Chuyên gia: Việc Bắc Kinh lợi dụng tự do học thuật của Mỹ là vấn đề an ninh quốc gia
- Ngân Hà
- •
Năm trường cao đẳng của Mỹ đã che giấu mối quan hệ với một trường đại học nghiên cứu quân sự hàng đầu của Trung Quốc từng bị Mỹ trừng phạt, theo một báo cáo gần đây của trang tin Washington Free Beacon. Một chuyên gia quốc phòng nói rằng Mỹ nhất định phải cắt đứt các quan hệ đối tác như vậy để bảo vệ an ninh quốc gia.
Báo cáo đưa ra một tài liệu lưu trữ trên mạng về quan hệ đối tác giữa trường Đại học kỹ thuật quân sự hàng đầu của Trung Quốc Beihang và năm trường đại học của Mỹ.
Beihang, còn được biết là Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ của Bắc Kinh, là một trong bảy trường đại học lớn nghiên cứu về quốc phòng của Trung Quốc. Năm 2001, Bộ Thương mại Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Beihang do mối quan hệ của họ với giới quân sự và liên quan đến hệ thống bệ phóng tên lửa và phát triển tên lửa.
Quan hệ đối tác với một trường đại học như vậy sẽ đặt an ninh quốc gia của Mỹ vào tình trạng nguy hiểm, Tzu-Yun Su, giám đốc Khoa Tài nguyên và Phòng thủ Quốc gia Đại học Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng của Đài Loan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 4/8 với Epoch Times.
“Bộ Quốc phòng Mỹ và các cơ quan chính phủ khác thường phân công các nội dung nghiên cứu trọng điểm của họ cho các trường đại học. Ví dụ, Cơ quan chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) của Bộ Quốc phòng đã tài trợ các trường đại học như MIT để thực hiện nghiên cứu về các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo.”
Ông Su cho biết rất khó tiếp cận được với những công nghệ nhạy cảm như vậy qua các kênh chính thức.
“Vì thế, Trung Quốc đã sử dụng các trường đại học Mỹ như một phương cách để có được những công nghệ như vậy một cách gián tiếp. Chiến thuật của họ bao gồm hợp tác trong các dự án nghiên cứu và gửi sinh viên Trung Quốc tới các chương trình liên quan tại các trường đại học trọng điểm của Mỹ.”
Trong số năm trường đại học bị phát hiện hợp tác với Beihang, ít nhất bốn trường đã nhận tài trợ của DARPA để nghiên cứu các công nghệ tiên tiến, gồm có AI, khoa học thần kinh, người máy, và an ninh mạng. Các trường này là Carnegie Mellon, Columbia, Viện công nghệ Rose-Hulman và Đại học Michigan.
“Thông qua quan hệ với các trường đại học của Mỹ, Trung Quốc hướng đến đạt hai mục tiêu. Một là thâu tóm được công nghệ. Hai là bóp méo quan điểm và thái độ của giới học thuật Mỹ.”
Mặc dù Mỹ đã đưa Beihang vào danh sách đen kiểm soát xuất khẩu 20 năm trước, trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, nhiều biện pháp thắt chặt hơn nhằm ngăn chặn sự thâm nhập thông qua hệ thống giáo dục đã được bắt đầu.
Năm 2018, Bộ Ngoại giao đã rút ngắn thời hạn thị thực của các nghiên cứu sinh Trung Quốc về hàng không, khoa học robot, và sản xuất tiên tiến nhằm ngăn chặn các hoạt động gián điệp và đánh cắp tài sản trí tuệ. Năm 2020, ông Trump đã ra tuyên cáo cấm nhập cảnh đối với các sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc có quan hệ với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA).
Lệnh cấm vẫn tiếp tục dưới chính quyền Biden. Tháng 7, hơn 500 sinh viên STEM Trung Quốc đã bị từ chối do những quan ngại về an ninh.
Ông Su cho rằng các biện pháp này sẽ làm giảm một cách hiệu quả hoạt động gián điệp và đánh cắp công nghệ thông qua các trường đại học, nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa.
“Mỹ nên tiếp tục xét chặt đơn xin thị thực của các công dân Trung Quốc. Văn phòng an ninh các trường cũng nên giảng dạy chương trình giáo dục và đạo đức được thiết kế riêng cho sinh viên Trung Quốc,” ông nói.
“Trong quá khứ, lĩnh vực học thuật hiếm khi gắn kết với an ninh quốc gia,” ông Su nói. “Trung Quốc đã lợi dụng tự do học thuật của đất nước này, và đã thâm nhập vào một cách êm ả, và luồn sâu trong khi các viện sĩ Mỹ không cảnh giác… Đây là một mắt xích yếu của an ninh quốc gia.”
Ông Su cho rằng Đảng cộng sản Trung Quốc đã xâm nhập vào mọi thứ, mọi nơi. “Hạn chế sự xâm nhập của ĐCSTQ trên mọi lĩnh vực đang ngày càng trở thành công việc thường ngày quan trọng hơn với nước Mỹ,” ông nói.
Ngân Hà (theo Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa sự xâm nhập của Trung Quốc tại Mỹ an ninh quốc gia Mỹ