Benedict Rogers: ĐCSTQ là mối nguy của người dân TQ và của thế giới
- Minh Nhật
- •
Ngày 27/5 vừa qua, ông Benedict Rogers, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ Anh, nhà sáng lập tổ chức phi chính phủ Hong Kong Watch, đã đăng tải một bài viết trên tờ UCA News, kêu gọi thế giới phân biệt rõ giữa người dân Trung Quốc với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và nhận thức rõ rằng ĐCSTQ là mối nguy của người dân Trung Quốc và của toàn thế giới.
Benedict Rogers vốn là một người gắn bó với Trung Quốc từ năm 18 tuổi, dạy học ở Bắc Kinh, làm đồ án tốt nghiệp về tín ngưỡng ở Trung Quốc, và trở thành nhà báo lâu năm ở Hồng Kông. Ông đã bị Bắc Kinh cấm thị thực vào năm 2017, và hai tháng sau đó quyết định cùng sáng lập tổ chức phi chính phủ Hong Kong Watch nhằm theo dõi tình hình nhân quyền tại Hồng Kông.
Trong nhiều năm, Benedict Rogers đã cố gắng cảnh báo các nhà hoạch định chính sách Anh quốc về tình hình nhân quyền tồi tệ ở Trung Quốc. “Tôi cảm thấy gần như là một tiếng nói cô độc, là tiếng kêu khóc nếu không mất tích nơi sa mạc thì chắc chắn là bị lãng quên bên lề”, ông viết. “Những kẻ đề xướng về cái gọi là ‘Kỷ nguyên Vàng’ của mối quan hệ Trung-Anh đã khiến tôi phát cáu. Tuy nhiên, bây giờ thế giới đang thức tỉnh và nhận ra thực tế rằng ĐCSTQ không chỉ là mối nguy hiểm đối với chính người dân của họ mà còn đối với tất cả chúng ta.”
“COVID-19 (coronavirus chủng mới) bắt đầu ở Vũ Hán, nhưng vì ĐCSTQ đã đàn áp sự thật chứ không phải tiêu diệt virus, nó đã trở thành một đại dịch toàn cầu gây ra cái chết và sự hủy diệt ở khắp mọi nơi”, ông Rogers viết. “Các nghị sĩ cao cấp của Anh… bây giờ đang nói những gì tôi đã nói trong nhiều năm rằng: chúng ta phải hoàn toàn hiệu chỉnh lại chính sách của Vương Quốc Anh đối với ĐCSTQ.”
Ông Rogers cũng nhấn mạnh rằng trong vấn đề này, chúng ta cần phân biệt rõ người dân Trung Quốc và ĐCSTQ, “người dân Trung Quốc là nạn nhân chính của sự cai trị tàn bạo của ĐCSTQ. Tôi muốn những người bạn Trung Quốc của tôi được giải phóng khỏi sự đàn áp của chế độ, chứ không phải bị đổ lỗi vì chế độ đang đàn áp họ.”
Là một nhà báo lâu năm tại Trung Quốc, ông Rogers chỉ rõ ĐCSTQ đã luôn luôn lợi dụng chủ nghĩa dân tộc để định hướng người dân Trung Quốc, “Họ muốn người dân Trung Quốc coi đây là cuộc chiến giữa Trung Quốc và phương Tây, nhưng chúng ta phải biến nó thành cuộc chiến giữa sự chuyên chế và tự do, dối trá và sự thật, sự man rợ và lòng nhân đạo.”
Theo ông Rogers, tự do tôn giáo dưới thời Tập Cận Bình tiếp tục đi xuống. Đặc biệt trong cuốn sách của mình nghiên cứu về cuộc đàn áp Kitô giáo tại Trung Quốc, ông Rogers cho hay các cuộc đàn áp này ngày càng trầm trọng hơn. Kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2013, các nhà thờ đã bị phá hủy và thánh giá và các biểu tượng Kitô giáo được thay thế bằng chân dung của Tập Cận Bình.
Ông Rogers cho rằng mặc dù không thể hoàn toàn đổ lỗi cho Tập Cận Bình, bởi vì cuộc đàn áp tôn giáo đã diễn ra suốt một thời gian dài với sự đồng ý của những lãnh đạo Trung Quốc đi trước. Tuy nhiên theo ông Rogers, Trung Quốc đang chứng kiến sự vi phạm nhân quyền “tàn bạo nhất kể từ cuộc thảm sát Thiên An Môn 31 năm về trước”.
Ông Rogers viết:
“Càng nhận ra nhiều điều, tôi càng không thể im lặng. Và như thế trong 5 năm qua, ĐCSTQ không chỉ xói mòn các quyền tự do của Hồng Kông mà còn đàn áp khủng khiếp người Ngô Duy Nhĩ -một trong những tội ác tàn bạo nhất của thế kỷ 21- cũng như đàn áp nghiêm trọng đối với Kitô giáo, tấn công người tập môn thiền định Phật gia Pháp Luân Công, cưỡng bức thu hoạch nội tạng, bắt giam nhà xuất bản sách Quế Mẫn Hải, bắt cóc các luật sư, blogger, người thổi còi, gây ra các vấn đề Tây Tạng và Đài Loan. Tất cả những điều này đều trở thành động lực của tôi [trong việc lên tiếng vạch trần ĐCSTQ].”
Minh Nhật biên tập
Từ khóa ĐCSTQ đàn áp tôn giáo Dòng sự kiện nhân quyền Trung Quốc