EU: Nga bán ngũ cốc giá rẻ cho châu Phi là để khiến châu Phi phụ thuộc Nga
- Nhật Tân
- •
Hôm Thứ Hai, ông Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU tuyên bố Nga bán ngũ cốc giá rẻ cho châu Phi là để “để tạo ra sự phụ thuộc mới bằng cách làm trầm trọng thêm các lỗ hổng kinh tế, và mất an ninh lương thực toàn cầu”, khi ông tìm cách đổ lỗi cho Nga trong thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Arkady Zlochevsky, Chủ tịch Liên minh Ngũ cốc Nga, miêu tả lời cáo buộc không biết xấu hổ của phương Tây là “lố bịch” và khẳng định “không tồn tại sự phụ thuộc.” Nga từ đầu vẫn tin rằng thỏa thuận ngũ cốc tan vỡ là do phương Tây cố ý không thực hiện cam kết, mặc dù suốt cả 1 năm đã trôi qua khi Nga đã thực hiện cam kết của mình trong thỏa thuận này.
Reuters đưa tin 2/8, ông Borell đã viết một bức thư cho các nước đang phát triển cùng Nhóm 20 quốc gia hôm Thứ Hai (31/7), và sau đó Reuters đã được xem. Bức thư hối thúc họ hãy đứng lên “có tiếng nói rõ ràng và thống nhất” gây sức ép cho Nga để khôi phục thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Trong đó có đoạn diễn giải rằng việc Nga đang bán ngũ cốc giá rẻ cho châu Phi là “để tạo ra sự phụ thuộc mới bằng cách làm trầm trọng thêm các lỗ hổng kinh tế, và mất an ninh lương thực toàn cầu.”
“[Nga] cố tình dùng lương thực như một loại vũ khí” — ông Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU nói.
Nga là quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, trong khi đó Ukraine đứng thứ 4 vào thời điểm trước chiến tranh. Là những quốc gia cung ứng lúa mì giá thấp, lúa mì của hai nước đều có xuất khẩu sang châu Phi và Trung Quốc. Nga chiếm 20% thị trường nhập vào châu Phi, trong khi đó Ukraine chiếm 5%.
“Khi thế giới đối phó với nguồn cung bị gián đoạn và giá cả cao hơn, Nga hiện đang tiếp cận các nước dễ bị tổn thương bằng các đề nghị song phương về các lô hàng ngũ cốc với giá chiết khấu, giả vờ giải quyết vấn đề do chính họ tạo ra,” ông Borrell lập luận. “Đây là một chính sách thô thiển cố tình dùng lương thực như một loại vũ khí để tạo ra những sự phụ thuộc mới bằng cách làm trầm trọng thêm các lỗ hổng kinh tế và mất an ninh lương thực toàn cầu”.
Chủ tịch Liên minh Ngũ cốc Nga, Arkady Zlochevsky, đã nói với truyền thông nhà nước Nga TASS rằng cáo buộc của ông Borrell là “lố bịch” và bác bỏ cái gọi là cố ý tạo ra sự phụ thuộc vào lương thực.
“Mặc dù ngũ cốc của Nga rẻ hơn so với ngũ cốc từ các nước khác, nhưng điều này là do [đợt] giảm giá. Thật lố bịch khi cho rằng một số loại phụ thuộc nào đó được phát triển. không tồn tại sự phụ thuộc nào,” ông Zlochevsky nói.
Theo ông, việc Nga có chính sách giảm giá trên thị trường chỉ là một hoạt động bình thường trong thị trường cạnh tranh.
Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen
Thỏa thuận —tên chính thức là Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen— bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7/2022 với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc (LHQ) làm trung gian, cho phép Ukraine có được 1 hành lang xuất khẩu nông sản bằng đường biển an toàn trong thời chiến. Đổi lại, phương Tây cam kết không ngăn cản Nga xuất khẩu ngũ cốc và phân bón.
Thỏa thuận kết thúc hôm 17/7 sau khi Nga rất nhiều lần tuyên bố phương Tây không thực hiện cam kết của mình. Đồng thời Nga cam kết sẽ nối lại thỏa thuận một khi phương Tây thực hiện cam kết.
Trong bức thư hôm 31/7, ông Borrell nhắc lại luận điểm từ lâu của Liên minh Châu Âu (EU): “EU đã nỗ lực hết mình để đảm bảo rằng các biện pháp trừng phạt không ảnh hưởng đến an ninh lương thực của các nước thứ ba. Không có biện pháp trừng phạt nào đối với xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga sang nước thứ ba.”
Nhưng theo Nga, điều đó không đủ, bởi vì ngân hàng của Nga cho đến nay vẫn không thể thực hiện giao dịch tài chính qua hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT.
“EU chỉ cần loại bỏ các hạn chế ngắt kết nối Rosselkhozbank [Ngân hàng Nông nghiệp Nga] khỏi SWIFT và các tổ chức khác,” phát ngôn viên của Điện Kremlin Dmitry Peskov nói hôm Thứ Năm, “và [một khi các giao dịch] có thể được thực hiện nhanh chóng thì Nga sẽ ngay lập tức quay trở lại thực hiện thỏa thuận ngũ cốc.”
Như Reuters chỉ ra, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres hồi tháng trước cho hay các quan chức LHQ “gần đây đã làm trung gian cho một đề xuất cụ thể” với Ủy ban châu Âu để cho phép một công ty con của Ngân hàng Nông nghiệp Nga có lại được quyền truy cập vào SWIFT.
Nỗ lực này đến nay vẫn chưa thành công và Nga vẫn không kết nối được với SWIFT.
Tuy nhiên trong bức thư của mình hôm 31/7, ông Borrell không nhắc tới đề nghị của LHQ về việc nối lại SWIFT.
Ông tuyên bố trong bức thư rằng EU “tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực không mệt mỏi” của LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ về thỏa thuận ngũ cốc, và bức thư của ông cũng là để “để chống lại thông tin sai lệch của Nga về an ninh lương thực toàn cầu và tác động của lệnh trừng phạt của EU.”
Hôm 17/7, ngày cuối cùng khi hành lang an toàn trên Biển Đen còn hiệu lực, chính quyền Kyiv đã cho các xuồng không người lái (USV) tấn công và làm sập 1 góc cầu Kerch nối phía Đông bán đảo Crimea với đất liền. Từ đó tới nay quân Ukraine vẫn liên tục hoặc thỉnh thoảng tấn công các cơ sở tại bán đảo. Nga cũng tiến hành các hoạt động quân sự đáp trả.
Hoạt động quân sự liên tục ở khu vực Biển Đen được trù tính đúng vào thời điểm này đã khiến việc nối lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen là hầu như không thể, ít nhất là cho tới khi hoạt động quân sự lắng xuống.
Trong khi đó truyền thông cùng các giới chức phương Tây và Ukraine đồng loạt tìm cách đổ lỗi cho Nga về vấn đề an ninh lương thực cho các nước nghèo.
Kể từ khi chiến tranh, Ukraine đã chuyển dần con đường xuất khẩu từ đường thủy qua đường bộ. Có tới 5 quốc gia tiếp giáp với Ukraine đã buộc phải làm căng với EU để có thể cấm nông sản của Ukraine lọt vào và phá giá thị trường nước họ. Cùng thời gian đó, khi Nga bị chặn ở thị trường châu Âu, họ chuyển dần sang bán lương thực và phân bón cho châu Phi.
Từ khóa Chiến tranh Nga - Ukraine thỏa thuận ngũ cốc Nga - Ukraine