Chiến thắng một phần cho ông Trump khi Quốc hội từ chối “chi tiêu rổ thịt”, nhưng giữ trần nợ
- Phạm Duy
- •
Quốc hội Hoa Kỳ đã cố gắng thông qua một nghị quyết tiếp tục (Continuing Resolution), chứa đầy “chi tiêu rổ thịt” theo cách thông thường, nhưng sự can thiệp của Tổng thống đắc cử Donald Trump, của ông Elon Musk và ông Vivek Ramaswamy đã phá hỏng dự luật đó, và Hạ viện sau đó là Thượng viện và Tổng thống Biden đã phê duyệt một phiên bản sửa đổi ngắn hơn, chỉ bằng 10% so với nguyên bản.
- Chi tiêu rổ thịt là một thuật ngữ thể hiện sự chê trách hiện tượng các chính trị gia dùng ngân sách nhà nước (hay chi tiêu chính phủ) để mua chuộc các cử tri trong khu vực tranh cử của mình. Nó còn được dùng để chỉ các chương trình hoặc dự án chi tiêu của chính phủ làm lợi cho một số người hoặc vùng địa phương bằng thuế do toàn thể đất nước đóng. Quyết định chi tiêu rổ thịt thường được đưa ra vào phút cuối của cuộc thảo luận về phân bổ ngân sách tại quốc hội nhằm mục đích dễ dàng được thông qua.
Việc thông qua dự luật này chỉ mang lại chiến thắng một phần cho ông Trump vì nó loại trừ một điều khoản mà ông Trump đòi hỏi là đình chỉ giới hạn nợ để cho phép ông tránh một cuộc chiến gây tranh cãi tại cơ quan lập pháp trong nhiệm kỳ của mình.
Ban đầu, Hạ viện dự định bỏ phiếu cho một dự luật dài 1.547 trang bao gồm một loạt những gì mà ông Trump gọi là “sự biếu không của Đảng Dân chủ” như tăng lương cho các nhà lập pháp. Tuy nhiên, sự phẫn nộ của công chúng đã khiến các nhà lập pháp hủy bỏ dự luật để ủng hộ một phiên bản ngắn hơn, chỉ dài 116 trang, trong đó có bao gồm một điều khoản tăng trần nợ. Biện pháp đó đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu vào thứ Năm (19/12), với sự phản đối đáng kể của các thành viên Đảng Cộng hòa (38 dân biểu).
Cuộc bỏ phiếu vào thứ Sáu (20/12) đã chứng kiến Hạ viện thông qua phiên bản dự luật sửa đổi dài 118 trang, không điều khoản về tăng trần nợ mà ông Trump yêu cầu. Dự luật cần có sự ủng hộ của hai phần ba thành viên Hạ viện để thông qua, và tổng số phiếu kiểm cuối cùng là 366 phiếu thuận và 34 phiếu chống. Đảng Dân chủ đã vượt qua rào cản để đưa dự luật vượt qua ngưỡng hai phần ba, và vượt qua sự phản đối của Đảng Cộng hòa.
Ban đầu, Đảng Cộng hòa đã định đưa ra một loạt dự luật, để giải quyết các vấn đề riêng lẻ, nhưng cuối cùng đã đưa ra dự luật duy nhất được sửa đổi. Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer đã thúc giục Hạ viện thông qua dự luật ban đầu dài 1.547 trang, gọi đây là “cách nhanh nhất, đơn giản nhất và dễ dàng nhất để chúng ta có thể đảm bảo chính phủ vẫn hoạt động“.
Cuối cùng, Thượng viện đã bỏ phiếu vào sáng sớm thứ Bảy (21/12) để thông qua dự luật sửa đổi cuối cùng như của Hạ viện với tỷ lệ 85-11.
Phơi bày Đầm lầy
Dự luật ban đầu dài 1.547 trang là một nghị quyết tiếp tục, nhằm duy trì hoạt động của chính phủ cho đến tháng 3/2025, nhưng dự luật này cũng bao gồm cứu trợ thiên tai, hỗ trợ nông trại, tài trợ phòng thí nghiệm, tăng lương cho các nhà lập pháp và các mục khác mà Tổng thống đắc cử Donald Trump coi là “sự biếu không của Đảng Dân chủ“.
