Mỹ điều quân tới Australia, Nga đưa xe tăng áp sát biên giới Bắc Hàn
- Xuân Thành
- •
Căng thẳng tại Bắc Triều Tiên tiếp tục leo thang khi Hoa Kỳ hôm thứ Ba (18/4) cho chuyển sớm quân tới căn cứ Darwin (Australia). Trong khi, cùng thời điểm đó, Nga cũng đã điều xe tăng, tên lửa tới thành phố Vladivostok, chỉ cách biên giới Bắc Hàn khoảng 13km.
Mỹ tăng thêm quân tại Australia
Tờ DailyMail (Anh), dẫn lời từ quan chức Hoa Kỳ giấu tên, cho biết hơn 1.200 thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và 13 máy bay quân sự hùng mạnh đã tới căn cứ Darwin của Mỹ, đóng tại Australia, “sẵn sàng chiến đấu” khi căng thẳng ở Bắc Triều Tiên leo thang.
Toán thủy quân lục chiến đầu tiên này đã đến khu vực miền Bắc, Australia vào hôm thứ Ba (18/4) với nhiệm vụ đồn trú 6 tháng tại đây. Họ sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung với các lực lượng quân sự của Australia và tổ chức các chuyến thăm giao lưu quân sự tới Trung Quốc.
Chương trình này, cựu Tổng thống Barack Obama đã triển khai hàng năm từ năm 2011, là một phần của chiến lược “xoay trục” châu Á vào thời điểm Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng trong khu vực.
Sau khi các toán quân đầu tiên đã tới vùng lãnh thổ miền Bắc, chỉ huy trưởng thủy quân lục chiến Brian Middleton đã nói rằng: “Tôi nghĩ rằng cam kết mà chúng tôi đã thực hiện để đưa một lực lượng đặc nhiệm tới đây và với việc ngày càng tăng cường đối thoại trong những năm qua cho thấy chúng tôi coi đây là một khu vực quan trọng”.
“Vị trí Đông Thái Bình Dương, nơi gần với Đông Nam Á và Ấn Độ Dương, luôn luôn quan trọng”. Ông Middleton nói thêm.
Việc mới triển khai được 1250 quân tới Darwin là vẫn bị chậm so với kế hoạch đưa 2500 lính thủy đánh bộ tới đây vào năm nay. Tuy nhiên, đây cũng đã là lực lượng lính thủy đánh bộ và chiến đấu cơ Mỹ lớn nhất tới Australia trong thời bình.
Ông Middleton cho biết 13 chiếc máy bay chiến đấu, bao gồm máy bay trực thăng Ospreys, Super Cobra và Huey. Bộ ba chiến đấu cơ này, đã từng được triển khai trong 4 lần trước, là “dấu hiệu rõ ràng về cam kết của chúng tôi đối với đối tác khu vực này”.
Chỉ huy thủy quân lục chiến Mỹ cũng nói thêm rằng việc điều động đội phi cơ chiến đấu tới đây sớm hơn lịch trình hàng năm là do căng thẳng đang leo thang ở Bắc Triều Tiên.
“Bất kể tình huống gì, tôi nghĩ rằng đó là động thái tốt để chúng tôi có thể tăng cường quan hệ đối tác và liên minh bền vững lâu dài giữa hai nước. Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng trong đêm”. Ông Middleton khẳng định.
Việc triển khai quân sự nêu trên đến khi Thủ tướng Australia, Malcolm Turnbull cũng đã lên án chế độ Bắc Triều Tiên hủ bại là một mối đe dọa “liều lĩnh” và “nguy hiểm” đối với an ninh của Australia.
“Chế độ Bắc Triều Tiên là một mối đe dọa cho hòa bình trong khu vực”, ông Turnbull nói với các phóng viên tại Canberra hôm thứ Ba (18/4).
“Đây là một mối đe dọa đối với tất cả các nước láng giềng trong khu vực, và nếu Bắc Hàn có thể phát triển một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể đi xa tới Hoa Kỳ hoặc vươn tới Australia, thì rõ ràng nó có thể đe dọa Canberra và cả Washington”. Thủ tướng Austrailia tỏ rõ sự lo lắng về mói đe dọa Bắc Hàn.
Nga đưa tên lửa, xe tăng áp sát biên giới Bắc Hàn
Trước các động thái Mỹ tăng cường quân sự và gây sức ép ngày càng mạnh lên Bắc Hàn. Nga sau thời gian đầu “im lặng” đã cho thấy những phản ứng mạnh mẽ đầu tiên trên thực địa.
Tờ Dailystar (Anh), cho biết Nga đã chuyển vũ khí về phía thành phố Vladivostok, chỉ cách biên giới Bắc Hàn khoảng 13km.
Đồng thời, gần đây cả Nga và Trung Quốc đều thông báo đã gửi các tàu quân sự bám sát theo hạm đội hải quân Hoa Kỳ được gửi đến đe dọa Bắc Triều Tiên từ 2 tuần trước.
Mặc dù chính phủ Nga chưa chính thức xác nhận thông tin chuyển quân này, nhưng những người dân sống ở thành phố biên giới đã phát hiện xe tăng và tên lửa di chuyển tới đây và họ đã đăng các hình ảnh này lên các phương tiện truyền thông xã hội.
