Google chưa từng từ bỏ ý định hợp tác với ĐCSTQ?
- Huệ Anh
- •
Ngày 10/9/2019, thông tin về việc 48 bang và 50 Tổng chưởng lý cùng tham gia cuộc điều tra nhắm vào Google khiến không ít người chú ý. Một vấn đề trùng hợp là cùng ngày 10/9, hội nghị nhà phát triển của Google đã được tổ chức náo nhiệt tại Thượng Hải – Trung Quốc. Cuộc điều tra chung chưa từng có này đối với Google mang ý nghĩa gì? Google đang đứng trước thách thức bị giám sát nghiêm ngặt tại Mỹ với cáo buộc nghi ngờ “phản quốc”, dường như gã khổng lồ này chưa bao giờ từ bỏ ý định hợp tác với ĐCSTQ?
Google bị điều tra chống độc quyền
Theo nhiều hãng truyền thông Mỹ, hôm thứ Hai (9/9), các Tổng chưởng lý của Mỹ từ 48 tiểu bang cùng khu vực Columbia và Puerto Rico đã chính thức công bố một cuộc điều tra chung chống độc quyền đối với Google, mở ra chiến dịch điều tra trên diện rộng nhắm vào gã khổng lồ công nghệ này. Những người thuộc cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa này đều cho biết, có thể Google đe dọa cạnh tranh, quyền lợi của người dùng và sự phát triển Internet.
Điều đáng chú ý là chỉ có 2 bang không tham gia là Alabama và California, trong đó California là nơi đặt trụ sở của Google và Alabama là nơi nổi tiếng về tính bảo thủ.
Tổng chưởng lý Ken Paxton của bang Texas cáo buộc Google “thống trị mọi khía cạnh của quảng cáo trên Internet và tìm kiếm trên Internet”, nhưng ông cho biết dù ông đưa ra cáo buộc nhưng hiện nay các bang đã tự khởi động điều tra, chưa phải là khởi kiện. Trọng tâm của điều tra là quảng cáo trực tuyến.
Về vấn đề này, Google từ chối bình luận, chỉ nhắc lại tuyên bố trước đó, nghĩa là hợp tác trong công việc với các quan chức chính phủ.
Dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường eMarketer cho thấy, dự kiến doanh thu quảng cáo tại Mỹ của Google trong năm nay sẽ vượt quá 48 tỷ USD (Đô la Mỹ), chiếm 31% toàn cầu, vượt xa các đồng nghiệp khác, đồng thời chiếm đến 75% tổng chi tiêu quảng cáo tìm kiếm tại Mỹ.
Theo hãng tin CBS Mỹ, công ty mẹ Alphabet của Google có giá trị thị trường hơn 820 tỷ USD, và năm 2018 đã công bố doanh thu là 137 tỷ USD. Do bị ảnh hưởng từ tin tức này, từng có thời điểm giá trị cổ phiếu của Alphabet bị sụt giảm gần 1%.
Hai đảng cam kết hợp tác chặt chẽ để điều tra đến cùng
Cuộc điều tra chung này do Tổng chưởng lý Ken Paxton của bang Texas cùng 7 vị Tổng chưởng lý khác lãnh đạo, như vậy tổng cộng 4 người đảng Dân chủ và 4 người đảng Cộng hòa. Đến nay, ngoài bang Alabama và bang California (nơi có Thung lũng Silicon), Tổng chưởng lý 48 tiểu bang đã ký một thỏa thuận hợp tác lưỡng đảng, các khu vực như Puerto Rico và Columbia cũng vậy. Ông Paxton cho biết, quan chức các bang đã có yêu cầu pháp lý chính thức cho gã khổng lồ công nghệ này, theo đó đề nghị cung cấp các tài liệu liên quan đến điều tra quảng cáo trực tuyến.
Tổng chưởng lý Karl Racine thuộc đảng Dân chủ khu vực Washington là người tham gia điều tra đối với Facebook và Google cho biết, nếu Washington tiếp tục lựa chọn không hành động đối với gã khổng lồ công nghệ này, ông và các đồng nghiệp của ông sẽ không do dự tiếp tục tiến về phía trước.
Khả năng điều tra chống độc quyền đối với cả Facebook, Amazon, Apple
Ngay từ hơn 6 năm trước, Cục Điều tra Liên bang Mỹ đã xúc tiến điều tra chống độc quyền đối với các hoạt động tìm kiếm và quảng cáo của Google. Các cơ quan quản lý giám sát trên toàn thế giới cũng đã hoài nghi về Google: trong ba năm qua, EU đã phạt Google 9 tỷ USD vì liên quan đến hành vi chống cạnh tranh.
