ĐCSTQ khiến quân Nga bỏ qua “vũ khí bí mật” của Ukraine?
- Trương Đình
- •
Về cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine, giới chuyên gia có quan điểm cho rằng giới chỉ huy quân sự của Nga đã không chú ý tới một loại vũ khí “độc đáo nhưng hiệu quả” trong kho vũ khí của Ukraine: mùa đường bẩn.
Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2, đúng vào thời điểm mà người dân địa phương Ukraine gọi là “mùa đường bẩn”. Hiện tượng này ở Ukraine xảy ra mỗi năm 2 lần: lần đầu vào mùa xuân khi băng giá của mùa đông tan khiến địa hình và những con đường không trải nhựa ở Ukraine trở nên lầy lội, làm phương tiện đi lại gần như không thể vượt qua; lần thứ hai là vào mùa thu khi mùa này thường có mưa lớn.
Truyền thông Mỹ CNBC cho biết, các chuyên gia quân sự chỉ ra chính lớp bùn này làm chậm bước tiến của quân đội Nga ở các vùng của Ukraine, đặc biệt là ở phía bắc. Các hình ảnh và video lan truyền trên mạng cho thấy xe tăng, xe tải và các loại xe bọc thép khác của Nga mắc cạn trên những con đường hoặc cánh đồng lầy lội của Ukraine khiến quân Nga phải bỏ xe.
Điều này đã làm dấy lên một số hoài nghi trong giới phân tích và chuyên gia quân sự Nga, họ cho rằng lẽ ra các chỉ huy Nga phải chuẩn bị tốt hơn về điều kiện mặt đất và có thể tránh được những rắc rối do địa hình lầy lội ở Ukraine vào mùa xuân.
Không có gì lạ khi những con đường đất cản trở bước tiến của các cuộc tấn công quân sự, vấn đề này đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử: cuộc xâm lược năm 1812 của Napoléon vào Đế quốc Nga cũng đã bị những con đường lầy lội cản trở; quân đội của Hitler cũng vậy, vào năm 1941 khi xâm lược Liên bang Xô Viết đã gặp phải khó khăn vì bùn lầy và địa hình bất lợi tương tự vấn đề quân đội Nga phải đối mặt tại Ukraine trong vài tuần qua.
Giới chuyên gia cho rằng theo lý thì quân đội Nga phải tính toán được về những điều kiện phải đối mặt như thế.
“Bùn ở Ukraine, trong ngôn ngữ Nga gọi là ‘rasputitsa’, là thời kỳ sau mùa đông khiến đường xá rất khó băng qua… Hàng trăm năm vấn đề này đã luôn thế, bản thân lãnh đạo quân sự người Pháp Napoleon hồi thế kỷ 18 cũng đã gặp phải trong cuộc chinh chiến. Do đó điều kiện này thành lợi thế lớn đối với Ukraine, đặc biệt quan trọng ở phía bắc Ukraine có nhiều cây cối hơn”, Maximilian Hess – một thành viên tại Viện Chính sách Đối ngoại nói với CNBC.
Mặc dù trước cuộc xâm lược quân Nga đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự. Giới phân tích quân sự chỉ ra rằng Nga đã đạt được tiến bộ ở miền nam và miền đông Ukraine trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, nhưng không đạt được tiến bộ tương tự ở miền bắc – nơi các lực lượng của họ hiện đã rút lui và giờ đây tập trung ở miền đông Ukraine. Tất cả vấn đề cho thấy quân Nga có vấn đề về kế hoạch, chuẩn bị và kỹ năng chiến thuật trong chỉ huy quân sự và binh lính, trong đó nhiều người là tân binh.
Tờ New York Times ngày 2/3 tiết lộ một báo cáo tình báo phương Tây chỉ ra, vào đầu tháng Hai giới chức cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã yêu cầu giới chức cấp cao Nga rằng không xâm lược Ukraine trước khi Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh chưa kết thúc. Vì phía Trung Quốc lo ngại chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ trong thời gian từ 4 – 20/2 sẽ phủ bóng đen lên Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.
Các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết họ rất khó tin chuyện Putin chờ đến đến sau Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh kết thúc mới bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine chỉ là vấn đề trùng hợp. Nhớ lại hồi tháng 8/2008, giới chức ĐCSTQ từng phẫn nộ khi Nga xâm lược Gruzia ngay dịp diễn ra Thế vận hội Mùa hè ở Bắc Kinh.
Sam Cranny-Evans, một nhà phân tích nghiên cứu tại tổ chức tư vấn quốc phòng RUSI (Anh), nói với CNBC rằng hầu hết các xe quân sự của Nga vốn có thể vượt qua những con đường lầy lội của Ukraine, nhưng vấn đề nảy sinh khi nhiều xe sử dụng loại bánh xích như nhau [đi chồng theo một con đường], đó là vấn đề có thể dự đoán được đối với bất kỳ chỉ huy quân sự nào có hiểu biết cơ bản về “cơ học địa hình” hoặc “tương tác giữa đất và xe”.
Ông nói: “Rất nhiều xe của họ không có vấn đề khi băng qua đường bùn, miễn là vết xe không đi chồng nhau trong một con đường”.
Craney-Evans cũng chỉ ra nhiều yếu tố khác hạn chế tính cơ động của quân Nga hơn, như việc Nga phụ thuộc vào đường sắt và đường bộ trong các vấn đề hậu cần, thêm nữa là quy mô chiến dịch chống trả của Ukraine trở thành thách thức bất ngờ đối với cỗ máy chiến tranh của Nga, điều này đặc biệt hơn đối với quân đội Nga khi càng tiến sâu như đến tận miền bắc Ukraine.
Từ khóa Xe tăng Nga Bùn lầy Ukraine Nga xâm lược Ukraine Chiến tranh Nga - Ukraine