Iran triển khai Cảnh vệ Cách mạng để dập tắt các cuộc biểu tình chống chính quyền
- Xuân Thành
- •
Chính quyền Cộng hòa Hồi giáo hôm thứ Tư (3/1) đã cho triển khai Cảnh vệ Cách mạng tại ba tỉnh biểu tình lớn nhất để mong sớm dập tắt làn sóng phản đối đang có dấu hiệu ngày càng lan rộng.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) và Tướng Mohammad Ali Jafari trong một cuộc mit-ting tại Tehran hồi tháng 9/2017.
Các cuộc biểu tình diễn ra vào tuần trước thu hút đông đảo những người trẻ và lực lượng lao động với mục đích ban đầu là phản đối giá cả leo thang, tỷ lệ thất nghiệp cao và tham nhũng tràn lan…bây giờ đã chuyển thành làn sóng chống lại giới giáo sĩ cầm quyền, đặc biệt là lãnh đạo tối cao Ali Khamenei.
>>Cuộc biểu tình đòi xóa bỏ chế độ Cộng Hòa Hồi Giáo tại Iran
Bất chấp những đe dọa kết án nặng từ Tòa án, những người biểu tình hàng ngày vẫn xuống đường ngày một nhiều hơn. Người biểu tình ở tỉnh Hamadan hô lớn hiệu ngữ: “Người dân đang ăn mày, lãnh đạo tối cao diễn vai Chúa!”, trong khi dân chúng tại thị trấn Nowshahr hét vang “cái chết cho nhà độc tài”.
Trước sự phản kháng tăng cao, Chỉ huy trưởng Cảnh vệ Cách mạng, Tướng Mohammad Ali Jafari cho biết ông đã cho điều lực lượng tới ba tỉnh Hamadan, Isfahan và Lorestan để giải quyết “cuộc nổi loạn mới”.
Lực lượng Cảnh vệ Cách mạng là thanh gươm và tấm khiên của chế độ Cộng hòa Hồi giáo Iran theo dòng Shi‘ite. Lực lượng này đã góp công chính trong việc trấn áp cuộc bình tình của tầng lớp trung lưu năm 2009 cáo buộc gian lận bầu cử khiến hàng chục người thiệt mạng.
Bên cạnh việc sử dụng vũ lực trấn áp, giới cầm quyền Iran cũng tổ chức các cuộc tập trung những người ủng hộ để phản đối bất đồng chính kiến. Reuters cho biết vào sáng thứ Tư (3/1), có hàng hàng người Iran tham gia vào các cuộc tập trung tại nhiều thành phố lớn để ủng hộ chính phủ.
Truyền hình nhà nước Iran tường thuật trực tiếp các cuộc tập trung ủng hộ chính phủ này, cho thấy hình ảnh hàng ngàn người tuần hành vẫy cờ Iran và giơ cao chân dung lãnh đạo Khamenei – nhà lãnh đạo tối cao của Iran từ năm 1989.
Đoàn người tuần hành ủng hộ chính phủ hô lớn: “Máu chảy trong tĩnh mạnh của chúng tôi là món quà cho lãnh đạo của chúng tôi (Khamenei)” và “Chúng tôi sẽ không để lãnh đạo của chúng tôi lẻ loi”. Họ cũng cáo buộc Hoa Kỳ, Israel và Anh Quốc đã kích động các cuộc biểu tình chống chính phủ, hô lớn: “Những kẻ nổi loạn đáng bị hành quyết!”.
Phát biểu trước những người ủng hộ, Tướng Jafari nói rằng các cuộc tập trung ủng hộ chính phủ như này đã đánh dấu sự chấm hết cho các cuộc biểu tình phản đối và thông tin rằng “tối đa chỉ có 1.500 người biểu tình ở mỗi nơi, và tổng cộng những người gây rối không vượt quá 15.000 trên phạm vi toàn quốc”.
Tình hình căng thẳng ở Iran nhận được phản ứng khác nhau từ các nước phương Tây.
Tại Washington, một quan chức cấp cao của chính quyền Trump nói rằng Hoa Kỳ đang thu thập “các thông tin cần thiết” để có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt các cá nhân và tổ chức tại Iran liên quan đến việc đàn áp người biểu tình.
Tổng thống Trump đăng tweet ủng hộ người biểu tình, ông viết: “Sự tôn trọng dành cho những người dân Iran khi họ cố gắng đẩy lùi chính quyền tham nhũng. Các bạn sẽ thấy sự hỗ trợ lớn từ Hoa Kỳ vào thời điểm thích hợp!”.
Lãnh đạo Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ông Zeid Ra’ad al-Hussein đã thúc giục Iran cần kiềm chế lực lượng an ninh để tránh gây thêm bạo loạn và phải tôn trọng quyền hội họp hòa bình của người dân.
Ông Zeid Ra’ad al-Hussein kêu gọi “điều tra toàn diện, độc lập và vô tư đối với tất cả các hành động bạo lực“.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ Paris đã nói rằng những bình luận từ Hoa Kỳ, Israel và Ả Rập Saudi là “điều có thể dẫn tới chiến tranh… một chiến lược có chủ ý vì một số người” và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ một cuộc đối thoại với Tehran.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel bày tỏ quan ngại về tình huống căng thẳng đang leo thang tại Iran. Ông Gabriel cho biết: “Điều chúng tôi phản đối là nỗ lực lạm dụng để biến xung đột nội bộ của người Iran thành…[tầm cỡ] quốc tế. Đó không phải là cách để làm giảm tình huống [căng thẳng] hiện nay”.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa biểu tình Quan hệ Mỹ Iran Iran