Cập nhật biểu tình phản chiến tại Nga: Hơn 4.300 người bị bắt giữ
- Vy An
- •
Theo một nhóm giám sát biểu tình độc lập, vào ngày Chủ Nhật (6/3), hàng ngàn người Nga đã bị bắt trong các cuộc biểu tình trên khắp nước Nga nhằm phản đối cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin. Theo cập nhật mới nhất của tờ Reuters, số người bị bắt đã lên đến hơn 4.300 người.
Theo video được các blogger và các nhà hoạt động đối lập đăng trên mạng xã hội, hàng ngàn người xuống đường biểu tình đã hô vang “Không chiến tranh!” và “Xấu hổ về các vị!”.
Hàng chục người ở vùng Urals, thành phố Yekaterinburg đã bị giam giữ. Người biểu tình bị cảnh sát mặc đồ chống bạo động đánh trên mặt đất. Một bức tranh tường trong thành phố có hình Tổng thống Vladimir Putin đã bị làm mờ.
Bộ Nội vụ Nga trước đó cho biết cảnh sát đã giam giữ khoảng 3.500 người, trong đó có 1.700 người ở Moscow, 750 người ở St Petersburg và 1.061 người ở các thành phố khác.
Theo thống kê từ Bộ Nội vụ, 5.200 người đã tham gia các cuộc biểu tình, trong đó nhóm giám sát biểu tình OVD-Info ghi nhận việc giam giữ ít nhất 4.366 người ở 56 thành phố khác nhau.
Bà Maria Kuznetsova, phát ngôn viên của OVD-Info, đã gọi điện từ thủ đô Tbilisi, Georgia: “Các con ốc đang được siết chặt hoàn toàn – về cơ bản chúng ta đang chứng kiến một sự kiểm duyệt của quân đội.”
“Hôm nay chúng ta đang chứng kiến các cuộc biểu tình khá lớn, ngay cả ở các thành phố ở Siberia, nơi chúng tôi hiếm khi thấy số lượng bắt giữ như vậy.”
Các cuộc biểu tình gần nhất tại Nga có số vụ bắt giữ tương tự xảy ra vào tháng 1/2021, khi đó hàng nghìn người đã yêu cầu trả tự do cho thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny lúc ông bị bắt khi trở về từ Đức.
Một số phương tiện truyền thông do nhà nước Nga kiểm soát đã đưa tin ngắn về các cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật vừa qua, tuy nhiên nội dung thông tin không được đánh giá cao.
Hãng thông tấn RIA của Nga cho biết Quảng trường Manezhnaya ở Moscow, kế bên Điện Kremlin, đã được cảnh sát “giải phóng”. Cảnh sát đã bắt giữ một số người tham gia cuộc biểu tình “vô cớ” phản đối chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Hãng RIA cũng chiếu đoạn phim về những người có vẻ như ủng hộ Điện Kremlin lái xe dọc theo bờ sông ở Moscow, treo cờ Nga và hiển thị các ký hiệu “Z” và “V” mà lực lượng Nga sử dụng trên xe tăng hoạt động ở Ukraine.
Thượng phụ Kirill, người đứng đầu Nhà thờ Chính thống Nga, cho biết các giá trị của Nga đang bị phương Tây thử nghiệm, điều này chỉ dẫn đến việc tiêu thụ quá mức và ảo tưởng về tự do.
Tổng thống Putin là nhà lãnh đạo tối cao của Nga kể từ năm 1999. Ông Putin gọi cuộc xâm lược phát động vào ngày 24/2/2022 là một “hoạt động quân sự đặc biệt”, nhằm mục đích bảo vệ các cộng đồng nói tiếng Nga của Ukraine chống lại sự đàn áp và ngăn không cho Hoa Kỳ sử dụng Ukraine để đe dọa Nga.
Phương Tây gọi những lập luận của ông là cái cớ vô căn cứ cho chiến tranh và đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm mục đích làm tê liệt nền kinh tế Nga. Hoa Kỳ, Anh và một số thành viên NATO khác đã cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Chính trị gia đối lập hiện đang bị bỏ tù Alexei Navalny đã kêu gọi các cuộc biểu tình vào Chủ Nhật trên khắp nước Nga và phần còn lại của thế giới chống lại cuộc xâm lược do Nga phát động.
Theo các video đăng trên mạng xã hội, khoảng 2.000 người đã tham dự một cuộc biểu tình chống chiến tranh ở Almaty, thành phố lớn nhất Kazakhstan.
Đám đông hô vang những khẩu hiệu như “Không chiến tranh!” và những lời nặng nề nhắm vào ông Putin trong khi vẫy cờ Ukraine.
Tại quảng trường nhỏ nơi diễn ra cuộc mít tinh, những quả bóng màu xanh và vàng tượng trưng cho màu cờ Ukraine được đặt trên tay của một bức tượng Lenin.
Vy An (Theo Reuters)
Từ khóa Dòng sự kiện Nga xâm lược Ukraine Chiến tranh Nga - Ukraine biểu tình phản chiến tại Nga