Đạo luật về Tây Tạng, Đài Loan và Hồng Kông lồng ghép cùng luật chi tiêu đã được thông qua
- Đức Thiện
- •
Tổng thống Donald Trump vào tối Chủ nhật (27/12 giờ Mỹ) đã ký dự luật chi tiêu và cứu trợ đại dịch COVID-19 trị giá 2,3 nghìn tỷ USD và trong luật này cũng bao gồm các điều khoản về đạo luật liên quan đến Tây Tạng, Đài Loan và Hồng Kông.
Tòa Bạch Ốc vào tối Chủ Nhật (27/12 giờ Mỹ) đã phát đi thông cáo báo chí tuyên bố rằng Tổng thống Trump đã ký thành luật dự luật phân bổ ngân sách cho năm tài khóa 2021, trị giá tổng cộng 2,3 nghìn tỷ USD. Luật phân bổ ngân sách bao gồm rất nhiều các hạng mục, trong đó có khoản 900 tỷ USD cứu trợ kinh tế khắc phục hậu quả COVID-19, và một số đạo luật trong đó có Đạo luật Đảm bảo Đài Loan 2020 (Taiwan Assurance Act), Đạo luật Chính sách và Hỗ trợ Tây Tạng (Tibetan Policy and Support Act) và điều khoản liên quan đến Hồng Kông.
Đạo luật Đảm bảo Đài Loan có mục tiêu nhằm làm sâu sắc thêm các mối quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan. Đạo luật bày tỏ ủng hộ chiến lược quốc phòng về chiến tranh bất đối xứng của Đài Loan và khuyến khích đảo quốc này tăng cường chi tiêu quốc phòng. Đạo luật cũng kêu gọi bình thường hóa các gói vũ khí thường xuyên với Đài Loan để củng cố khả năng tự vệ của quốc gia Đông Á này.
Đạo luật nhấn mạnh việc Mỹ ủng hộ Đài Loan được tham gia một cách có ý nghĩa vào Liên Hiệp Quốc và các tổ chức trực thuộc Liên Hiệp Quốc như Hội đồng Y tế Thế giới (WHA), Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), và các tổ chức quốc tế khác mà không yêu cầu thành viên phải có tư cách quốc gia độc lập chính thức.
Đạo luật cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ soạn thảo một báo cáo đánh giá về những hướng dẫn của Bộ này cho các trao đổi với Đài Loan và trong vòng 180 ngày kể từ khi Đạo luật được thông qua, Ngoại trưởng Mỹ phải đệ trình báo cáo đó cho các Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện và Thượng viện.
Trong khi đó, Đạo luật Chính sách và Hỗ trợ Tây Tạng quy định rằng sự can thiệp của Trung Quốc vào việc lựa chọn người kế vị Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ bị coi là vi phạm tự do tôn giáo Tây Tạng. Đạo luật cho phép chính phủ Mỹ áp đặt các chế tài về kinh tế và thị thực lên các quan chức Trung Quốc có liên quan đến việc can thiệp vào người kế vị Đức Đạt Lai Lạt Ma, hiện đã 85 tuổi.
Đạo luật cũng cấm Trung Quốc thành lập bất kỳ lãnh sự quán mới nào ở Mỹ cho đến khi Washington được cấp phép việc thiết lập lãnh sự quán Hoa Kỳ ở thủ phủ Lhasa của Tây Tạng.
Đạo luật cũng chỉ đạo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tăng quyền hạn của điều phối viên đặc biệt đối với các vấn đề Tây Tạng.
Đối với Hồng Kông, luật phân bổ ngân sách 2021 của Mỹ sẽ bao gồm một báo cáo mới yêu cầu chính quyền Hoa Kỳ đưa ra đánh giá hàng năm về sự hiện diện của các lực lượng an ninh Trung Quốc đại lục trong thành phố, bao gồm cả việc sử dụng các công cụ giám sát và sự đóng góp của họ trong việc tăng cường “tự kiểm duyệt” ở đặc khu.
Trong số các biện pháp khác liên quan đến Trung Quốc, luật phân bổ ngân sách cũng bao gồm một điều khoản sẽ ngăn chặn các quỹ cứu trợ đại dịch chuyển hỗ trợ đến các công ty thuộc sở hữu một phần của các thực thể Trung Quốc hoặc có ban giám đốc bao gồm người Trung Quốc. Luật cũng có điều khoản chỉ đạo chính quyền Mỹ xác định liệu việc Bắc Kinh đối xử với các nhóm dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương có cấu thành tội ác chống lại loài người hay không.
Phản ứng với việc chính phủ Mỹ thông qua các đạo luật liên quan đến Đài Loan, Tây Tạng và Hồng Kông và các vấn đề khác, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trong buổi họp báo thường nhật hôm thứ Hai (28/12) đã lên tiếng phản đối, chỉ trích Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Đức Thiện
Xem thêm:
Từ khóa Đài Loan Tây Tạng Dòng sự kiện Hồng Kông