Cơ quan tình báo Pháp đã đóng cửa 9 đồn cảnh sát ở nước ngoài của ĐCSTQ
- Lý Hạo Nguyệt
- •
Cục An ninh Nội địa Pháp (DGSI) gần đây tiết lộ rằng có ít nhất 9 đồn cảnh sát bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trên lãnh thổ Pháp, được sử dụng để thực hiện các hoạt động trấn áp xuyên biên giới, chủ yếu thông qua các đặc vụ mặc thường phục để theo dõi, đe dọa và ép buộc hồi hương những người Trung Quốc bất đồng chính kiến sống ở nước ngoài.
Theo báo chí Pháp, DGSI đã thành công trong việc đóng cửa các trạm cảnh sát này, nhưng các đặc vụ ĐCSTQ vẫn tồn tại dưới dạng các hiệp hội người Hoa, hoạt động gián điệp cho Bộ Công an ĐCSTQ.
Nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lăng Hoa Trạm (Ling Huazhan), năm ngoái suýt bị các đặc vụ của ĐCSTQ ép buộc hồi hương tại Pháp, sự việc được báo chí Pháp ghi hình và phanh phui, gây xôn xao dư luận và thu hút sự chú ý của giới chính trị Pháp.
Nghị sĩ Constance Le Grip thuộc đảng cầm quyền “Phục Hưng” (Renaissance) đã gửi câu hỏi bằng văn bản tới Bộ Nội vụ vào tháng 11 năm ngoái, liên quan đến “hoạt động và tình trạng vận hành” của các trạm cảnh sát bí mật của ĐCSTQ tại Pháp.
Tạp chí Challenges của Pháp đưa tin tuần trước rằng vào đầu tháng Sáu năm nay, bà Le Grip cuối cùng đã nhận được phản hồi từ Bộ Nội vụ, kèm theo chi tiết về các hành động của DGSI nhằm chống lại sự can thiệp của ĐCSTQ.
Theo cuộc phỏng vấn trước đó của Đài NTDTV với ông Lăng Hoa Trạm, sự việc xảy ra vào tháng 3/2024, khi 7 nhân viên của ĐCSTQ đưa ông Lăng Hoa Trạm (26 tuổi), đến sân bay Charles de Gaulle ở Paris, chuẩn bị ép ông lên chuyến bay đến Quảng Châu. Sau khi lấy lại hộ chiếu bị phía ĐCSTQ tịch thu, ông đã trốn thoát ngay trước khi lên máy bay.
Toàn bộ sự việc được Tạp chí Challenges và kênh France 2 ghi lại trực tiếp, hai cơ quan truyền thông này đã phanh phui chi tiết các hoạt động trấn áp xuyên biên giới của cảnh sát bí mật ĐCSTQ tại Pháp.
Trạm cảnh sát bí mật ở nước ngoài chỉ là “phần nổi của tảng băng”
Tháng 9/2022, tổ chức phi chính phủ Tây Ban Nha Safeguard Defenders công bố báo cáo liệt kê các trạm cảnh sát bí mật của Bắc Kinh tại 5 châu lục. Tổ chức này ước tính ĐCSTQ đã thiết lập hơn 100 trạm cảnh sát ở nước ngoài tại 53 quốc gia, bao gồm các nước châu Âu như Đức, Pháp, Ý, Croatia, Serbia và Romania.
Báo cáo cho biết, một nguồn tin tiết lộ rằng khi Safeguard Defenders công bố thông tin vào năm 2022, DGSI vẫn chưa quá lo ngại, “nhưng khi họ nhận ra Đại sứ quán ĐCSTQ đứng sau điều phối các hoạt động này, cơ quan tình báo bắt đầu coi vấn đề nghiêm trọng hơn.”
Cuối năm 2023, DGSI đã triệu tập đại diện ĐCSTQ, yêu cầu đóng cửa các trạm cảnh sát này.
Bộ Nội vụ cho biết, một đại diện tình báo ĐCSTQ và hai nhà ngoại giao Đại sứ quán ĐCSTQ đã bị DGSI triệu tập, yêu cầu tuân thủ các quy tắc hợp tác song phương. Bộ Công an ĐCSTQ cũng nhận được cảnh báo. Sau đó, Bắc Kinh tạm dừng hoạt động của các trạm cảnh sát bí mật nhưng từ chối yêu cầu của Bộ Ngoại giao Pháp về việc trục xuất các đặc vụ ĐCSTQ.
Các trạm cảnh sát ở nước ngoài của ĐCSTQ bắt đầu xuất hiện từ năm 2016. Công an Nam Thông và Công an Ôn Châu là những đơn vị đầu tiên thử nghiệm ở nước ngoài. Sau đó, Công an huyện Thanh Điền cũng thực hiện hành động tương tự vào năm 2018.
Safeguard Defenders cho biết, các trạm cảnh sát này “tránh né các kênh hợp tác cảnh sát và tư pháp song phương chính thức”, cho thấy sự gia tăng đáng lo ngại của các hoạt động “trấn áp xuyên quốc gia” và hoạt động “cảnh sát tầm xa” của ĐCSTQ.
Bà Laura Harth, người phụ trách hoạt động của Safeguard Defenders, nhấn mạnh rằng các trạm cảnh sát ở nước ngoài chỉ là “phần nổi của tảng băng” trong các hoạt động trấn áp xuyên quốc gia rộng lớn hơn của ĐCSTQ.
Đóng cửa trạm cảnh sát bí mật nhưng đặc vụ ĐCSTQ vẫn hoạt động gián điệp
Theo báo cáo, DGSI mô tả các trạm cảnh sát bí mật này là “phần mở rộng” ở nước ngoài của các cục công an thuộc Bộ Công an ĐCSTQ. Các trạm này được điều hành bởi các “nhân viên liên lạc” và đại diện của các cá nhân hoặc hiệp hội được chỉ định.
Các trạm cảnh sát bí mật của này không đăng ký với chính quyền Pháp, và các “dịch vụ” họ cung cấp tương tự như những dịch vụ do chính phủ có chủ quyền cung cấp, thường thuộc phạm vi hợp tác song phương. Tuy nhiên, họ còn thực hiện các hoạt động không thuộc bất kỳ hình thức hợp tác nào, như thu thập thông tin về cộng đồng người Hoa, tham gia trấn áp xuyên quốc gia, chiêu mộ nhân sự, v.v.
Dù các hoạt động gián điệp của ĐCSTQ bị phía Pháp ngăn chặn, họ đã nhanh chóng điều chỉnh chiến lược.
Theo Tạp chí Challenges, Bắc Kinh hoàn toàn không có ý định từ bỏ. Đối với các cơ quan tình báo Pháp, cuộc chơi vẫn chưa kết thúc.
Bộ Nội vụ Pháp chỉ ra rằng dù các trạm cảnh sát bí mật của ĐCSTQ đã bị đóng cửa, điều này không có nghĩa là ĐCSTQ ngừng theo dõi và gây áp lực lên những người bất đồng chính kiến. Rõ ràng vẫn còn các đặc vụ mặc thường phục phục vụ cho Đại sứ quán hoặc Bộ Công an của ĐCSTQ.
Từ khóa Trạm cảnh sát Trung Quốc Đồn cảnh sát 110 đồn cảnh sát ở nước ngoài Trạm cảnh sát
