Blog: ĐCSTQ bị Ukraine ‘chiếu tướng’, vở kịch hòa giải sắp bị vạch trần
- Dương Uy
- •
Vào ngày 29/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã công khai mời Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Ukraine, điều này tương đương với nước cờ ‘chiếu tướng’ vào Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), khiến cho ông Tập Cận Bình, người vừa trở về sau chuyến thăm Moscow khó có thể đỡ được. Trừ khi ĐCSTQ dự định “đùa mà thành thật”, nếu không vở kịch đóng vai hòa giải sắp bị vạch trần.
Ukraine “chiếu đôi” ĐCSTQ
Chiêu này của Ukraine còn mang theo đường lui. Tại hội nghị trực tuyến “Thượng đỉnh dân chủ” thế giới ngày 28/3, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đưa ra đề xuất hòa bình 10 điểm của Ukraine, nhấn mạnh “Nga phải rút khỏi từng tấc đất lãnh thổ Ukraine”.
Điều này tương đương với việc đồng thời chiếu 2 tướng vào lãnh đạo ĐCSTQ, hay còn gọi là ‘chiếu đôi’ [trong cờ vua]. Bất kể lãnh đạo ĐCSTQ đến thăm Kyiv hay sắp xếp một cuộc gọi điện video, tiền đề của hòa giải hòa bình là yêu cầu quân đội Nga rút khỏi Ukraine. Nếu nhà lãnh đạo của ĐCSTQ không có ý định đưa ra tuyên bố như vậy, Ukraine sẽ không chấp nhận cái gọi là hòa giải của ĐCSTQ. Nước cờ ‘chiếu đôi’ của Ukraine có lẽ không có ý định ‘chiếu tướng’ ĐCSTQ, mà là để buộc ĐCSTQ phải ra khỏi trò chơi, nên ngừng việc tiếp tục cố gắng giả vờ làm người hòa giải.
Từ ngày đầu tiên của Chiến tranh Nga – Ukraine, ĐCSTQ chưa bao giờ lên án Nga xâm lược Ukraine. Hơn một năm sau, các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đến thăm Moscow và đưa ra tư thế đoàn kết với Nga để chống lại Mỹ. Để lôi kéo nước Nga, ít nhất ĐCSTQ đã hỗ trợ chính trị cho Điện Kremlin, chỉ là không dám công khai sự hỗ trợ của mình đối với quân đội Nga.
Tất nhiên, Ukraine biết lập trường thực sự của ĐCSTQ, ông Zelensky nói: “Chúng tôi sẵn sàng gặp ông ấy (Tập Cận Bình) tại đây”; đồng thời cũng nói: “Tôi muốn nói chuyện với ông ấy, tôi đã tiếp xúc với ông ấy trước khi cuộc chiến toàn diện bùng nổ; nhưng trong hơn một năm, tôi đã không gặp ông ấy.”
Quân đội Ukraine có lẽ là lực lượng có khả năng thu được bằng chứng cao nhất về sự hỗ trợ của ĐCSTQ đối với quân đội Nga trên tiền tuyến. ĐCSTQ ít nhất đã cung cấp cho quân đội Nga quân phục, khẩu phần lương thực và phương tiện dự phòng. Các máy bay không người lái của Iran mà quân đội Nga sử dụng có chứa các phụ kiện do ĐCSTQ cung cấp. Theo thông tin, các máy bay không người lái do ĐCSTQ cung cấp cho Nga cũng đã được tìm thấy. Ukraine không muốn ĐCSTQ công khai cung cấp cho Nga vũ khí và đạn dược ngày càng nhiều, vì vậy họ không có kế hoạch chia rẽ với ĐCSTQ trong thời điểm hiện tại; nhưng Ukraine cũng không thể chấp nhận việc ĐCSTQ công khai ủng hộ Nga dưới ngọn cờ của hòa giải.
Nước cờ ‘chiếu đôi’ của Ukraine cũng đang gây áp lực lên ĐCSTQ, cố gắng buộc ĐCSTQ không tiến xa hơn trên con đường ủng hộ Nga. Nếu Ukraine có thể giành được một chút nới lỏng thái độ của ĐCSTQ, thì họ có thể gây áp lực chính trị nào đó lên Điện Kremlin.
Vài ngày sau khi ông Tập rời Moscow, ông Putin tuyên bố sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Ông Zelensky giải thích, “Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là chuyến thăm này bất lợi cho Nga.”
