Trung Quốc đang tìm cách trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới bằng cách tiếm quyền của Hoa Kỳ thông qua một “chiến dịch trộm cắp và gây ảnh hưởng nham hiểm” do chính phủ trực tiếp chỉ đạo, giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cho biết.


Tại Viện Hudson hôm 7/7, ông Christopher Wray, giám đốc FBI đã có bài phát biểu công kích trực diện đối với hành vi của Bắc Kinh trên trường quốc tế. Ông nói rằng nguy cơ phản gián và gián điệp kinh tế từ Trung Quốc là “mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với thông tin, tài sản trí tuệ và sức mạnh kinh tế của đất nước chúng ta,” theo SCMP.

‘Cuộc chiến kéo dài nhiều thế hệ’ của Trung Quốc nhằm tiếm quyền của Hoa Kỳ đang diễn ra trong các lĩnh vực từ các hoạt động chính trị địa phương cho đến các ngành công nghiệp bao gồm hàng không, nông nghiệp, khoa học robot và chăm sóc sức khỏe, ông Wray nói.

Cáo buộc được đưa ra khi mối quan hệ Mỹ-Trung đang “chạm đáy” do căng thẳng gia tăng trong các vấn đề như đại dịch virus corona, việc Bắc Kinh siết chặt kiểm soát đối với Hồng Kông và các chế tài đối với báo chí của hai bên.

Theo ông Wray, mối quan ngại hàng đầu của Mỹ là vấn nạn ăn cắp công nghệ Mỹ do nhà nước Trung Quốc chỉ đạo. Cáo buộc này phần nào đó đã dẫn đến cuộc chiến thương mại bắt đầu từ hai năm trước đây và cho đến nay vẫn còn rất nóng.

Hôm 7/7, ông Wray đã tiết lộ rằng trung bình cứ mỗi 10 giờ, FBI lại mở thêm một cuộc điều tra phản gián liên quan đến Trung Quốc và khoảng phân nửa trong số 5.000 chuyên án là có liên quan đến Trung Quốc. Các cuộc điều tra về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ăn cắp công nghệ của Mỹ đang được tiến hành tại tất cả 56 văn phòng của FBI.

“Mối đe dọa này xảy ra trên khắp đất nước chúng ta, từ các vùng nông thôn cho đến các thành phố lớn, từ các công ty trong Fortune 100 cho đến các công ty khởi nghiệp nhỏ,” ông Wray nói, cho biết thêm Bộ trưởng Tư pháp William Barr và Ngoại trưởng Mike Pompeo đang chuẩn bị công bố một loạt hành động mới để giải quyết mối đe dọa từ Trung Quốc trong những tuần sắp tới.

Ông Wray đặc biệt chỉ trích hoạt động “Săn Cáo” của Trung Quốc – một chiến dịch ngoài lãnh thổ do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ đạo nhằm đưa về từ nước ngoài những cá nhân bị buộc tội liên quan đến tham nhũng.

Theo đó, mặc dù mục đích được trình bày là chống tham nhũng, nhưng thực tế hoạt động này là “nỗ lực có ảnh hưởng sâu rộng” của Tổng Bí thư Tập nhắm đến những công dân Trung Quốc được xem là mối đe dọa. Trong trường hợp các đối tượng không hợp tác, chính phủ Trung Quốc đã đe dọa hoặc thậm chí bắt giữ các thành viên gia đình của họ vẫn còn ở tại Trung Quốc để gây sức ép, ông Wray nói.

Ông đưa ví dụ về một trường hợp phái viên Trung Quốc yêu cầu người thân ở Mỹ của một đối tượng chuyển tin nhắn đến người này rằng chỉ có hai lựa chọn: “nhanh chóng quay trở về Trung Quốc hoặc tự sát.” Tuy nhiên, ông không cung cấp thêm chi tiết cụ thể.

Ông Wray kêu gọi bất cứ ai ở Mỹ tin rằng họ là đối tượng mà chính phủ Trung Quốc đang nhắm đến trong chiến dịch “Săn Cáo” thì hãy nhanh chóng liên hệ với văn phòng FBI tại địa phương của họ.

Ngoài hoạt động gián điệp kinh tế và thực thi luật pháp ngoài lãnh thổ, Bắc Kinh cũng đang tích cực can thiệp vào hoạt động chính trị Hoa Kỳ, ông Wray cho biết, đồng thời cáo buộc rằng Trung Quốc đang thực hiện các chiến dịch gây sức ép trực tiếp hoặc gián tiếp nhắm vào các quan chức địa phương và các nhà lập pháp Hoa Kỳ để ngăn họ đi đến Đài Loan.

“Trung Quốc không muốn điều đó xảy ra bởi vì chuyến đi đó có thể giống như hợp pháp hóa sự độc của Đài Loan khỏi Trung Quốc”, ông nói, và cho rằng các cơ quan nhà nước Trung Quốc đã đe dọa trả thù đối với các công ty trong khu vực bầu cử của những quan chức địa phương này để ngăn họ đến Đài Loan.

Ông Wray không cung cấp các ví dụ cụ thể về các trường hợp như vậy, và FBI từ chối bình luận thêm khi được yêu cầu làm rõ.

Khi được hỏi liệu FBI có quan ngại về sự can thiệp của Trung Quốc vào các cuộc bầu cử mùa thu năm nay hay không, ông Wray nói rằng “chiến dịch nham hiểm gây ảnh hưởng ở nước ngoài” của Trung Quốc là mối đe dọa quanh năm chứ không chỉ là “mối đe dọa của một cuộc bầu cử cụ thể”.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ có “quan hệ mật thiết đến các cuộc bầu cử, và họ chắc chắn có sự ưu tiên dành cho việc đó,” ông cho biết.

Trung Quốc cũng bị cáo buộc đã xâm nhập mạng lấy cắp dữ liệu của chính phủ Hoa Kỳ trong quá khứ, đặc biệt là vụ xâm nhập vào Văn phòng Quản lý Nhân sự (OPM) lấy cắp dữ liệu nhạy cảm của khoảng 20 triệu nhân viên chính phủ liên bang Mỹ.

Bà Nina Jankowicz, cựu giảng viên về chính sách công Fulbright-Clinton tại Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện là giảng viên tại Trung tâm Wilson, một tổ chức tư vấn chính phủ đặt tại Washington, cho biết việc xâm nhập dữ liệu đã cho thấy có những lỗ hổng an ninh mạng có thể xảy ra trong cuộc bầu cử năm 2020.

“Sẽ rất khó để xâm nhập tất cả các hệ thống bỏ phiếu của Mỹ cùng một lúc, nhưng chỉ cần tạo ra sự nghi ngờ về việc kiểm phiếu,” bà Jankowicz đã nói tại một sự kiện của Trung tâm Wilson.

“Khi sự nghi ngờ đó được tạo ra thì mọi người sẽ không tin vào kết quả bầu cử và chúng ta sẽ rơi vào tình huống rất khó khăn khi tuyên bố người chiến thắng.”

Đầu năm nay, các quan chức Trung Quốc đã khẳng định rằng họ không có lợi ích gì khi can thiệp vào cuộc bầu cử mùa thu sau khi ông Trump phát biểu hồi tháng 4 cho rằng Bắc Kinh sẽ làm “bất cứ điều gì mà họ có thể” để phá hoại việc tái tranh cử của ông.

Ngân Hà (theo SCMP)

Xem thêm: