Đức chỉ trích lời kêu gọi “giương cờ trắng” của Giáo hoàng, Ukraine tỏ ra thất vọng
- Trí Đạt
- •
Chính phủ Đức hôm thứ Hai đã chỉ trích mạnh mẽ lời kêu gọi “giương cờ trắng” để đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine của Giáo hoàng Francis.
Giáo hoàng Francis đã sử dụng cụm từ “can đảm giương cờ trắng” để nói về tình hình ở Ukraine trong cuộc phỏng vấn được ghi âm với đài phát thanh tiếng Ý RSI của Thụy Sĩ được phát sóng vào thứ Bảy tuần trước.
“Đó là một cách diễn giải,” Giáo hoàng nói. “Nhưng tôi nghĩ rằng người mạnh mẽ nhất là người nhìn thấy được tình hình, nghĩ đến người dân và có lòng dũng cảm cầm cờ trắng, và là người đàm phán”.
Giáo hoàng lập luận: “Khi bạn thấy mình bị đánh bại, mọi việc không diễn ra tốt đẹp, bạn phải có can đảm để đàm phán”, đồng thời nói thêm rằng “đàm phán không bao giờ có nghĩa là đầu hàng, mà là lòng dũng cảm để không dẫn đất nước đến chỗ tự sát”.
“Có thể sẽ xấu hổ, nhưng cuối cùng sẽ có bao nhiêu người chết? Hãy đàm phán kịp thời, tìm kiếm các nước để hòa giải”, Giáo hoàng nói.
Giáo hoàng còn nói thêm rằng nhiều quốc gia muốn giúp chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Về vấn đề này, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình công cộng của đài truyền hình Đức vào tối cuối tuần trước, rằng bà cho rằng một số sự việc chỉ có thể tận mắt chứng kiến thì mới có thể hiểu được. Kể từ khi bắt đầu chiến tranh Nga-Ukraine, bà đã đến thăm Kiev nhiều lần. Bà nhấn mạnh phải sát cánh cùng Ukraine và làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng Ukraine có thể tự vệ.
Một phát ngôn viên của Chính phủ Đức cũng cho biết hôm thứ Hai rằng Thủ tướng Scholz “không đồng ý với quan điểm của giáo hoàng”.
Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebestreit nói thêm rằng Ukraine đang chiến đấu chống lại những kẻ xâm lược, đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế và đang hành động trong khuôn khổ quyền tự vệ theo luật pháp quốc tế.
Đức là nước viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ.
Các bộ trưởng ngoại giao của Ukraine và Ba Lan hôm Chủ Nhật (10/3) đã chỉ trích ngôn luận của Đức giáo hoàng.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Ukraine “sẽ quyết không đầu hàng”.
Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố: “Vào ngày 11/3, do tuyên bố gần đây của Đức Giáo hoàng Francis trên các phương tiện truyền thông đại chúng, ông Visvaldas Kulbokas, Đại sứ Tòa Thánh tại Ukraine, đã được mời đến thăm Bộ Ngoại giao Ukraine. Ông Kulbokas được cho biết rằng Ukraine thất vọng trước những ngôn luận của Giáo hoàng về ‘cờ trắng’ và việc cần phải ‘thể hiện lòng dũng cảm và tiến hành đàm phán’ với kẻ xâm lược.”
Bộ Ngoại giao Ukraine cũng chỉ ra rằng: “Người đứng đầu Tòa thánh không nên kêu gọi hợp pháp hóa cường quyền và khuyến khích việc coi thường các quy tắc của luật pháp quốc tế hơn nữa, mà nên gửi tín hiệu tới cộng đồng quốc tế rằng phải hành động ngay lập tức. Đồng tâm hiệp lực đảm bảo rằng cái thiện sẽ chiến thắng cái ác và nên đưa ra lời kêu gọi đối với kẻ tấn công thay vì đối với người bị hại”.
Đồng thời nhấn mạnh: “Đất nước chúng tôi cũng như bất kỳ quốc gia nào khác, dốc sức cho nền hòa bình. Tuy nhiên, nền hòa bình này phải công bằng và dựa trên các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và ‘Phương án hòa bình’ do Tổng thống Ukraine Zelensky đề xuất”.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã hồi đáp qua mạng xã hội X rằng: “Trong cuộc chiến giữa thiện và ác, người mạnh mẽ nhất là những người đứng về phía thiện chứ không phải những người cố đặt chúng (chính nghĩa và tà ác) ngang hàng và gọi đó là ‘đàm phán’. Trong khi đó, nói về cờ trắng, chúng ta biết đến Chiến thuật của Vatican trong nửa đầu thế kỷ 20. Tôi kêu gọi mọi người tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ và ủng hộ Ukraine cũng như người dân Ukraine trong cuộc đấu tranh chính nghĩa cho sự sống của mình”.
Ông Kuleba cũng nói thêm: “Quốc kỳ của chúng tôi mang màu vàng và xanh dương. Đây là lá cờ chúng tôi sẽ sống, chết và chiến thắng cùng. Chúng tôi sẽ không bao giờ giương lá cờ nào khác”.
Ông Matteo Bruni, giám đốc văn phòng báo chí của Giáo hoàng, hôm thứ Bảy đã làm rõ rằng Tòa thánh ủng hộ “việc chấm dứt thù địch và can đảm đàm phán để thực hiện đình chiến”, thay vì Ukraine hoàn toàn đầu hàng.
Từ khóa Chiến tranh Nga - Ukraine Giáo hoàng Phanxicô Giáo hoàng Francis