Việc hủy bỏ dự luật này là do sự phẫn nộ lan rộng trên mạng, đặc biệt là trên mạng xã hội X, một phần do các đồng lãnh đạo của Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) Elon Musk và Vivek Ramaswamy nêu bật các điều khoản mơ hồ của dự luật.
Ông Trump và Phó Tổng thống đắc cử JD Vance sau đó đã đưa ra một tuyên bố, kêu gọi Quốc hội hủy bỏ dự luật để ủng hộ một phiên bản rút gọn. Tuy nhiên, yêu cầu của ông Trump rằng Quốc hội cũng cần đình chỉ trần nợ, đã phá hỏng kế hoạch của họ và khiến những người Cộng hòa cứng rắn về ngân sách, không tán thành.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của phương tiện truyền thông xã hội đã thành công trong việc thu hút sự chú ý đáng kể của công chúng đối với một vấn đề thủ tục thông thường, và buộc các nhà lập pháp lâu năm phải miễn cưỡng tìm cách xử lý quy trình này.
Động lực cho một sự thay đổi lãnh đạo
Sự việc này đã chứng kiến Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson phải đối mặt với sự giám sát đáng kể từ các nhà lập pháp bảo thủ và ôn hòa, về khả năng quản lý các cuộc đàm phán và quy trình phân bổ ngân sách nói chung.
Với việc ông Johnson nắm quyền chủ tịch Hạ viện sau khi một số thành viên Cộng hòa khác thất bại trong việc thay thế ông Kevin McCarthy đã bị lật đổ, nên nhiệm kỳ của ông Johnson không hề ổn định. Các nhà lập pháp bảo thủ, đặc biệt là những người theo chủ nghĩa diều hâu về ngân sách, thường xuyên bày tỏ sự thất vọng với các thỏa thuận ngân sách khác mà ông Johnson đã đưa ra. Nhưng hiện tại, các nhà lập pháp ôn hòa hơn, chẳng hạn như Dân biểu Nicole Malliotakis (Đảng Cộng hòa, New York) dường như đang ra tín hiệu công khai về việc loại bỏ ông Johnson trước khi Quốc hội mới triệu tập.
Bản thân ông Trump cũng đã đặt ra nghi ngờ về tương lai của ông Johnson, trong khi ông Musk đã khuếch đại những tiếng nói cho rằng sự lãnh đạo của ông Johnson là một trở ngại đối với cải cách thực sự. Tuy nhiên, ông Musk đã thừa nhận rằng “xét theo hoàn cảnh, chủ tịch Hạ viện đã làm tốt ở đây. Nó đã chuyển từ một dự luật ‘nặng cân’ sang một dự luật ‘nhẹ cân’“.
Một chiến thắng cho DOGE?
Đối với ông Trump, cuộc bỏ phiếu chỉ là một chiến thắng một phần vì ông đã không đạt được mục tiêu tăng giới hạn nợ. Nhưng những nỗ lực của ông Musk và ông Ramaswamy nhằm làm nổi bật việc đưa các điều khoản đáng ngờ vào dự luật ban đầu, dường như đã dẫn đến chiến thắng sớm chưa chính thức cho DOGE. Mặc dù nhiều nhà lập pháp được cho là đã bày tỏ sự thất vọng với cặp đôi này, đặc biệt là với ông Musk, nhưng họ đã thành công trong việc loại bỏ nhiều phần bổ sung vào dự luật và có khả năng gây khó cho thông lệ lập pháp “Cây thông Noel“, “chi tiêu rổ thịt”, nghĩa là đưa các dự án mang lợi ích nhóm vào dự luật vào phút chót.
“Những người vận động hành lang đã không nhận được 1.500 trang dự luật cho đặc quyền của mình”, cựu Dân biểu Matt Gaetz (Đảng Cộng hòa, Florida) đã viết trên mạng X.
Từ khóa DOGE Donald Trump Dự luật chi tiêu chính phủ Hoa Kỳ