Theo các báo cáo, các hình ảnh đăng tải về đoàn xe cho thấy trong đó có tám tên lửa đất đối không, tất cả đều thuộc Quân đội phòng không Nga.
Tổng thống Vladimir Putin cũng đã có căn cứ hải quân lớn ở Vladivostok.
Động thái này của Nga được đưa ra sau khi các chuyên gia hàng đầu cảnh báo rằng Bắc Triều Tiên sẽ có tới 60 vũ khí hạt nhân chỉ trong vòng ba năm tới nếu không có hành động ngăn chặn khẩn cấp.
Kim Jong-un cũng liên tục cảnh báo Bắc Triều Tiên chuẩn bị cho cuộc chiến tranh toàn diện với Mỹ.
Ngược lại, Mỹ cũng cho đăng tải cảnh quay của máy bay chiến đấu Mỹ chuẩn bị cho trận chiến như là một cảnh báo đáng sợ đối với chế độ Kim Jong Un.
Ông Trump được đồn đoán là đang “chuẩn bị tấn công” trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng đối với vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.
Với việc xuất hiện cảnh Nga chuyển quân tới Vladivostok, nhiều người lo ngại rằng Bắc Triều Tiên có thể trở thành “ngòi nổ” cho một cuộc xung đột liên quan đến Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga.
Cả Trung Quốc và Nga đều coi Bắc Triều Tiên là một quốc gia đệm cần thiết và cần giữ ổn định Bắc Hàn để đảm bảo an ninh quốc gia của chính họ.
Động thái này của Nga đến chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết mối quan hệ giữa Washington và Moscow đang ở mức “điểm thấp“.
Bắc Hàn thành lập lực lượng đặc nhiệm và triển khai “phi đội tàng hình”
Trước áp lực ngày càng tăng cao từ phía Mỹ, Bắc Hàn ngoài việc sẵn sàng thử thêm hạt nhân và tên lửa, đồng thời liên tục dùng lời lẽ hiếu chiến đe dọa, chính quyền Kim Jong Un cũng đang có những bước chuẩn bị quân sự cần thiết để đối phó với quân đội Mỹ và đồng minh.
Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) cho biết Bắc Triều Tiên vừa thành lập lực lượng tác chiến đặc nhiệm. Lực lượng này cũng đã xuất hiện trong đại lễ duyệt binh ở thủ đô Bình Nhưỡng vừa qua nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành.
Các quân nhân thuộc lực lượng tác chiến đặc nhiệm tham gia diễu hành với khuôn mặt được bôi kem ngụy trang màu đen, đeo kính đen.
Họ cũng khoác trên người một kiểu súng trường mới được trang bị tính năng phóng lựu đạn. Trên những chiếc mũ của họ cũng có gắn kính nhìn xuyên đêm.
Tướng Kim Yong-bok, cựu chỉ huy quân sự của đơn vị 11 của Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) được cho là sẽ trở thành tư lệnh mới của lực lượng tác chiến đặc biệt vừa thành lập, nếu căn cứ vào cách truyền thông Bắc Hàn đề cập tới tên ông trong lễ duyệt binh.
Ngoài việc xuất hiện lực lượng đặc nhiệm mới này, tờ Dailystar (Anh) cũng cho biết Bắc Hàn triển khai “phi đội tàng hình” để né tránh radar của Mỹ trong trường hợp chiến tranh.
Theo Dailystar , chi phí cho mỗi máy bay ném bom “phi đội tàng hình” của nước này chỉ ở mức 30.000 bảng.
Các nhà máy quốc phòng sẽ loại bỏ các bộ phận bằng kim loại của máy bay hai cánh Antonov (An-2) – thường được dùng để phun thuốc trừ sâu tại châu Âu. Sau đó họ thêm chân vịt bằng gỗ và bọc vải.
Bắc Hàn hy họng rằng việc ngụy trang này sẽ giúp các chiến đấu cơ cũ kỹ này có thể qua mắt được các máy quét ra đa tối tân của kẻ thù khi chiến tranh nổ ra.
Trước các động thái của các bên ngày càng đẩy căng thẳng dâng cao trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc vẫn giữ lập trường kêu gọi các bên kiềm chế, tránh dẫn tới xung đột.
Trung Quốc đã kêu gọi Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên quay trở lại đàm phán.
Hôm thứ Sáu (14/4), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo rằng “xung đột có thể bùng phát bất cứ lúc nào“.
Ông nói: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế không khiêu khích và đe dọa lẫn nhau và không để cho tình hình trở nên không thể đảo ngược và không thể kiểm soát“.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ, Mike Pence, đã đe dọa Mỹ sẽ “phản ứng áp đảo” nếu Kim Jong-un sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ở trong nước, Hoa Kỳ cũng đã có những bước chuẩn bị nội bộ sẵn sàng cho cuộc chiến Triều Tiên. Các nhà lập pháp tiểu bang Hawaii đang chủ trương tái khởi động kế hoạch an ninh khẩn cấp của tiểu bang để chuẩn bị cho khả năng đối mặt với cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân từ Bắc Hàn.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Bắc Hàn căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên