Điều tra của EU cáo buộc nhà họ Tập trục lợi trong trợ cấp lĩnh vực xe điện
- Vision Times
- •
Liên minh châu Âu (EU) đã mở cuộc điều tra về việc Trung Quốc trợ cấp không công bằng cho xe điện, vạch trần trò trục lợi của gia đình lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình liên quan mắt xích quan trọng là Daniel Foa – con rể người nước ngoài của nhà họ Tập. Về vấn đề này, Vision Times đã phỏng vấn ông Ngô Văn Hân (Wu Wenxin) trú tại Đức, là chuyên gia về Trung Quốc của Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế (ISHR).
EU điều tra trợ cấp không công bằng cho xe điện Trung Quốc
Đài VOA đưa tin, hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-EU sẽ được tổ chức vào tháng 12, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel sẽ tới Bắc Kinh giải quyết vấn đề thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc với EU, trong đó gồm vấn đề trợ cấp kinh doanh xe điện.
Thông tin từ tổ chức cố vấn “Trung tâm phân tích chính sách châu Âu” (CEPA) của Mỹ cho biết, trong bài phát biểu về chính sách ngày 16/11, bà von der Leyen đã mạnh mẽ phàn nàn rằng Chính phủ Trung Quốc đã trợ cấp cao cho ngành công nghiệp xe điện, khiến thị trường châu Âu tràn ngập sản phẩm ô tô điện giá rẻ của Trung Quốc.
Hiện tại, EU đang mở cuộc điều tra về việc trợ cấp không công bằng cho xe điện Trung Quốc.
Bà von der Leyen cho biết trong bài phát biểu: “Đây là hành động có chủ ý trong chính sách của Trung Quốc. Chính sách công nghiệp của họ ngày nay không chỉ tạo ra nhiều đối tác cạnh tranh công nghiệp hơn, còn khiến lĩnh vực được bảo hộ gây sản xuất dư thừa đã bán phá giá trên thị trường quốc tế, qua đó có thể làm suy yếu nền tảng công nghiệp của chúng ta”.
Phanh phui liên quan con rể nhà họ Tập
Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu đưa tin rằng gia đình ông Tập Cận Bình có liên quan đến việc mở rộng ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc, qua trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc xây dựng các nhà máy sản xuất xe điện mới để thu về lợi ích.
Nhân vật chủ chốt là Daniel Foa, cháu rể người nước ngoài của nhà họ Tập, người này kết hôn với Ngô Nha Ngưng – con của em gái của ông Tập Cận Bình là bà Tề An An. Mùa hè năm ngoái, Daniel Foa bất ngờ trở thành tâm điểm chú ý khi nhà sản xuất ô tô điện khởi nghiệp Fisker của Mỹ đang gặp khó khăn, tuyên bố thành lập trung tâm phân phối ở Thượng Hải và bổ nhiệm Daniel Foa làm thành viên ban giám đốc Trung Quốc.
Chuyên gia vấn đề Trung Quốc Ngô Văn Hân cho hay, khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông muốn tạo ấn tượng rằng ông là người trong sạch, do đó cố tình tuyên bố công khai không cho phép các thành viên trong gia đình tham gia kinh doanh, nhưng sự việc của Daniel Foa như ‘vỗ vào mặt’ của ông Tập Cận Bình.
Ông Ngô cho biết hoạt động kinh doanh của Daniel Foa liên quan đến việc mở rộng ngành công nghiệp xe điện, thậm chí có mục tiêu cạnh tranh với Tesla của ông Musk, Daniel Foa đã trở thành thành viên ban giám đốc một nhà sản xuất ô tô điện khác của Mỹ là Fisker: “Tôi từng nói thủ đoạn ‘binh bất yếm trá’ của ĐCSTQ, họ không chỉ dùng cách đó để đối phó với Mỹ mà còn với người dân Trung Quốc. Con rể người nước ngoài của nhà họ Tập là Daniel Foa có tài sản khổng lồ nhờ kinh doanh dưới bảo kê từ hệ thống quyền lực chính trị ĐCSTQ”.
Nhà họ Tập cưỡng chiếm thị trường quốc tế
Gia đình ông Tập Cận Bình bị phát hiện trục lợi trong chính sách trợ cấp xe điện như thế nào? Ông Ngô Văn Hân nói rằng câu chuyện này rất đáng chú ý: “ĐCSTQ muốn chiếm lĩnh thị trường xe điện thế giới, cách tiếp cận thông thường của họ là thúc đẩy cuộc chiến về giá (price war) với sự hỗ trợ của giới quyền lực ĐCSTQ”.
EU nhận thấy số lượng lớn xe điện giá rẻ của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường châu Âu, cảm thấy vấn đề đó rất đáng nghi nên đã thành lập một đội đặc biệt để điều tra.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen cho biết: “Trung Quốc rõ ràng có năng lực sản xuất dư thừa và xuất khẩu năng lực sản xuất dư thừa này, đặc biệt khi năng lực sản xuất dư thừa này được trợ cấp trực tiếp và gián tiếp”.