Đội ngũ của Kyiv đã nhìn thấy đủ loại lo ngại đằng sau hoạt động tuyên truyền rầm rộ của ĐCSTQ về hợp tác Trung – Nga, và đã tận dụng nó mà không để mất cơ hội.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ĐCSTQ lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan khác
Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ ngày 29/3, một nửa số câu hỏi liên quan đến Ukraine.
Một phóng viên Nga đã hỏi: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP hôm nay, rằng ông sẵn sàng gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc ở Ukraine. Trung Quốc bình luận gì? Trung Quốc có sẵn sàng trao đổi với Ukraine?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Mao Ninh chỉ cho biết: “Chúng tôi đã duy trì liên lạc với các bên liên quan bao gồm cả Ukraine. Về các vấn đề cụ thể mà bạn đề cập, tôi không có thông tin để cung cấp.”
Một phóng viên khác hỏi: “Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã mời lãnh đạo Trung Quốc đến thăm Ukraine. Hơn một năm kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, các nhà lãnh đạo của Ukraine và Trung Quốc đã không liên lạc với nhau. Phía Trung Quốc liệu có chấp nhận hoặc có kế hoạch chấp nhận lời mời?”
Bà Mao Ninh cũng lại nói: “Không có thông tin để cung cấp.”
Phóng viên truy vấn: “Ông Zelensky nói rằng ông đã không có bất kỳ liên lạc nào với Trung Quốc kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra hơn một năm. Phát ngôn viên có bình luận thế nào về vấn đề này?”
“Trung Quốc đã nhận được lời mời chính thức từ Tổng thống Zelensky chưa?”
Bà Mao Ninh chỉ đơn giản nói: “Tôi không biết về tình hình.”
Các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ có thể không có cách ứng phó, Bộ ngoại giao của ĐCSTQ không dám trả lời, dứt khoát không biết, ngay cả việc liệu đã nhận được lời mời của Ukraine hay chưa, người phát ngôn cũng nói không biết.
Một phóng viên khác hỏi: Hai vận động viên đấu kiếm Ukraine đã bị ngăn không cho treo biểu ngữ phản đối chiến tranh tại một sự kiện ở Nam Kinh vào Chủ nhật. Phía Trung Quốc phản hồi thế nào về việc này? Có phải các vận động viên Ukraine không được phép bày tỏ quan điểm của họ về cuộc xung đột Nga – Ukraine ở Trung Quốc?
Bà Mao Ninh đầu tiên nói: “Tôi không hiểu tình huống cụ thể mà bạn đề cập”, sau đó nói thêm, “Chúng tôi luôn phản đối việc chính trị hóa thể thao.”
Câu trả lời này này đã lộ tẩy. ĐCSTQ vẫn luôn giả vờ nói “hòa bình” và “ngừng chiến tranh”, nhưng nó không cho phép các vận động viên Ukraine trưng bày các biểu ngữ phản chiến.
Điện Kremlin đã cho thấy mình lão luyện hơn ĐCSTQ. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Chúng tôi biết lập trường cân bằng của Trung Quốc” và “tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ đưa ra quyết định của riêng họ dựa trên lợi ích của một số liên hệ nhất định”.
Điện Kremlin đã đá quả bóng sang cho ĐCSTQ, trong lời nói của mình, ông để lộ sự thất vọng nhất định đối với ĐCSTQ. Khẩu hiệu “những thay đổi chưa từng thấy trong một thế kỷ” của ĐCSTQ rất cao, nhưng các hành động thực tế của nó lại là có hạn, còn phải che giấu nữa.
Ukraine không muốn bị ĐCSTQ chơi xỏ
Người Ukraine trong ngọn lửa chiến tranh đang trải qua sự đối đầu khốc liệt giữa quốc gia với quốc gia, nếu không có sự hỗ trợ của NATO, Ukraine có thể đã mất nước. Ukraine đã trở thành tiền tuyến của cuộc đối đầu giữa NATO và Nga, với sự hỗ trợ của NATO, người Ukraine đang nỗ lực đánh đuổi quân đội Nga và giành lại vùng đất đã mất.
Các nhà lãnh đạo của Kyiv cũng đã nhìn thấy một cuộc đối đầu khác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, ĐCSTQ đang cố gắng sử dụng chiến trường Nga – Ukraine làm bình phong cho cuộc đối đầu Trung – Mỹ, nhưng Ukraine tuyệt đối không muốn trở thành chiến trường cho ĐCSTQ.
