Cô gái đào thoát khỏi Triều Tiên thất vọng với nội dung giảng dạy trong trường ở Mỹ
- Ngân Hà
- •
Yeonmi Park trốn thoát khỏi chế độ Triều Tiên năm 2007 khi mới 13 tuổi. “Tương lai của nước Mỹ cũng sẽ ảm đạm như Triều Tiên,” cô Yeonmi hồi tưởng lại sau khi nhập học Đại học Columbia, một trong những trường danh giá thuộc khối Ivy League của Mỹ.
Yeonmi Park đã phải trải qua nhiều gian khổ, nhưng cô không tự cho mình là một nạn nhân.
Là một trong hàng trăm người đào thoát khỏi Triều Tiên đến Mỹ, cô Park (nay 27 tuổi) đã chuyển từ một đại học Hàn Quốc tới Đại học Columbia năm 2016 và cảm thấy xáo trộn sâu sắc với những điều cô phát hiện.
“Tôi hy vọng sẽ tận dụng được vận may này, với tất cả thời gian và sức lực, để học cách tư duy. Nhưng ở đây, họ lại buộc bạn suy nghĩ theo cách họ muốn bạn nghĩ,” cô Park nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox News.
“Tôi nhận ra, trời ơi, điều này thật điên rồ. Tôi đã nghĩ rằng nước Mỹ là khác biệt, nhưng tôi đã thấy quá nhiều điều tương đồng với những gì tôi thấy ở Triều Tiên, đến mức tôi bắt đầu lo lắng,” cô nói tiếp.
Những điểm tương đồng với chế độ giáo dục ở Triều Tiên bao gồm tình cảm chống phương Tây, trách nhiệm tập thể và sự ‘phải đạo chính trị’ (political correctness) bao trùm.
Yeonmi đã thấy những dấu hiệu này ngay khi tới trường.
Trong buổi định hướng, cô đã bị một nhân viên nhà trường quở trách vì thừa nhận cô thích văn học cổ điển như Jane Austen.
Park nhớ lại, “Tôi nói: “Tôi thích những quyển sách đó. Tôi nghĩ rằng đó là một điều tốt lành”.
Nhưng nhân viên nhà trường đã đáp lại ngay: “Bạn có biết rằng những tác giả đó có tư tưởng thuộc địa không? Họ là những kẻ phân biệt chủng tộc mù quáng và đang tẩy não bạn trong tiềm thức.”
Yeonmi sau đó nhận ra rằng mỗi lớp học của cô tại ngôi trường danh giá thuộc khối Ivy này ngập tràn những tuyên truyền chống Mỹ, gợi nhớ đến kiểu tuyên truyền cô từng lớn lên cùng nó khi còn ở Triều Tiên.
Cô cũng sửng sốt và bối rối với những vấn đề về giới tính và ngôn ngữ, khi mỗi lớp học đều yêu cầu sinh viên cho biết họ thích được gọi theo đại từ nhân xưng nào.
“Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ ba của tôi. Tôi học nó khi đã là một người trưởng thành. Đôi khi tôi còn nói nhầm giữa “anh ấy” hay “cô ấy”, thế mà bây giờ họ yêu cầu tôi gọi họ là “bọn”?”
“Thật là hỗn loạn. Giống như một nền văn minh đi giật lùi”, Yeonmi nói.
“Thậm chí Triều Tiên không điên rồ thế này,” cô thừa nhận. “Triều Tiên khá điên rồ, nhưng không phải điên rồ thế này.”
Sau khi sa vào một số cuộc tranh luận với các giáo sư và sinh viên, cuối cùng Yeonmi “đã học được cách im lặng” để có điểm GPA tốt và tốt nghiệp.
“Vì tôi đã chứng kiến việc đàn áp, tôi biết nó như thế nào,” Yeonmi nói, vào tuổi 13 cô đã chứng kiến cảnh người ngã xuống chết đói ngay trước mặt.
