Buôn lậu chip đã thúc đẩy khả năng AI (trí tuệ nhân tạo) của quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), khiến tính hiệu quả trong việc kiểm soát chip của Mỹ đối với Trung Quốc bị nghi ngờ. Truyền thông Mỹ tiết lộ cách các công ty Trung Quốc vượt qua các lệnh trừng phạt để có được sức mạnh tính toán AI tiên tiến, và che giấu thông tin thông qua tiền điện tử và các phương pháp khác.

Chip Trung Quoc
(Nguồn: William Potter/ Shutterstock)

Công ty Trung Quốc lách lệnh trừng phạt bằng cách thuê sức mạnh tính toán AI từ xa

Theo báo cáo trên tờ Wall Street Journal hôm 26/8, các nhà phát triển AI Trung Quốc đã tìm ra cách sử dụng những con chip tiên tiến nhất của Mỹ mà không cần mang sang Trung Quốc. Họ đang làm việc với những người trung gian để có được quyền truy cập vào sức mạnh tính toán ở nước ngoài, đôi khi sử dụng công nghệ từ lĩnh vực tiền điện tử để che giấu danh tính của mình.

Trước đó, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đã ngăn cản các công ty Trung Quốc nhập khẩu trực tiếp chip AI cao cấp do Nvidia phát triển, và các công ty Trung Quốc buộc phải đưa ra chiến lược này để đối phó. Mặc dù người dùng Trung Quốc vẫn có thể mang chip Nvidia sang Trung Quốc thông qua mạng lưới buôn bán chợ đen, nhưng quá trình này rườm rà và khó đáp ứng nhu cầu của những người dùng lớn.

Các báo cáo nói rằng một doanh nhân đã giúp các công ty Trung Quốc vượt qua những trở ngại này là Derek Aw, từng là thợ đào Bitcoin. Ông thuyết phục các nhà đầu tư ở Dubai và Mỹ tài trợ cho việc mua máy chủ AI được hỗ trợ bởi chip H100 mạnh mẽ của Nvidia.

Vào tháng 6 năm nay, công ty của Derek Aw đã lắp đặt hơn 300 máy chủ được trang bị chip H100 vào một trung tâm dữ liệu ở Brisbane, Úc. 3 tuần sau, các máy chủ bắt đầu xử lý thuật toán AI cho một công ty ở Bắc Kinh.

Theo báo cáo, việc thuê sức mạnh tính toán từ xa không có gì mới mẻ. Nhiều công ty đa quốc gia sử dụng dịch vụ đám mây từ các công ty Mỹ như Google, Microsoft và Amazon để truyền dữ liệu đi khắp thế giới. Tuy nhiên, các công ty này, giống như các ngân hàng, có chính sách “Hiểu khách hàng của bạn” (Know Your Customer), điều này có thể gây khó khăn cho một số khách hàng Trung Quốc trong việc có được sức mạnh tính toán tiên tiến nhất.

Các luật sư quen thuộc với các lệnh trừng phạt của Mỹ nói với tờ Wall Street Journal rằng cả người mua lẫn người bán sức mạnh tính toán, cũng như những người trung gian kết nối họ, đều không vi phạm bất kỳ luật nào. Chính phủ Mỹ hạn chế xuất khẩu chip xử lý, thiết bị và công nghệ tiên tiến sang Trung Quốc, nhưng các công ty điện toán đám mây cho biết các quy định xuất khẩu không hạn chế các công ty Trung Quốc hoặc các chi nhánh nước ngoài của họ truy cập các dịch vụ đám mây của Mỹ sử dụng chip Nvidia.

Báo cáo đề cập rằng Bộ Thương mại Mỹ đã đề xuất một dự thảo quy tắc vào tháng 1 năm nay, mục đích là để ngăn chặn các thực thể ác ý của nước ngoài sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của Mỹ để tham gia vào các hoạt động bao gồm đào tạo các mô hình AI lớn. Các công ty điện toán đám mây của Mỹ cho rằng quy định này sẽ không ngăn chặn được hành vi lạm dụng, ngược lại sẽ làm suy yếu lòng tin của khách hàng, và làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ.

Tuy nhiên, trong nền tảng được Derek Aw và những người khác sử dụng, phương thức lập hóa đơn và thanh toán được thiết kế để mang lại cho người tham gia mức độ ẩn danh cao. Người mua và người bán sức mạnh tính toán sử dụng “hợp đồng thông minh”, các điều khoản của hợp đồng này được ghi vào sổ cái kỹ thuật số được công khai trực tuyến. Các bên tham gia hợp đồng chỉ được xác định bằng một loạt chữ cái và số, người mua sẽ thanh toán bằng tiền điện tử.