Ông Ngô chia sẻ cuộc điều tra của EU cáo buộc gia đình nhà họ Tập có liên quan đến việc mở rộng ngành công nghiệp xe điện, đã thu lợi từ chính sách trợ cấp nhà nước cũng như xây dựng nhà máy mới, trong đó nhân vật chủ chốt chính là Daniel Foa. Phía công ty Fisker cho biết, trong năm nay đội ngũ quản lý của họ đã gặp các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc tại Thượng Hải để thảo luận về chuỗi cung ứng ô tô, hậu cần, kho bãi và các vấn đề sản xuất trong tương lai – những dự án như vậy thường yêu cầu giấy phép của chính phủ, trợ cấp và ưu đãi thuế.
Tham nhũng trong ĐCSTQ: Tập Cận Bình cũng không ngoại lệ
Ông Ngô Văn Hân cho rằng tất cả các quan chức của ĐCSTQ đều tham nhũng, nhiều người trong số họ thường rửa tiền thông qua người nhà hoặc người thân. Ông ví dụ, một giáo sư từng tiết lộ rằng con trai của Lưu Thiếu Kỳ là Lưu Nguyên đã bí mật nhờ ông giáo sư làm “sân sau”, ông giáo sư đã giúp Lưu Nguyên kiếm được rất nhiều tiền và bản thân ông giáo sư cũng trở thành tỷ phú.
Đài RFI Pháp đưa tin vào ngày 4/4/2016, trong tài liệu một công ty luật Panama bị lộ đã cho thấy các lãnh đạo ĐCSTQ bao gồm cả gia đình Tập Cận Bình đã tận dụng các thiên đường thuế quốc tế để che giấu tài sản của họ.
Anh rể của ông Tập Cận Bình là ông Đặng Gia Quý vào năm 2009 đã thành lập hai công ty ở Quần đảo Virgin thuộc Anh, khi đó ông Tập chưa trở thành lãnh đạo quốc gia, và còn vẫn là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Gia đình Tập Cận Bình bị phanh phui làm ăn ở nước ngoài qua lợi dụng “thiên đường trốn thuế” quốc tế.
Ngoài ra, một báo cáo điều tra do Bloomberg công bố năm 2012 tiết lộ khối tài sản khổng lồ của gia đình Tập Cận Bình, khi ông Tập còn là phó chủ tịch nước thì ông đã có khối tài sản 376 triệu USD, một phần trong số đó do người anh rể Đặng Gia Quý kiểm soát.
Tài liệu bí mật cũng tiết lộ con gái Lý Tiểu Lâm (Li Xiaolin) của cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng (Li Peng) là người thụ hưởng một công ty quỹ ở nước Liechtenstein, công ty quỹ này kiểm soát một công ty đăng ký tại Quần đảo Virgin thuộc Anh.
“Vì vậy, hoàn toàn không quá lời khi nói rằng không có quan chức nào của ĐCSTQ không tham nhũng, Tập Cận Bình cũng không ngoại lệ”, ông Ngô Văn Hân nói.
Ông Ngô cũng chỉ ra rằng điều xảo trá nhất của ĐCSTQ là trò “vừa ăn cướp vừa la làng”. Từ khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình đã vào vai anh hùng chống tham nhũng để dưới danh nghĩa này bỏ tù hàng loạt đối thủ như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu…, thế nhưng bản thân ông Tập lại trục lợi khổng lồ thông qua cháu rể người nước ngoài.
“Nếu tham nhũng là nguyên nhân thực sự thì 99,9% quan chức ĐCSTQ nên bị bắt bỏ tù. Điều này chứng tỏ Tập Cận Bình không thực sự chống tham nhũng. Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang bị bắt vì muốn tiến hành đảo chính và lật đổ Tập Cận Bình”, ông Ngô khẳng định.
Daniel Foa – người nước ngoài có mối quan hệ tốt nhất với Trung Quốc
Theo báo cáo của Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, Daniel Foa lớn lên ở Wimbledon – Anh, chuyển đến Trung Quốc vào năm 2005, tham gia một loạt dự án liên doanh về năng lượng sạch, sau đó kết hôn với cháu gái của ông Tập Cận Bình là cô Ngô Nha Ngưng.
Tờ Storm Media (Đài Loan) đưa tin, tờ Telegraph của Anh cách đây 10 năm đã gọi Daniel Foa là “người nước ngoài có quan hệ tốt nhất với Trung Quốc”. Từ hồi ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ thì Daniel Foa đã có khả năng tổ chức được bữa tối trong phòng tiệc của Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh – điều mà những người bình thường không thể làm được, khách mời bao gồm cựu Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Maurice Strong và Chủ tịch Martin Bloom của Tập đoàn ReneSola.
Từ khóa Tập Cận Bình xe điện Trung Quốc Dòng sự kiện Daniel Foa