Hoa Kỳ thúc đẩy kế hoạch đường sắt Trung Đông để đối kháng Vành đai và Con đường của ĐCSTQ
- Bình Minh
- •
Hoa Kỳ đang hợp tác với Ấn Độ và các quốc gia khác, thúc đẩy một dự án cơ sở hạ tầng giao thông lớn, nhằm tăng cường tiếp xúc với Trung Đông và chống lại ảnh hưởng khu vực của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Theo tuyên bố của Nhà Trắng, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan đã gặp Thủ tướng Ả Rập Saudi và Thái tử Mohammed bin Salman trong chuyến thăm Ả Rập Saudi vào Chủ nhật (7/5).
Cố vấn An ninh Quốc gia Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), ông Sheikh Tahnoon bin Zayed Al Nahyan và Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval cũng đã gặp nhau.
Nhà Trắng cho biết, cuộc họp đã thảo luận về chương trình nghị sự “hội nhập khu vực”, nhằm “thúc đẩy tầm nhìn chung của họ về một Trung Đông an toàn và thịnh vượng hơn được kết nối với Ấn Độ và thế giới”.
Tuyên bố không cung cấp thêm thông tin chi tiết, nhưng trang tin tức Axios của Hoa Kỳ dẫn lời nguồn tin cho biết tại cuộc họp, Hoa Kỳ hy vọng sẽ thúc đẩy một mạng lưới đường sắt quy mô lớn nối liền Trung Đông và các nước vùng Vịnh Ba Tư, sau đó mở rộng bằng đường biển qua các cảng đến Ấn Độ.
Hoa Kỳ thúc đẩy kế hoạch “Đường sắt Trung Đông” nhằm chống lại ảnh hưởng của ĐCSTQ
Axios chỉ ra rằng Trung Đông là khu vực trọng điểm trong dự án ”Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh, trong những năm gần đây ảnh hưởng của ĐCSTQ tại đây ngày càng gia tăng. Dự án đường sắt là một trong những sáng kiến quan trọng mà Nhà Trắng hy vọng sẽ được thúc đẩy ở Trung Đông.
Khái niệm này lần đầu tiên được đề xuất trên diễn đàn I2U2. Thành lập vào cuối năm 2021, diễn đàn này được đặt tên theo tên viết tắt của các quốc gia thành viên, gồm Israel, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Hoa Kỳ, nhằm thảo luận về các dự án cơ sở hạ tầng ở Trung Đông, và giải quyết các thách thức liên quan đến nước, năng lượng, giao thông vận tải, không gian, y tế và an ninh lương thực.
Mặc dù Israel không tham gia vào các cuộc thảo luận ngày 7/5. Tuy nhiên, theo The Times of Israel, Ngoại trưởng Israel, ông Eli Cohen, đã bay tới Ấn Độ vào ngày 8/5, để gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Ngoại trưởng Jaishankar.
Viện Hòa bình Hoa Kỳ, một tổ chức tư vấn ở Washington, từng so sánh vai trò của I2U2 với Quad (Nhóm Đối thoại An ninh Bộ tứ) ở Trung Đông. Hỗ trợ cơ sở hạ tầng là một phần trong chiến lược Trung Đông của Hoa Kỳ.
Vào tháng 3 năm nay, Bắc Kinh đã làm trung gian nối lại quan hệ ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia (quốc gia Tây Á) vốn bị chia cắt suốt 7 năm qua, nhằm phá hoại kế hoạch cô lập Iran của Hoa Kỳ.
Tờ The Times of Israel chỉ ra rằng kế hoạch đường sắt do Hoa Kỳ thúc đẩy rõ ràng là một trong những phản ứng đối với các hành động của Bắc Kinh.
Tờ báo chỉ ra rằng trong vài tuần nữa, không chỉ Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, ông Jake Sullivan, tới thăm Ả Rập Saudi, sau đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken cũng sẽ đến Ả Rập Saudi vào tháng 6, để tham gia cuộc họp của liên minh toàn cầu chống lại ISIS.
Ấn Độ hy vọng sử dụng “Đường sắt Trung Đông” để mở cửa thị trường châu Âu
Nỗ lực của ĐCSTQ nhằm kiểm soát các dòng thương mại từ Châu Âu, Trung Đông, Trung Á và Châu Phi thông qua “Dự án Vành đai và Con đường” cũng đặt ra một thách thức lớn đối với Ấn Độ.
Tờ The Times of Israel chỉ ra rằng ban đầu Ấn Độ cố gắng vận chuyển hàng hóa qua Iran và Trung Á đến châu Âu thông qua Hành lang Giao thông Bắc Nam Quốc tế (INSTC), nhưng dự án đã không thành công.
Sau đó, Ấn Độ chuyển sự chú ý sang Bán đảo Ả Rập bên kia biển. Nếu “Đường sắt Trung Đông” được hoàn thành, Ấn Độ có thể vận chuyển hàng hóa đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, đi qua Ả Rập Saudi và quốc gia Trung Đông Jordan bằng đường sắt, vào Israel qua thị trấn ở Quận phía Bắc của Israel, Beit She’an và đến cảng Haifa ở biển Địa Trung Hải. Sau đó, hàng hóa được vận chuyển đến lục địa châu Âu thông qua cảng Piraeus ở Hy Lạp.
Theo báo cáo, nền kinh tế của UAE và Ấn Độ gắn bó rất chặt chẽ. Ấn Độ là nước xuất khẩu lớn nhất sang UAE, đối tác thương mại lớn thứ 3 của Ấn Độ. UAE đã đầu tư hàng tỷ USD vào việc thành lập “Hành lang lương thực Ấn Độ-UAE” vào năm ngoái, nhằm tăng cường an ninh lương thực.
Ấn Độ muốn trở thành vựa lúa mì của Trung Đông, và Israel là trung tâm của mục tiêu đó. The Times of Israel cũng lưu ý rằng Bộ Ngoại giao Israel đã thành lập 29 Trung tâm Xuất sắc Indo-Israel (Indo-Israel CoE), nhằm tăng sản lượng, cải thiện việc sử dụng nước và thúc đẩy đa dạng cây trồng.
ĐCSTQ đã thúc đẩy dự án “Vành đai và Con đường” trên trường quốc tế, các nước đang phát triển có nền kinh tế mong manh đã rơi vào bẫy nợ này.
Ông Bùi Mẫn Hân (Pei Minxin), một học giả Mỹ nổi tiếng am hiểu về các vấn đề Trung Quốc, đã viết một bài phân tích trên Nikkei Asia, chỉ ra rằng trong 15 năm qua, Bắc Kinh đã cung cấp hàng trăm tỷ USD cho các nước nghèo.
Hiện nay, những quốc gia nghèo này đang phải đối mặt với tình trạng vốn đầu tư chảy ra nước ngoài và thiếu lương thực, khiến việc trả các khoản vay của Trung Quốc ngày càng khó khăn, và nguy cơ bị ĐCSTQ kiểm soát ngày càng tăng.
Từ khóa Đường sắt Trung Đông sáng kiến 'Vành đai và Con đường' Dòng sự kiện