Báo cáo: 83% quảng cáo chính trị bị Facebook gắn nhãn sai
- Lại Ý Tinh
- •
Một báo cáo nghiên cứu do các chuyên gia của Bỉ và Mỹ cùng thực hiện đã chỉ ra rằng mạng xã hội Facebook đã dán nhãn sai cho hàng chục ngàn quảng cáo chính trị từ tháng 7 năm ngoái đến tháng 2 năm nay, với tỷ lệ lỗi lên đến 83%. Nhóm nghiên cứu cảnh báo rằng sai lầm này của Facebook có thể dẫn đến nguy cơ thao túng chính trị, khiến cho những kẻ có ý định có được cơ hội lợi dụng và từ đó gây ra mối đe dọa cho một xã hội dân chủ.
Theo Hãng tin AFP, báo cáo do Đại học Công giáo Leuven ở Bỉ (KU Leuven University) phối hợp với Đại học New York ở Mỹ hoàn thành, và được công bố vào thứ Năm (ngày 9/12). Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra 33,8 triệu quảng cáo được đặt trên Facebook từ tháng 7/2020 đến tháng 2/2021 và phát hiện ra rằng cơ chế kiểm duyệt quảng cáo chính trị của Facebook có nhiều sai sót.
Báo cáo chỉ ra rằng trong số 189.000 trường hợp quảng cáo chính trị được Facebook xem xét, 117.000 trường hợp là “thiếu sót nhãn“, tức là “nên được phân loại là quảng cáo liên quan đến chính trị“; 40.000 trường hợp khác là “dán nhãn sai”, tức là “không nên xếp vào loại quảng cáo liên quan đến chính trị ”, tỷ lệ sai sót cao tới 83%.
Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng khi Facebook xem xét các nội dung quảng cáo, nó chủ yếu dựa vào hệ thống tự động của mình để quét các “từ khóa“, và có một bộ phận trong số đó là xem xét thủ công. Thời gian nghiên cứu bao gồm hai mốc quan trọng, đó là cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ và Brazil. Các chuyên gia cảnh báo rằng sai lầm này của Facebook có thể dẫn đến nguy cơ thao túng chính trị và tạo kẽ hở cho những kẻ có ý đồ lợi dụng.
Nhóm nghiên cứu cho biết: “Nếu Facebook không thể xác định chính xác một quảng cáo không tiết lộ người bỏ tiền theo quy định, thì người rắp tâm có thể mượn sơ hở đó để lan truyền tin tức sai sự thật. Người dùng xem quảng cáo này, hơn nữa không thấy được nhãn quảng cáo chính trị, thì có thể sẽ nới lỏng cảnh giác, và họ sẽ không biết rằng điều này có thể mang theo ý đồ xấu điều khiển chính trị.”
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tỷ lệ lỗi của Facebook đặc biệt nghiêm trọng ở thị trường nước ngoài, ví dụ rõ ràng nhất là Malaysia, nơi có tới 45% quảng cáo rõ ràng là liên quan đến chính trị nhưng không được đánh dấu. Ở các quốc gia khác như Macedonia, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha, Pháp và Serbia, cứ 4 quảng cáo chính trị thì có 1 quảng cáo không được đánh dấu.
Theo tìm hiểu, sau “Vụ bê bối dữ liệu Facebook – Cambridge Analytica”, Facebook đã bị cáo buộc bị người nước ngoài sử dụng để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Do đó, các quy định về quảng cáo chính trị được làm chặt chẽ hơn, yêu cầu các quảng cáo chính trị phải tiết lộ danh tính của người bỏ tiền ra chạy quảng cáo và người đăng. Trước cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2020, Facebook thậm chí còn tạm thời ngừng chấp nhận các quảng cáo chính trị ở Mỹ, nhưng nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra, trong thời gian được tuyên bố chính thức là “thời gian tạm ngừng” này, vẫn có hơn 70.000 quảng cáo chính trị xuất hiện.
Theo Lại Ý Tinh, Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Facebook Quảng cáo chính trị