Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rằng nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xâm lược Đài Loan, Mỹ sẽ gửi quân đến bảo vệ Đài Loan. Đây là lần thứ 4 ông Biden bày tỏ lập trường này.

p2741441a123829949
Từ ngày 9/11/2020, lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đã giảng dạy các kỹ năng chiến đấu ở Đài Loan trong một tháng. (Ảnh: Quân Văn Xã)

Trong một cuộc phỏng vấn hôm 18/9 với Đài CBS, khi được hỏi liệu Mỹ có bảo vệ Đài Loan nếu ĐCSTQ xâm lược không, Tổng thống Biden đã trả lời: “Có, nếu thực sự có một cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ”. Sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan, đây là lần đầu tiên ông Biden một lần nữa đề cập đến việc quân đội Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu họ bị ĐCSTQ xâm lược.

Ngay lập tức sau tuyên bố của ông Biden, chương trình của CBS đã phát video nói rằng một quan chức Nhà Trắng cho biết “chính sách của Mỹ chưa thay đổi” và khẳng định Washington sẽ không nói liệu quân đội nước này sẽ bảo vệ Đài Bắc hay không trong trường hợp bị ĐCSTQ tấn công.

“Tổng thống [Biden] đã từng nói điều này trước đây, trong đó có phát biểu tại Tokyo hồi đầu năm nay”, phát ngôn viên Nhà Trắng nói. “Ông [Biden] sau đó đã làm rõ rằng chính sách Đài Loan của chúng tôi chưa thay đổi. Nó vẫn còn đúng”.

Về vấn đề này, trong một bài đăng trên Facebook, giám đốc Akio Yaita của chi nhánh Đài Bắc của tờ Sankei Shimbun Nhật Bản, từng có thời gian 10 năm là phóng viên tại Trung Quốc, cho biết rằng đây là lần thứ 4 Tổng thống Mỹ Biden nói công khai trước truyền thông về vấn đề Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan. Vấn đề là cuộc phỏng vấn này không được truyền hình trực tiếp mà được ghi hình trước. Có nghĩa là, nếu Tổng thống Biden mắc sai lầm lỡ lời trong cuộc phỏng vấn, thì nhân viên Nhà Trắng tháp tùng ông ấy sẽ có đủ thời gian để yêu cầu cơ quan truyền thông cắt bỏ đoạn phát biểu đó.

Ông Yaita nói rằng 3 lần đầu trước Tổng thống Biden nói Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan là vào tháng Tám, tháng Mười và tháng Năm năm nay. Lần đầu tiên và lần thứ hai là các cuộc phỏng vấn với truyền thông Mỹ, và lần thứ ba là thảo luận tại họp báo chung với Thủ tướng Fumio Kishida trong chuyến thăm Nhật Bản. Lần nào ông Biden cũng đều nói rõ ràng hơn lần trước. Có lẽ do vài lần trước đó người phát ngôn của Chính phủ Mỹ phản ứng rằng “chính sách của Mỹ đối với Đài Loan không thay đổi” nên có người cho rằng ông Biden “lỡ lời”.

Ông Yaita tin rằng thực tế chuyện cho rằng ông Biden “lỡ lời” thường là phát ngôn từ những người không hiểu về chính trị quốc tế. Bởi vì “lỡ lời” từ một nhân vật quan trọng như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia. Trong trường hợp đó, người lỡ lời sẽ phải tự cải chính và xin lỗi để loại bỏ hậu quả. Về tuyên bố của người phát ngôn Chính phủ Mỹ phản hồi bằng cụm từ “Chính sách của Mỹ đối với Đài Loan không thay đổi”, ông tin rằng cách hiểu chính xác nên là: “Chính sách của Mỹ đối với Đài Loan luôn là bảo vệ Đài Loan. Chỉ là trước đây tuyên bố không tiện, nhưng bây giờ có thể công khai”.

Về lý do tại sao Tổng thống Biden nhiều lần lặp lại “Mỹ phải bảo vệ Đài Loan”, ông Akio Yaita cho rằng có thể hiểu trên 3 khía cạnh:

Một là nói với các nhà lãnh đạo ĐCSTQ do ông Tập Cận Bình đứng đầu, chớ đánh giá sai chiến lược cho rằng Mỹ sẽ không can thiệp vào cuộc xung đột vũ trang trên eo biển Đài Loan. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là “Mỹ sẽ không bao giờ vắng mặt”.

Hai là nói với các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và NATO hãy sẵn sàng “cho thời khắc phải chiến đấu cùng nhau”.

Thứ ba là đáp lại niềm tin của người dân Đài Loan. Bởi vì có một số phương tiện truyền thông ở Đài Loan tràn đầy hoài nghi luận điệu của Mỹ, vấn đề này Mỹ cũng nắm rõ. Nhiều người vẫn tin vào chủ trương mà một nhân vật chính trị nào đó cổ súy rằng “trận đầu cũng là trận cuối, quân Mỹ sẽ không đến”.

Ông Akio Yaita cho rằng vì thế mà Tổng thống Mỹ Biden hy vọng người dân Đài Loan sẽ không bị dẫn dắt bởi chủ nghĩa bi quan này, cần vững tin vào các đối tác yêu tự do dân chủ sẽ cùng chung tay bảo vệ tổ quốc.

Ngoài ra, ông Biden nói rằng vào ngày 15/9, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua “Đạo luật Chính sách Đài Loan”, đây là một sự kiện lớn đối với Đài Loan. Chiến lược mơ hồ của Mỹ đối với Đài Loan kéo dài hơn 40 năm đã dần bắt đầu bị loại bỏ, và quan hệ Mỹ-Trung Quốc-Đài Loan đã bước sang một kỷ nguyên mới. Ông chỉ ra luật mới có thể được tóm gọn trong hai câu: “Giúp Đài Loan an toàn hơn về mặt quân sự”, “Giúp Đài Loan có tôn nghiêm hơn về mặt ngoại giao”. Mặc dù vẫn còn nhiều bước phải thực hiện trong Đạo luật Chính sách Đài Loan, nhưng đây chắc chắn là bước đi rất quan trọng cho Đài Loan.

Mộc Vệ (t/h)