Cập nhật COVID-19 tại ASEAN hết 11/6: Có 7 nước ghi nhận ca tử vong mới
- Phan Anh
- •
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 11/6, các quốc gia thuộc khối ASEAN ghi nhận thêm khoảng 25.441 ca mắc COVID-19 mới và 322 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 4.295.252 ca, trong đó có khoảng 83.704 người thiệt mạng.
Trong 24 giờ qua, có 7 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận các ca tử vong mới do COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Campuchia và Myanmar.
Tại Indonesia, quốc gia này vẫn có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất Đông Nam Á.
Tại Philippines, tình hình dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới trong 24 giờ cao thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong trong ngày 11/6 cũng đứng thứ 2 toàn khối.
Tại Malaysia, trong ngày 11/6, nước này ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ 2 Đông Nam Á, đồng thời có 84 ca tử vong, đứng thứ 3 trong khối ASEAN. Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định kéo dài thêm 2 tuần lệnh phong tỏa toàn diện tại quốc gia này nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.
Trong phiên họp đặc biệt của Hội đồng An ninh quốc gia, do Thủ tướng Muhyiddin Yassin chủ trì, ngày 11/6, đại diện Bộ Y tế nước này đã đề xuất kéo dài lệnh phong tỏa toàn diện hiện nay thêm 2 tuần, từ ngày 15-28/6 và đề xuất trên đã được thông qua tại phiên họp. Nguyên nhân chủ yếu là do số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày vẫn cao hơn 5.000 ca và tới ngày 10/6, bình quân số ca mắc mới theo ngày là 6.871 ca.
Quyết định của Chính phủ Malaysia được cho là phù hợp với khuyến nghị của các chuyên gia y tế nước này. Trả lời phỏng vấn tờ Tinh Châu nhật báo, Phó Hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu Đại học Y khoa quốc tế (IMU) Lokman đã đưa ra 5 lý do cần kéo dài lệnh phong tỏa toàn diện thêm ít nhất hai tuần, trong đó có số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày vẫn ở mức rất cao (4 con số), do đó, trong vài ngày còn lại của lệnh phong tỏa toàn diện không thể đưa con số này trở về mức 3 con số, cũng như số ca tử vong do COVID-19, số bệnh nhân phải điều trị tích cực và cần trợ giúp của máy thở vẫn rất cao.
Tại Myanmar, trong 24 giờ qua báo cáo 188 trường hợp mắc bệnh mới và có 2 ca tử vong.
Tại Thái Lan, trong ngày 11/6, nước này ghi nhận thêm trên 2.290 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 27 người.
Tại Campuchia, quốc gia này có 655 bệnh nhân mới và 11 ca tử vong trong một ngày qua.
Báo Khmer Times ngày 11/6 đưa tin ổ dịch lớn vừa được phát hiện tại một nhà máy ở thủ đô Phnom Penh với hơn 200 công nhân dương tính với COVID-19.
Có tới 947 công nhân nhà máy Y&W ở Tòa A, đường 217, làng Chrey Village, phường Spean Thmor, quận Dangkor (Phnom Penh) ngày 10/6 đã được lấy mẫu xét nghiệm vì nghi ngờ có người mắc COVID-19 và kết quả là 201 mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus corona, trong đó có 142 phụ nữ. Các bác sĩ đã đưa bệnh nhân COVID-19 đi điều trị tại hai địa điểm là Koh Pich và Toul Pong. Trong khi đó những công nhân có kết quả âm tính được đề nghị tự cách ly tại nhà 14 ngày chờ xét nghiệm lần hai.
Trước đó, ngày 9/6, một sự cố đã xảy ra khi 11 công nhân dương tính với COVID-19 làm việc tại Công ty Fortress International Co., Ltd thuộc phường Pong Toek (quận Dangkor) đã tranh thủ đám đông để bỏ trốn, làm tăng nguy cơ lây dịch bệnh ra cộng đồng. Công ty Fortress International Co Ltd có khoảng 1.800 công nhân và tối 9/6, các nhân viên y tế đã lấy 300 mẫu xét nghiệm, trong đó 11 mẫu dương tính.
Trước diễn biến trên, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp an ninh để đảm bảo công nhân trong chương trình xét nghiệm COVID-19 không được trốn khỏi nhà máy. Ông Sreng nói rằng chính quyền địa phương cần phổ biến với công nhân về việc cần thiết phải hợp tác với nhân viên y tế để lấy mẫu xét nghiệm để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình. Nếu kết quả âm tính, công nhân có thể tiếp tục làm việc.
Trong diễn biến liên quan, chính quyền tỉnh Siem Reap (phía Bắc Campuchia) thông báo sẽ phạt người bán hàng và người dân không đeo khẩu trang hoặc không đeo khẩu trang phù hợp để ngăn chặn dịch COVID-19.
Phó Tỉnh trưởng tỉnh Siem Reap Pin Prakot ngày 10/6 cho biết trước khi quyết định áp lệnh phạt tiền, chính quyền tỉnh đã có hai tháng thực hiện chiến dịch phổ biến cho người dân về tầm quan trọng của đeo khẩu trang. Theo Luật về các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, một người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng có thể bị phạt từ 50-250 USD.
Phan Anh (tổng hợp)
Xem thêm:
Từ khóa Asean Bản tin COVID-19