“Nhưng những đứa trẻ này [ám chỉ các sinh viên] liên tục nói họ bị đè nén ra sao, họ đã trải qua bao nhiêu bất công. Họ không biết có được tự do khó khăn như thế nào,” cô nói.
“Tôi thực sự đã vượt qua sa mạc Gobi để được tự do. Nhưng điều tôi làm không là gì cả, vì nhiều người chiến đấu mạnh mẽ hơn tôi và đã không vượt qua được.”
Cô Park cùng mẹ lần đầu trốn khỏi chế độ Triều Tiên năm 2007, khi Yeonmi mới 13 tuổi.
Sau khi vượt sông Áp lục băng giá vào Trung Quốc, họ rơi vào tay của những kẻ buôn người. Yeonmi bị bán làm nô lệ với giá chưa đến 300 đôla và mẹ cô với giá khoảng 100 đôla.
Với sự giúp đỡ của các nhà truyền giáo đạo Thiên Chúa, hai mẹ con đã trốn được tới Mông Cổ, đi bộ ngang qua Sa mạc Gobi và cuối cùng tị nạn ở Hàn Quốc.
Năm 2016, cô xuất bản cuốn hồi ký “Để được sống”, trong đó miêu tả làm thế nào để sinh tồn tại một trong những chế độ độc tài tàn bạo nhất thế giới và hành trình đầy đau đớn tới tự do.
“Ở đây [nước Mỹ], người dân đúng là đang mong mỏi trao các quyền của họ cho chính phủ. Với tôi, đó là điều đáng sợ nhất,” nhà hoạt động nhân quyền nói.
Cô cáo buộc các cơ sở giáo dục đại học của Mỹ đang tước đoạt khả năng tư duy và suy xét của con người.
“Tại Triều Tiên khi đó, tôi thực sự tin rằng ‘Lãnh tụ Thân yêu’ của tôi [Kim Jong Un] đang chết đói,” cô nhớ lại. “Nhưng ông ấy là người béo nhất – vì sao mọi người lại tin điều đó? Và sau đó ai đó cho tôi xem một bức ảnh và nói “Hãy nhìn ông ta, ông ta là người béo nhất. Tất cả mọi người khác đều gầy gò. Và tôi như là “Ôi Chúa ơi, vì sao tôi không nhận thấy ông ta rất béo? Vì tôi không bao giờ được học cách suy xét.”
Cô nói tiếp, “Đó là điều đang xảy ra ở Mỹ. Mọi người nhìn thấy mọi thứ nhưng họ đúng là hoàn toàn mất khả năng suy xét.”
Chứng kiến sự thờ ơ của người Mỹ đã khiến Yeonmi bối rối.
“Người Triều Tiên chúng tôi không có internet, chúng tôi không có cơ hội tiếp cận bất cứ ai trong số các nhà tư tưởng vĩ đại này, chúng tôi không hiểu biết gì hết. Nhưng ở đây, trong khi có mọi thứ, người dân lại lựa chọn bị tẩy não. Và họ phủ nhận nó.”
Đến Mỹ với nhiều hy vọng và kỳ vọng, nhưng hiện Yeonmi bày tỏ sự thất vọng của mình.
“Các bạn đã đánh mất sự suy xét đúng đắn tới mức một người Triều Tiên như tôi không thể hiểu được,” cô nói.
“Chúng ta sẽ đi tới đâu với những thứ như thế này?” cô tự hỏi. “Không có chút pháp quyền nào, không chút đạo đức nào, không chút gì là tốt hay xấu nữa, đó là sự hỗn độn hoàn toàn.”
“Tôi đoán rằng đó là điều họ muốn, để phá huỷ mọi thứ và xây dựng lại thành thiên đường Cộng sản.”
Ngân Hà (theo Fox News)
Xem thêm:
Từ khóa người đào tẩu Bắc Triều Tiên Yeonmi Park