Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ: TQ là ‘thách thức toàn diện và nghiêm trọng nhất’
- Minh Ngọc
- •
Trung Quốc đang phát triển các lực lượng hạt nhân của mình để đe dọa Hoa Kỳ và che chắn cho các tham vọng độc tài của họ, theo nhận định của Chiến lược Quốc phòng Quốc gia mới mà chính quyền Biden công bố.
Chiến lược Quốc phòng mới được công bố ngày 27/10, nhấn mạnh chế độ cộng sản của Trung Quốc là “thách thức toàn diện và nghiêm trọng nhất đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ”, đồng thời chỉ đạo các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự “hành động khẩn cấp để duy trì và tăng cường khả năng răn đe của Hoa Kỳ”.
Tài liệu đặc biệt lưu ý, Trung Quốc đang phát triển vũ khí hạt nhân mới để đe dọa Hoa Kỳ, có thể bằng cách chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên.
“CHND Trung Hoa đang tăng cường khả năng đe dọa Hoa Kỳ cùng các nước Đồng minh và các đối tác của chúng tôi bằng vũ khí hạt nhân,” chiến lược quốc phòng nêu rõ.
“Phạm vi các lựa chọn hạt nhân có sẵn cho ban lãnh đạo CHND Trung Hoa sẽ mở rộng trong những năm tới, cho phép nước này có khả năng áp dụng nhiều chiến lược hơn để đạt được các mục tiêu của mình, bao gồm cưỡng chế hạt nhân và hạn chế sử dụng hạt nhân lần đầu.”
Chiến lược cũng cảnh báo, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã liên kết với nước Nga của Putin, và Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với hai cường quốc hạt nhân.
Chiến lược nhấn mạnh: “CHND Trung Hoa đã bắt tay vào việc mở rộng, hiện đại hóa và đa dạng hóa các lực lượng hạt nhân đầy tham vọng và thành lập một bộ ba hạt nhân non trẻ. Trung Quốc có thể dự định sở hữu ít nhất 1.000 đầu đạn có thể chuyển giao vào cuối thập kỷ này.”
“Hoa Kỳ cùng các Đồng minh và các đối tác của họ sẽ ngày càng đối mặt với thách thức trong việc ngăn chặn hai cường quốc có năng lực hạt nhân hiện đại và đa dạng – CHND Trung Hoa và Nga – tạo ra những căng thẳng mới về ổn định chiến lược.”
Từ lâu các chuyên gia đã cảnh báo, việc phát triển hạt nhân đột phá của ĐCSTQ có thể làm suy yếu các nỗ lực răn đe của Hoa Kỳ, vì khả năng và tư thế của các lực lượng hạt nhân Hoa Kỳ được thiết kế đặc biệt để chống lại Nga.
Chiến lược nhận định, để đạt được mục tiêu đó, ĐCSTQ đã tham gia vào “các hình thức cưỡng bức vùng xám” nhằm vào Hoa Kỳ, các đồng minh và đối tác của họ. Hơn nữa, chế độ này còn nỗ lực mở rộng đáng kể sự hiện diện quân sự ở nước ngoài bằng cách thiết lập các căn cứ mới và ký kết các hiệp ước an ninh mới.
Chiến lược còn đánh giá: “Trung Quốc và Nga hiện đang đặt ra nhiều thách thức nguy hiểm hơn đối với an toàn và an ninh của Mỹ, ngay cả khi các mối đe dọa khủng bố khác vẫn tồn tại.”
Đáng lưu ý, ĐCSTQ đã tham gia vào một nỗ lực mang hệ thống và “ngày càng hung hăng” nhằm thách thức và làm suy yếu Hoa Kỳ. Họ đã mở rộng và nâng cấp đáng kể lực lượng quân sự của mình, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Hơn nữa, việc mở rộng này được thúc đẩy với mục đích rõ ràng là nhắm vào các lực lượng phòng thủ của Hoa Kỳ và đồng minh.
Chiến lược kết luận: “CHND Trung Hoa đã mở rộng và hiện đại hóa gần như mọi khía cạnh của PLA, với trọng tâm là bù đắp các lợi thế quân sự của Hoa Kỳ.”
“PLA tìm cách nhắm vào khả năng của Lực lượng Mỹ trong việc phát huy sức mạnh để bảo vệ các lợi ích quan trọng của Hoa Kỳ và hỗ trợ đồng minh của chúng ta trong một cuộc khủng hoảng hoặc xung đột.”
Từ khóa Xung đột Mỹ - Trung năng lực hạt nhân Trung Quốc Mối đe dọa hạt nhân