Một nhóm khác gồm 11 Tổng chưởng lý mà đứng đầu là Letitia James của bang New York đã bắt đầu điều tra Facebook, xem có vi phạm luật cạnh tranh và có vấn đề trong xử lý thông tin cá nhân người dùng hay không.
Hiện nay hoạt động điều tra tập trung vào Google và Facebook, nhưng các nguồn tin cho biết việc điều tra có thể mở rộng đối với các công ty khác, trong đó có cả những gã khổng lồ công nghệ như Amazon và Apple.
Khả năng những gã khổng lồ công nghệ bị chia nhỏ hoặc chịu số tiền phạt lớn
Nhiều nhà phân tích về lĩnh vực công nghệ chỉ ra, có ba kết quả có thể xảy ra đối với hoạt động điều tra này:
Thứ nhất, những công ty khổng lồ có thể sẽ buộc phải tách nhỏ ra.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren từng thề rằng nếu được bầu làm tổng thống Mỹ, bà sẽ chia tách Amazon, Google và Facebook để kiểm soát cạnh tranh trong ngành công nghệ. Mặc dù một số nghị sĩ Dân chủ và cả Cộng hòa đã cho biết ủng hộ việc chia nhỏ, nhưng hiện nay Washington không muốn thúc đẩy cách làm này ở quy mô lớn. Dễ hiểu, các gã khổng lồ công nghệ luôn là những nhà tài trợ chính trị lớn nhất ở Mỹ. Google đã chi 21 triệu USD cho vận động hành lang vào năm 2018, còn Amazon và Facebook đã chi lần lượt 14,2 triệu USD và 12,62 triệu USD.
Thực tế, vấn đề chia tách một công ty là chuyện khá hy hữu nhưng không phải là chưa từng thấy. Standard Oil và AT & T là hai ví dụ điển hình.
Thứ hai, buộc họ chi trả khoản tiền phạt rất lớn.
Hồi tháng 7 năm nay, Facebook đã đồng ý trả cho Ủy ban Thương mại Liên bang khoản tiền phạt 5 tỷ USD vì rò rỉ dữ liệu cá nhân của người dùng. Mặc dù đây là khoản tiền phạt lớn nhất trong lịch sử liên quan đến vi phạm quyền riêng tư, nhưng chỉ là một phần nhỏ trong tổng thu nhập 55,8 tỷ USD của Facebook năm 2018.
Trong tương lai, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, Bộ Tư pháp hoặc Tổng chưởng lý các bang có thể đưa ra các hình phạt nặng về chống độc quyền. Nhưng theo giá trị thị trường thì do những gã khổng lồ công nghệ thuộc hàng cao nhất thế giới, nên họ dễ dàng chi trả số tiền phạt khổng lồ.
Thứ ba, buộc họ phải giúp đỡ đối thủ cạnh tranh.
Nghị sĩ đảng Dân chủ tại Washington đã nhiều lần đề nghị cách để đối phó nạn độc quyền của những gã công nghệ khổng lồ trên truyền thông xã hội là làm cho người tiêu dùng có thể dễ dàng chuyển dữ liệu như hình ảnh và danh sách người kết nối từ một ứng dụng này sang ứng dụng khác, tạo khả năng cạnh tranh giữa công ty công nghệ mới khởi nghiệp với những công ty công nghệ khổng lồ.
Ý tưởng này được David Sicillin, Chủ tịch Tiểu ban chống độc quyền của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ ủng hộ. Nhưng Tổ chức Biên giới Điện tử chỉ ra: “Di chuyển dữ liệu không thể đảm bảo tối ưu nâng cao tính cạnh tranh; nếu không có đối thủ cạnh tranh ngang bằng, việc di chuyển dữ liệu sang máy chủ khác cũng không giúp được gì.”
Các nhà vận động hành lang trong lĩnh vực công nghệ Internet của Hiệp hội Internet tại Mỹ cũng ủng hộ quan điểm này, vào tuần trước Facebook đã công bố báo cáo nghiên cứu ủng hộ vấn đề “Nguyên tắc di chuyển dữ liệu”.