Vào tối ngày 22/3, ông Tập Cận Bình nói với ông Putin tại cổng Điện Kremlin, “Hiện tại là sự biến đổi cục diện trăm năm chưa từng có, chúng ta cùng thúc đẩy sự thay đổi này”.
Câu này có nghĩa là Trung Quốc và Nga đang có kế hoạch chia cắt thế giới. Trong kế hoạch “sự biến đổi cục diện trăm năm chưa từng có” của ĐCSTQ, họ muốn tranh giành quyền bá chủ ở Thái Bình Dương với Mỹ, đồng thời hy vọng Nga sẽ kìm chân NATO và Mỹ trên chiến trường Ukraine. ĐCSTQ ủng hộ Nga tiến về phía tây và chiếm đóng Ukraine. Người Ukraine hiểu hàm ý này, và tất nhiên họ không muốn bị đưa vào trong “sự biến đổi cục diện trăm năm chưa từng có” của ĐCSTQ.
ĐCSTQ giả vờ làm trung gian hòa giải cuộc chiến giữa Nga và Ukraine nhằm mở rộng ảnh hưởng quốc tế, Ukraine biết rằng họ không thể trông chờ vào sự ủng hộ của ĐCSTQ, nhưng họ tuyệt đối không muốn bị ĐCSTQ bỡn cợt như thế này.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người ủng hộ khuôn khổ hòa bình do Ukraine đề xuất, cho biết: “Tất cả chúng ta phải rất ý thức và cảnh giác với những nỗ lực dường như có thiện ý, chẳng hạn như kêu gọi ngừng bắn, điều này có thể có tác dụng đóng băng xung đột và cho phép Nga củng cố những gì đã đạt được, sử dụng thời gian đó để nghỉ ngơi và điều chỉnh, rồi tấn công lại.”
Đây chính xác là bàn tính như ý của ĐCSTQ.
Ngày 24/3, Tân Hoa Xã đăng bài bình luận “Bắc Kinh – Moscow, khoảnh khắc bắt tay khiến thế giới chú ý – ghi lại chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của [Chủ tịch] Tập Cận Bình sau khi tái đắc cử”. Một tiêu đề nhỏ của bài viết là “Đến vì hòa bình”, và nội dung liên quan có nói rằng: “Khủng hoảng Ukraine kéo dài và leo thang khiến thế giới lo lắng”; tại thời điểm quan trọng này, “Chuyến thăm này là sự kiện có sức ảnh hưởng địa chính trị lớn nhất trong năm nay, nêu bật tầm hình tượng quốc tế của Trung Quốc vai trò là ‘người xây dựng hòa bình'”.
Bài viết cũng cho rằng ý nghĩa và ảnh hưởng của quan hệ Trung – Nga “vượt xa phạm vi quan hệ song phương, nó có ý nghĩa quyết định đối với cấu trúc thế giới cũng như tương lai và vận mệnh của nhân loại.”
Việc ĐCSTQ muốn hòa giải là giả, đang cố gắng thúc đẩy “những thay đổi trăm năm chưa từng có” mới là thật. Làm sao ĐCSTQ có thể hy vọng rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ lắng xuống?
Ngày 23/3, tờ Nhân dân nhật báo cũng đăng bài bình luận “Hành trình hữu nghị, hợp tác và hòa bình mà thế giới chú ý – Chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Nga”. Bài viết dẫn lời ông Tần Cương, bộ trưởng ngoại giao của ĐCSTQ, nói rằng, “Ai đang đưa dao và cung cấp lửa, ai đang nỗ lực thúc đẩy hòa bình và đàm phán, thế giới đều thấy rõ ràng”.
Lãnh đạo các nước lớn trên thế giới đã đến thăm Kyiv, nhưng lãnh đạo ĐCSTQ, được gọi là “ngoại giao nước lớn”, trong hơn một năm qua đã chưa từng điện đàm với nhà lãnh đạo Ukraine. Hiện nay, Kyiv mời nhà lãnh đạo của ĐCSTQ đến thăm, và đưa ra tiền đề của cuộc đàm phán hòa bình là “Nga phải rút khỏi từng tấc đất của lãnh thổ Ukraine”; ĐCSTQ bị ‘lưỡng chiếu’, vở kịch hòa giải sắp bị vạch trần.
Từ khóa quan hệ Nga - Trung Quốc Dòng sự kiện Nga xâm lược Ukraine Chiến tranh Nga - Ukraine Tập Cận Bình