Chính trực