Hoa Kỳ lên tiếng về phán quyết của một tòa án Nga liên quan đến tín ngưỡng
- Lâm Nam
- •
Ngày 9/7, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phát ra tuyên bố bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về phán quyết của một tòa án địa phương của Nga vào sáng ngày 8/7 gây bất lợi đối với Pháp Luân Công. Tuyên bố kêu gọi Chính phủ Nga ngừng các hạn chế đối với nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, đồng thời kêu gọi Nga tôn trọng quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng của tất cả mọi người, bao gồm cả các học viên Pháp Luân Công.
Tuyên bố ngày 9/7 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (văn bản gốc), nội dung mở đầu đề cập: “Một tòa án Nga đã giữ nguyên quyết định định tính các học viên Pháp Luân Công ở khu vực Khakassia là ‘phần tử cực đoan’ và hình sự hóa việc thực hành tín ngưỡng tâm linh ôn hòa của họ. Chính quyền Nga sách nhiễu, phạt tiền và bỏ tù các học viên Pháp Luân Công vì những hành vi đơn giản như thiền định và sở hữu các văn bản tâm linh.”
Tuyên bố có đoạn: “Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Nga chấm dứt lạm dụng thuật ngữ ‘extremist’ (cực đoan) để hạn chế quyền con người và các quyền tự do cơ bản. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Nga tôn trọng quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng cho tất cả mọi người, bao gồm cả các học viên Pháp Luân Công và các thành viên của các nhóm thiểu số tôn giáo khác ở Nga chỉ đơn giản là muốn thực hiện tín ngưỡng của họ một cách hòa bình.”
“Quyết định hôm qua là một ví dụ khác về việc chính quyền Nga dán nhãn các nhóm ôn hòa là ‘phần tử cực đoan’, ‘phần tử khủng bố’ hoặc ‘không được hoan nghênh’. Mục đích là để vu khống những người ủng hộ họ và biện minh cho những hành vi ngược đãi họ đồng thời hạn chế các hoạt động tôn giáo và dân sự ôn hòa của họ. Chính phủ Nga đã áp dụng cách tiếp cận này chống lại một số nhóm mà các thành viên của họ phải đối mặt với việc lục soát, giam giữ quá thời hạn, án tù quá mức hoặc sách nhiễu vì các hoạt động tôn giáo ôn hòa của họ. Đầu năm nay, một tòa án khác của Nga đã phân loại ba tổ chức có liên quan đến nhân vật đối lập bị bỏ tù Aleksey Navalny là ‘cực đoan’, càng chứng tỏ việc Nga đang tùy tiện mở rộng việc sử dụng nhãn này.”
Pháp Luân Công (còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp) là một phương pháp tu luyện Phật gia cổ xưa của Trung Hoa, được giới thiệu tại Trường Xuân, Trung Quốc vào năm 1992 bởi người sáng lập Pháp Luân Công, ông Lý Hồng Chí. Cốt lõi của môn tu luyện dựa trên đặc tính vũ trụ “Chân, Thiện, Nhẫn”. Đến năm 1999, Pháp Luân Công trở thành môn khí công phát triển nhanh nhất ở Trung Quốc. Chỉ trong 7 năm, ước tính có 100 triệu người đã tập Pháp Luân Công. Vào ngày 20/7/1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động một chiến dịch đàn áp dã man và bạo lực đối với Pháp Luân Công nhằm xóa bỏ niềm tin của 100 triệu người dân yêu chuộng hòa bình. Trong hơn hai thập kỷ, các học viên Pháp Luân Công đã chống lại bạo lực một cách ôn hòa theo các giá trị “Chân, Thiện, Nhẫn”. Cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ đã bị tất cả các quốc gia trên thế giới lên án rộng rãi.
Theo các học viên Pháp Luân Công người Nga, tại Khakassia, miền đông nước Nga, vào năm 2020, một người dân muốn học Pháp Luân Công và đã tìm cuốn sách Chuyển Pháp Luân. Một học viên Pháp Luân Công địa phương sau đó đã cung cấp cho anh ta cuốn sách. Khoảng một tháng sau, công tố viên địa phương đã truy tố học viên Pháp Luân Công này.
Tuy nhiên, thẩm phán đã quyết định có lợi cho bị cáo, nhưng công tố viên chính phủ đã kháng nghị vụ án. Sau đó, tòa án đã quyết định cấm các nhóm Pháp Luân Đại Pháp đăng ký ở Khakassia. Các học viên Pháp Luân Công đã kháng cáo quyết định này. Tòa án đã tổ chức phiên xét xử tại Kemerovo, miền đông Liên bang Nga vào ngày 8/7 và tuyên bố giữ nguyên phán quyết ban đầu.
Pháp Luân Công đã được du nhập vào Nga trong nhiều năm, nhưng sau khi Nga ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác với ĐCSTQ, các học viên Pháp Luân Công địa phương bắt đầu nhận thấy áp lực từ chính phủ, điều này làm dấy lên sự phản đối của nhiều chuyên gia tôn giáo.
Ông Ivanenko, Tiến sĩ về Nghiên cứu Tôn giáo, cho biết: “Pháp Luân Đại Pháp dạy mọi người tu luyện và nâng cao đạo đức của họ, nhưng ĐCSTQ là dựa trên cơ sở chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa vô thần và tư tưởng đấu tranh, do đó, như các nhà nghiên cứu đã nói, áp lực hiện tại thậm chí càng ngày càng lớn.”
Tuy nhiên, ở một số vùng của Nga, cho đến nay Pháp Luân Công vẫn được các chính quyền địa phương ủng hộ. Ví dụ, vào ngày 29/5/2021, chính quyền thành phố Angarsk đã mời các học viên Pháp Luân Công tham gia lễ kỷ niệm 70 năm thành lập thành phố.
Theo Lâm Nam, Epoch Times
Từ khóa Pháp Luân Công Nga