Quá trình này mở rộng tính ẩn danh của tiền điện tử cho chính các hợp đồng, cả hai đều sử dụng công nghệ ghi chép kỹ thuật số được gọi là blockchain. Aw nói rằng ngay cả anh cũng có thể không biết danh tính thực sự của người mua. Aw và những người khác cho biết, để ngụy trang hơn nữa, các công ty AI Trung Quốc thường giao dịch thông qua các chi nhánh ở Singapore hoặc nơi khác.

Aw nói thêm: “Kể từ cuối năm ngoái, đã có nhiều khách hàng Trung Quốc sử dụng nền tảng của chúng tôi hơn đáng kể”, “Thường xuyên có người hỏi tôi liệu chúng tôi có chip Nvidia không.”

Báo cáo đề cập rằng sự chậm lại trong hoạt động trong lĩnh vực tiền điện tử đã giải phóng một số sức mạnh tính toán trước đây được sử dụng để khai thác các loại tiền kỹ thuật số như Bitcoin. Trong 2 năm qua, một số nền tảng đã xuất hiện nhằm tận dụng cơ hội này và nền tảng của Aw là một trong số đó. Các nền tảng này cố gắng thu thập sức mạnh tính toán rải rác trên khắp thế giới và cho các nhà phát triển AI thuê.

Báo cáo chỉ ra rằng việc bán dịch vụ sức mạnh tính toán phân tán được gọi là mô hình kinh doanh của GPU phi tập trung. GPU của Nvidia được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng AI và được săn đón nhiều trên các nền tảng này. Các nhà khai thác cho biết, kể từ khi Mỹ hạn chế bán chip hiệu suất cao cho Trung Quốc vào năm 2022, ngày càng nhiều khách hàng Trung Quốc đổ xô đến các nền tảng phi tập trung để có được sức mạnh tính toán.

Về vấn đề này, báo cáo dẫn lời ông Joseph Tse, người đã từ chức tại một công ty khởi nghiệp AI ở Thượng Hải, giải thích rằng công ty đã chuyển sang nền tảng GPU phi tập trung sau khi phát hiện ra rằng họ không thể thuê sức mạnh tính toán từ Amazon Web Services. Ông Tse cho biết, thông qua các thỏa thuận với nền tảng này, hơn 400 máy chủ trong trung tâm dữ liệu được trang bị chip Nvidia H100 ở California đã được sử dụng để giúp người chủ cũ của ông đào tạo các mô hình AI. Hơn nữa, dịch vụ này không khác nhiều so với điện toán đám mây do các công ty như Amazon hay Google cung cấp, nhưng rủi ro cao hơn do hệ thống blockchain có thể tồn tại các lỗ hổng có thể dẫn đến rò rỉ mã và dữ liệu.

Ông nói: “Blockchain thực sự có thể bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, nhưng vì điều này, nếu có sự cố xảy ra, sẽ khó có thể truy cứu trách nhiệm, nhưng chúng tôi không có nhiều lựa chọn, để tiếp tục tồn tại được, chúng tôi buộc phải thử mọi cách.” 

Báo cáo đặc biệt chỉ ra rằng tại triển lãm ngành AI được tổ chức tại Singapore vào tháng 6 năm nay, ít nhất 3 công ty GPU phi tập trung đang quảng bá nền tảng của họ, với sự trợ giúp của các nền tảng này, người dùng có thể có quyền truy cập không hạn chế vào sức mạnh tính toán của Nvidia với giá cả phải chăng trên toàn thế giới. Các công ty này đều cho biết họ có khách hàng từ Trung Quốc.

Hiệu quả của các biện pháp kiểm soát của Mỹ đối với xuất khẩu chip của Trung Quốc đã bị nghi ngờ

Chính phủ Mỹ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động xuất khẩu chip của Trung Quốc kể từ tháng 10/2022, nhằm hạn chế khả năng Trung Quốc mua và sản xuất chip bán dẫn cao cấp cho mục đích quân sự. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy vô số công ty bình phong và các hoạt động buôn lậu kiểu kiến tha mồi, có thể đã cho phép Bắc Kinh có đủ chip để đáp ứng nhu cầu đào tạo trí tuệ nhân tạo quân sự (AI) của quân đội, đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của Mỹ. Các chuyên gia liên quan cho rằng Washington nên thay đổi suy nghĩ về việc cấm vận chất bán dẫn đối với Trung Quốc.

Vào ngày 7/10/2022, Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành các quy định mang tính bước ngoặt về kiểm soát xuất khẩu chip sang Trung Quốc. Những đối tượng bị kiểm soát xuất khẩu bao gồm chip H100 tiên tiến nhất của công ty công nghệ Nvidia của Mỹ, nhưng các cuộc điều tra liên quan cho thấy Trung Quốc vẫn có thể có được con chip này.

