Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu chính quyền Trung Quốc đưa ra “câu trả lời thích đáng” về vụ bắt giữ một nhân viên địa phương làm việc cho phái đoàn của mình tại Bắc Kinh. Nhân viên này đã bị giam giữ trong 8 tháng.

Lien-minh-Chau-Au
(Ảnh: Shutterstock)

Trong một thông báo bằng email, Liên minh đã xác nhận, nhân viên người Trung Quốc của Phái đoàn EU tại Bắc Knh đã bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ vào tháng 9/2021.

Nữ phát ngôn viên Nabila Massrali của EU chỉ trích: “Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần gửi yêu cầu cho các nhà chức trách Trung Quốc, nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn chưa được thông báo về [các] cáo buộc hoặc tội danh cụ thể.”

“Chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu cho đến khi chúng tôi nhận được câu trả lời thích đáng.”

Bà Massrali nói thêm, EU “quan tâm đến sức khỏe của anh ấy”.

Tờ Le Monde của Pháp đưa tin đầu tiên, một nhân viên bộ phận IT của phái bộ EU tại Bắc Kinh được xác định danh tính là An Đông đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ vì tình nghi “gây gổ và gây gối”, một tội danh mơ hồ thường được chính quyền cộng sản Trung Quốc sử dụng để trấn áp những người bất đồng chính kiến với mức án tối đa 5 năm tù giam. 

Theo bài báo, EU đã gửi ba công hàm bằng văn bản cho các nhà chức trách Trung Quốc yêu cầu cung cấp thêm thông tin về các hành vi bị cáo buộc của anh ấy, đồng thời yêu cầu nhân viên này phải được phép tiếp cận với luật sư do mình lựa chọn.

Nhân viên người Trung Quốc của phái bộ EU được cho là đang bị giam giữ tại tỉnh Tứ Xuyên ở phía Tây Nam Trung Quốc, cách Bắc Kinh hàng nghìn km.

Vụ việc này là một ví dụ hiếm hoi về việc một nhân viên của phái đoàn ngoại giao phương Tây bị bắt giữ ở Trung Quốc.

Trước đó, ông Simon Cheng, một cựu nhân viên địa phương của Lãnh sự quán Anh tại Hồng Kông tố cáo, ông đã bị cảnh sát Trung Quốc tra tấn vào năm 2019 sau khi bị giam giữ 15 ngày trong một chuyến công tác đến Đại Lục.

Cựu quan chức ngoại giao Canada Michael Kovrig đã bị bỏ tù gần 3 năm tại Trung Quốc với tội danh gián điệp. Đây là hành động trả đũa rõ ràng của chính quyền cộng sản Trung Quốc đối với việc Canada bắt giữ giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei vì tội danh gian lận. 

Ông Kovrig cùng với một người Canada khác bị bắt cùng thời điểm đã được trả tự do vào tháng 9/2021 sau khi giám đốc tài chính của Huawei được phép rời Canada trở về Trung Quốc.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU đã trở nên xấu đi kể từ khi đại dịch bắt đầu, với việc hai cường quốc áp đặt các lệnh trừng phạt lên nhau vì nhiều vấn đề nhân quyền.

EU cáo buộc Trung Quốc cưỡng bức kinh tế khi áp đặt lệnh cấm vận thương mại không chính thức đối với Litva ngay sau khi quốc gia vùng Baltic này cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện.

Gần đây hơn, EU đã cảnh báo Trung Quốc không hỗ trợ quân sự và tài chính cho Nga khi quốc gia này tiến hành một cuộc xâm lược đẫm máu vào nước láng giềng Ukraine.

Gia Huy (Theo AFP)