Cập nhật COVID-19 tại ASEAN hết 10/6: Toàn khối có hơn 25.000 ca mắc mới
- Phan Anh
- •
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 10/6, các quốc gia thuộc khối ASEAN ghi nhận thêm khoảng 25.021 ca mắc COVID-19 mới và 460 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 4.269.811 ca, trong đó có khoảng 83.382 người thiệt mạng.
Tại Indonesia, trong ngày 10/6, nước này ghi nhận thêm khoảng 8.892 ca nhiễm mới – cao nhất kể từ hôm 26/2. Trong số các ca nhiễm mới, thủ đô Jakarta ghi nhận 2.091 ca, Trung Java 1.535 ca, Tây Java 1.334 ca, Yogyakarta 455 ca và Riau 438 ca. Bên cạnh đó, Indonesia ghi nhận thêm 211 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Indonesia lên 52.373 ca trong tổng số khoảng 1.885.942 ca bệnh. Dịch bệnh đã lan sang toàn bộ 34 tỉnh của nước này.
Bộ Y tế Indonesia cho biết giai đoạn III của chương trình tiêm chủng quốc gia phòng COVID-19 nhắm tới hàng trăm triệu người không thuộc các đối tượng ưu tiên, sẽ bắt đầu được khởi động từ tháng 7/2021.
Người phát ngôn Bộ Y tế cho hay rằng giai đoạn I của chương trình tiêm chủng đã được tiến hành với 1,4 triệu nhân viên y tế, tiếp đó là giai đoạn II với 21,5 triệu người cao tuổi và 17,4 công chức, viên chức. Trong giai đoạn III, Indonesia sẽ tiêm đại trà cho 141,3 triệu người trên 18 tuổi. Bộ Y tế đã quyết định sắp xếp lại chương trình tiêm chủng quốc gia cho hơn 181,5 triệu người từ 4 giai đoạn ban đầu thành 3 giai đoạn.
Tại Campuchia, trong ngày 10/6, quốc gia này xác nhận có thêm 11 trường hợp tử vong do COVID-19, qua đó nâng tổng số ca tử vong vì đại dịch tại Campuchia lên con số 300 người và tất cả đều từ lần bùng phát dịch thứ 3 sau “sự cố cộng đồng hôm 20/2”.
Tại Philippines, việc chậm giao vắc-xin đã khiến một số thành phố ở vùng thủ đô phải đóng cửa các điểm tiêm phòng, gây thêm khó khăn cho nỗ lực đẩy nhanh tốc độ miễn dịch cộng đồng. Người phát ngôn Tổng thống, ông Harry Roque kêu gọi mọi người thông cảm, đồng thời đảm bảo “sẽ có thêm nguồn cung trong những tháng tới và mọi người sẽ được tiêm phòng”.
Người đứng đầu chương trình phân phối vắc-xin của chính phủ, ông Carlito Galvez cho biết trong tổng số 7 triệu liều vắc-xin được dự kiến giao vào tháng 5/2021, hiện chỉ có 4,5 triệu liều được giao. Sự chậm trễ này xảy ra đúng lúc chính phủ đang dự định tiêm phòng cho khoảng 35 triệu người phải đến công ty làm việc nhằm đảm bảo ngăn chặn lây lan trong khi mở cửa nền kinh tế.
Theo kế hoạch, Philippines sẽ nhận tổng cộng 12,6 triệu liều vắc-xin, hầu hết từ Trung Quốc và thông qua cơ chế tiếp cận vắc-xin toàn cầu COVAX.
Ở một diễn biến khác, AstraZeneca thông báo đang hợp tác chặt chẽ với các nước Đông Nam Á nhằm đảm bảo việc cung cấp càng sớm, càng tốt vắc-xin COVID-19 của hãng này.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi có thông tin về khả năng chậm tiến độ giao vắc-xin từ nhà máy sản xuất Siam Bioscience của Thái Lan. Việc phân phối vắc-xin của AstraZeneca tại Đông Nam Á phụ thuộc vào 200 triệu liều vắc-xin được Siam Bioscience sản xuất.
Tuyên bố của AstraZeneca khẳng định việc phân phối vắc-xin đến các nước Đông Nam Á sẽ diễn ra trong những tuần tới. Hiện hãng đang hợp tác chặt chẽ với các chính phủ liên quan nhằm cung cấp vắc-xin càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, tuyên bố không đề cập đến năng suất của nhà máy sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19 tại Thái Lan. Đây là lần đầu tiên Siam Bioscience sản xuất vắc-xin. Tháng 1 vừa qua, Siam Bioscience ước tính có thể sản xuất 200 triệu liều mỗi năm, tương đương 15-20 triệu liều mỗi tháng.
Dự kiến, trong tháng 6/2021, Malaysia sẽ nhận 610.000 liều vắc-xin AstraZeneca được sản xuất tại Thái Lan và 1,6 triệu liều trong năm nay. Tuy nhiên, ngày 9/6, Bộ trưởng Khoa học Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết việc tiếp nhận có thể bị chậm trễ.
Trước đó, Philippines cũng cho biết đã nhận được thông báo của AstraZeneca về việc giao lô vắc-xin đầu tiên với 1,3 triệu liều, sẽ phải lui đến giữa tháng 7, muộn hơn 3 tuần so với kế hoạch ban đầu và lượng vắc-xin cũng sẽ giảm chỉ còn 1,17 triệu liều. Việc bàn giao lô vắc-xin thứ 2 – cũng dự kiến giảm từ 1,3 triệu liều xuống còn 1,17 triệu liều, sẽ bị lui từ tháng 7 sang tháng 8/2021.
Ngay tại Thái Lan, lẽ ra sẽ nhận được 6 triệu liều vắc-xin AstraZeneca trong tháng 6, song hiện giờ cũng mới chỉ nhận được 1,8 triệu liều vắc-xin của hãng này được sản xuất trong nước và 200.000 liều nhập từ Hàn Quốc.
Phan Anh (tổng hợp)
Xem thêm:
Từ khóa Asean Bản tin COVID-19