Barcelona: Hàng trăm ngàn người biểu tình phản đối xứ Catalonia ly khai
- Xuân Thành
- •
Tại thành phố Barcelona, thủ phủ của xứ Catalonia, hôm Chủ Nhật (29/10) đã có hàng trăm ngàn người xuống đường tuần hành bày tỏ tiếng nói phản đối tuyên ngôn độc lập của nghị viện Catalonia mới thông qua thứ Sáu (27/10).
Những người phản đối độc lập tổ chức biểu tình tại Barcelona – thủ phủ của xứ Catalonia.
Hãng tin AP cho hay các nhà tổ chức cuộc tuần hành này nói rằng có hơn 1 triệu người dân tham gia, nhưng cảnh sát khu vực đưa ra con số khoảng 300.000 người. Chưa có bên nào có thể xác nhận chính xác con số thực tế người dân Barcelona xuống đường tuần hành hôm 29/10.
Những người biểu tình vẫy cờ Tây Ban Nha, cờ Catalonia và cờ Liên minh Châu Âu. Họ tự gọi mình là nhóm đa số im lặng, những người đã bị lờ đi trong nỗ lực đòi độc lập của nhóm ủng hộ ly khai.
Ông Alex Ramos, Chủ tịch của tổ chức Xã hội Dân sự Catalonia – một nhóm hoạt động ủng hộ Tây Ban Nha thống nhất, đã nói rằng: “Bản thân chúng tôi tổ chức [cuộc tuần hành như này] hơi muộn, nhưng chúng tôi ở đây để chứng minh rằng có một nhóm đa số người Catalonia không còn muốn im lặng và chúng tôi cũng không muốn bị bịt miệng nữa”.
AP mô tả cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật này diễn ra khá ôn hòa, nó gần giống với không khí của một lễ hội. Các hiệu ngữ mà người biểu tình đưa ra là: “Chúng tôi sẽ không để Tây Ban Nha bị xé lẻ thành những mảnh nhỏ” và “Sự thức tỉnh của quốc gia im lặng”.
Những nhà tổ chức nói với AP rằng mục tiêu của cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật là để bảo vệ tính thống nhất của Tây Ban Nha và phản đối “một cuộc tấn công chưa có tiền lệ vào lịch sử nền dân chủ”.
Bà Angelita Cuesta, viên chức 66 tuổi đã về hưu, cho hay: “Các lãnh đạo Catalonia đã phá vỡ luật lệ. Chính quyền trung ương đã để tình huống này diễn ra quá lâu, phải tới 30 đến 40 năm, và nghĩ rằng chúng ta sẽ không bao giờ phải đi tới sự cực đoan này, nhưng bây giờ mọi thứ đã ở đây”.
“Xã hội của chúng ta đã bị chia rẽ, có nhiều thành viên gia đình và bạn bè lâu nay đã không bàn luận về vấn đề chính trị cùng nhau để tránh xảy ra xung đột”, bà Cuesta nói thêm.
Phát biểu trước đám đông người biểu tình, ông Josep Borrell, cựu Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, đã nói rằng động thái kiểm soát trực tiếp các vấn đề khu vực của chính quyền trung ương Tây Ban Nha là cách duy nhất để ngăn chặn cuộc khủng hoảng toàn diện tại Catalonia.
Ông Borrel cho rằng nếu chính phủ không kích hoạt quyền lực hiến pháp để trực tiếp điều hành Catalonia, “nhiều người trong số chúng ta đã mất việc làm. Nếu chúng ta chưa mất việc làm, là bởi vì các doanh nghiệp và thị trường hiểu rằng sẽ không có (ly khai)”.
Cuộc biểu tình của những người ủng hộ Tây Ban Nha thống nhất, diễn ra chỉ hai ngày sau “ngày thứ Sáu kịch tính” khi Nghị viện Catalonia bỏ phiếu thông qua tuyên ngôn độc lập và lập tức dẫn tới việc Quốc hội Tây Ban Nha cho phép Thủ tướng Mariano Rajoy kích hoạt quyền lực hiến pháp để sa thải chính quyền khu vực của những người ủng hộ ly khai và kêu gọi cuộc bầu cử sớm vào ngày 21/12.
Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont và các lãnh đạo đã bị sa thải khác tuyên bố rằng họ sẽ không rời nhiệm sở.
Mọi ánh mắt đều đang hướng đến thứ Hai 30/10 (giờ Tây Ban Nha) – ngày làm việc đầu tiên kể từ khi khu vực này tuyên bố độc lập và lãnh đạo của họ bị sa thải. Vẫn chưa rõ khoảng 200.000 viên chức Catalonia sẽ hành xử ra sao vào tuần làm việc mới khi những lãnh đạo của họ đã bị chính quyền trung ương tước quyền điều hành.
Các đảng và các nhóm hoạt động ủng hộ ly khai cuối tuần qua cũng đã lên tiếng cảnh báo về một chiến dịch bất tuân dân sự của các viên chức Catalonia nhằm cản trở các nỗ lực điều hành trực tiếp khu vực của giới chức trung ương.
Ông Carles Puigdemont cũng kêu gọi người dân Catalonia tham gia vào cuộc phản kháng hòa bình trước sự tiếm quyền khu vực của chính phủ Tây Ban Nha. Vị lãnh đạo này khẳng định ông và nội các đã bị sa thải của mình sẽ tiếp tục “làm việc để xây dựng một đất nước tự do”, theo AP.
Trong khi đó, chính quyền Madrid tuyên bố rằng những lãnh đạo Catalonia đã bị tước quyền có thể bị buộc tội chiếm đoạt chức vụ của người khác nếu họ không tuân thủ quyết định của Quốc hội Tây Ban Nha. Các công tố viên cũng cho biết họ có thể xem xét khép các lãnh đạo ly khai hàng đầu vào tội nổi dậy chống nhà nước.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa độc lập Tây Ban Nha Catalonia