Hội nghị nhà phát triển đặc biệt náo nhiệt, Google đẩy mạnh chuyển sang Trung Quốc
Đồng thời, điều đáng chú ý là dường như năm nay Google đang chuyển sự chú ý trở lại Trung Quốc.
Theo ThePaper của ĐCSTQ đưa tin, tại Thượng Hải hôm 10-11/9 vừa qua Google đã tổ chức một hội nghị dành cho nhà phát triển. Ông Trần Tuấn Đình, chủ tịch Google khu vực Đại Trung Hoa đã công bố ra mắt chính thức kế hoạch tăng trưởng Grow with Google tại Trung Quốc. Google cũng ra đời ứng dụng “Quan sát vẻ đẹp Trung Quốc”, ứng dụng lưu trữ sản phẩm sưu tập của hơn 30 bảo tàng Trung Quốc; ngoài bài phát biểu quan trọng của CEO Google, hội nghị còn chia sẻ với các nhà phát triển hơn 60 bài thuyết trình về sản phẩm và hơn 50 trải nghiệm tương tác, điều này sẽ giúp các nhà phát triển hiểu rõ hơn về các công cụ và sản phẩm mới của Google.
Trước đó, theo kênh truyền thông tài chính Mỹ CNBC đưa tin, mặc dù Google tuyên bố chấm dứt dự án “Chuồn chuồn”, nhưng công ty vẫn có một số nghiệp vụ khác ở Trung Quốc, bao gồm trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và sản xuất phần cứng.
Đài Tiếng nói nước Đức (Deutsche Welle) từng công bố bài viết “‘Chuồn chuồn’ Google chưa chết, tái sinh thành ‘Mao đài’, ‘Long phi’”, qua đó chỉ ra rằng mặc dù Google đã nhiều lần tuyên bố không có kế hoạch tung ra công cụ tìm kiếm Chuồn chuồn “phiên bản phụ” tại thị trường Trung Quốc. Nhưng nhiều nhân viên của Google sau khi khảo sát thông tin nội bộ của công ty đã phát hiện ra rằng dự án “Chuồn chuồn” chưa kết thúc, vẫn còn nguồn nhân lực lớn của Google tại “Mao đài” và “Long phi”.
Theo truyền thông công nghệ 36kr chỉ ra, việc Google quay trở lại thị trường Trung Quốc được thực hiện “dưới trợ giúp” của Tencent.
Tháng 1/2018, công ty mẹ Alphabet của Google đã công bố một quan hệ đối tác bằng sáng chế với Tencent, đồng thời cho biết thỏa thuận này sẽ “mở đường cho sự hợp tác kỹ thuật trong tương lai”. Trong cùng tháng, Google đã mở một văn phòng tại Thâm Quyến, là nơi Tencent đặt trụ sở chính.
Tháng 6/2018, Google tuyên bố sẽ đầu tư 550 triệu USD vào Jingdong, một công ty thuộc đối tác chiến lược của Tencent.
Tháng 7/2018, Google đã ra mắt ứng dụng WeChat bản Mini Program. Vì WeChat là nền tảng của Tencent nên điều này tiếp tục đặt thêm dấu ấn về sự hợp tác khác giữa Google và Tencent.
Sau đó, có thông tin cho biết Google chuẩn bị phát triển một ứng dụng tin tức cho thị trường Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh nhắm vào là Toutiao cũng chính là đối thủ ByteDance của Tencent trong lĩnh vực gợi ý nội dung.
Cơn sóng điều tra độc lập của 50 Tổng chưởng lý cùng chống lại Google là quy mô chưa từng có. Nhưng chúng ta cũng thấy rằng, việc điều tra hết lần này đến lần khác cũng rất khó để các đại gia công nghệ ngừng tốc độ mở rộng quy mô. Sau khoản tiền phạt 5 tỷ USD trong năm nay, các vấn đề về quyền riêng tư và vi phạm luật chơi của Facebook vẫn thường xuyên xảy ra; còn khoản tiền phạt 9 tỷ USD không đủ răn đe đối với Google. Cục Điều tra Liên bang Mỹ sẽ có thể hiểu rõ ràng hơn âm mưu phía sau vấn đề quyền riêng tư và nạn độc quyền là kế hoạch quan hệ mật thiết giữa những gã khổng lồ công nghệ với ĐCSTQ, rất có thể là mưu đồ có tính phá hoại ở mức làm đảo lộn nền tảng lập quốc của Mỹ.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa google Tencent điều tra chống độc quyền