Một báo cáo của trang tin tức Mỹ The Information vào ngày 12/8 năm nay tiết lộ rằng một công ty thiết bị điện tử ở khu vực Đông Trung Quốc đã mua hàng trăm máy chủ từ một nhà trung gian ở Malaysia với giá 120 triệu USD, tổng cộng bao gồm khoảng 2.400 con chip cao cấp. Báo cáo cho biết những người trung gian đã giúp người mua Trung Quốc thành lập công ty bình phong ở Malaysia để che giấu danh tính người mua thực tế là người Trung Quốc.

Có thông tin cho rằng nhiều tổ chức nghiên cứu khoa học Trung Quốc, bao gồm các trường đại học liên kết với Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Đại học Tôn Trung Sơn, đã sử dụng chip của các công của Mỹ như Nvidia, AMD cho nghiên cứu quân sự như phát triển vũ khí hạt nhân, bao gồm ngư lôi và trinh sát hình ảnh. Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (C4ADS), một tổ chức phi lợi nhuận ở Washington, cho thấy hơn chục cơ quan liên quan đến chính phủ có liên quan đến Trung Quốc đã mua chip do Mỹ kiểm soát thông qua các công ty bình phong và các kênh khác. Một số thực thể này có quan hệ với quân đội Trung Quốc.

Một thương gia điện tử ở Thâm Quyến đã giúp người mua Trung Quốc mua hàng trăm, thậm chí hàng ngàn chip cao cấp bị cấm vận, bao gồm chip H100 và chip A100  bị cấm bán cho các thực thể Trung Quốc.

Hơn nữa, Trung Quốc còn tuyển du học sinh mang hàng hóa từ nước ngoài về, trả cho họ 100 USD mỗi con chip và sử dụng các phương pháp di kiến tha mồi ​​để cho phép các con chip bị cấm liên tục chảy vào Trung Quốc.

Theo báo cáo của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) vào ngày 14/8, một số người mua có thực lực ở Trung Quốc đã có thể mua hơn 2.000 chip Nvidia H100 chỉ trong một giao dịch bằng cách thành lập các công ty bình phong ở nước ngoài và hợp tác với những người trung gian nước ngoài.

Nhà phân tích Jacob Feldgoise nghiên cứu dữ liệu tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi của Đại học Georgetown, nói với VOA: “Ngay cả đối với những mô hình (AI) lớn nhất mà chúng tôi từng thấy, số lượng chip cần thiết để đào tạo các mô hình này không phải là hoàn toàn không thể có được đối với Trung Quốc”. “Nếu chúng tôi thấy một đơn đặt hàng (chip) trong số hàng ngàn đơn đặt hàng, tôi nghĩ điều đó cho thấy rằng Trung Quốc ít nhất có đủ số chip này để cho phép quân đội… có được số lượng lớn chip mà họ cần”, ông nói.

Theo thống kê của ngành, giá trung bình của một máy chủ chứa 8 chip NVIDIA H100 là 380.000 USD. Dựa trên tính toán này, Trung Quốc cần đầu tư tới 530 triệu USD để lách lệnh trừng phạt của Mỹ thông qua buôn lậu và mua số chip này cho mục đích quân sự.

Giới chuyên gia pháp lý tin rằng các nhà sản xuất chip lớn như NVIDIA và AMD nhìn chung đang tích cực hợp tác trong việc thực thi lệnh cấm xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm và công nghệ chip của Mỹ, việc chip bị cấm vẫn tràn vào Trung Quốc là trách nhiệm thuộc về những bên trung gian.

Ông William Reinsch, giám đốc nghiên cứu kinh doanh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định, cuối cùng việc thực thi kiểm soát xuất khẩu là một trò chơi “mèo vờn chuột”. Ông nói với VOA: “Nếu công ty của bạn bị đưa vào Danh sách Thực thể, bạn sẽ thành lập một công ty mới trên cùng một con phố với một cái tên khác”.

Ông Reinsch cho biết Bộ Thương mại Mỹ thiếu nguồn lực và vẫn điều tra thủ công từng đối tượng xuất khẩu đáng ngờ. Hậu quả là họ luôn đi sau kẻ xấu một hoặc hai bước. Họ cố gắng hết sức để bắt kịp. Nhưng mỗi khi họ xác định và cấm một thực thể mới, lại có người lại thành lập một thực thể khác. Ông đề nghị Chính phủ Mỹ nên tăng ngân sách cho Cục Công nghiệp và An ninh để có thể mua và áp dụng các công nghệ tiên tiến, bao gồm cả AI, nhằm giảm gánh nặng về nhân lực.