James Carafano: TQ dùng chuyến thăm của Bộ trưởng Azar đến Đài Loan để thử Mỹ
- Đức Trí
- •
James Carafano là giám đốc của Trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại Douglas & Sarah Allison và Phó chủ tịch của Viện nghiên cứu quốc tế Kathryn & Shelby Cullom Davis tại Quỹ Di sản. Bài viết đăng lần đầu trong mục Ý kiến của Fox News.
Tôi tin vào điều ngẫu nhiên, nhưng tôi không tin Bắc Kinh.
Vậy là khi mà các chiến cơ Trung Quốc đến thách thức không phận Đài Loan cùng ngày với chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar, tôi đã nghi ngờ đó không phải là một sự ngẫu nhiên. Đó là kiểu gửi thông điệp của Bắc Kinh.
Câu trả lời của của Mỹ nên là một câu “KHÔNG đời nào!” Chúng ta nên nhấn mạnh hơn cam kết ủng hộ tự do và an ninh của người dân Đài Loan và mở rộng các nỗ lực nhằm đảm bảo sự thịnh vượng chung của người dân chúng ta.
Chính quyền Trump gần đây đã có một động thái khôn ngoan khi đồng ý gửi một quan chức nội các cấp cao đến thăm Đài Bắc. Đây là lần thứ ba trong vòng 20 năm một Tổng thống Mỹ dám chọc vào cơn thịnh nộ của Bắc Kinh như vậy. Bước đi này đã khiến Bắc Kinh phải cảnh giác.
Trung Quốc Cộng sản không bao giờ mong muốn chứng kiến các nước khác đối xử với Đài Loan với sự tôn trọng và có qua có lại mà họ xứng đáng, Mỹ – siêu cường lớn nhất thế giới làm điều này sẽ càng khiến Bắc Kinh nóng mắt. Từ trước đến nay, Trung Quốc không ngừng gây sức ép để phá hoại sự công nhận quốc tế đối với Đài Loan, dùng áp lực và dụ dỗ để phá vỡ các mối quan hệ ngoại giao của đảo quốc này và nỗ lực đòi cấm Đài Bắc tham gia các diễn đàn và tổ chức quốc tế. Chẳng hạn, Trung Quốc đã ngăn cản sự tham gia đầy ý nghĩa và có lợi cho cả thế giới của Đài Loan vào Tổ chức Y tế Thế giới. Trong bối cảnh Covid-19 lan mạnh khắp nơi, việc ngăn cấm này chắc chắn đã khiến thế giới không được tiếp cận một cách đầy đủ, nhanh chóng vào hệ thống y tế chuyên nghiệp và tinh thần sẵn sàng hỗ trợ của Đài Loan, nơi đã chứng minh là có khả năng chống dịch hiệu quả hàng đầu.
Tuần này, Bộ trưởng Y tế Alex Azar dẫn một phái đoàn tới Đài Bắc để thảo luận về công tác chống dịch. Theo ông Azar, chuyến đi này thể hiện “mối quan hệ đối tác mạnh mẽ Mỹ-Đài về vấn đề y tế và an ninh y tế, một trong rất nhiều khía cạnh của tình hữu nghị toàn diện của chúng ta”. Chuyến thăm không chỉ tái khẳng định sự nghiêm túc trong cam kết của chính quyền Trump đối với việc xây dựng một chiến dịch chống virus corona có hiệu quả trên toàn cầu mà còn thể hiện rằng Mỹ sẽ không bị dọa nạt bởi các chiêu trò bắt nạt của Bắc Kinh.
Đây chính là thời điểm không thể tốt hơn để Mỹ tăng cường ủng hộ một Đài Loan tự do, an toàn và thịnh vượng. Trong khi ông Azar ở Đài Loan, Bắc Kinh đang bận rộn với việc tăng gọng kìm kiềm tỏa người Hồng Kông. Theo Luật an ninh Quốc gia mới được Bắc Kinh thông qua, chính quyền đã bắt giam Jimmy Lai, một nhà ủng hộ dân chủ tiêu biểu của Hồng Kông, các đồng sự và gia đình của ông.
Quá trình nô dịch hóa quá nhanh chóng nền tự do chính trị Hồng Kông của Trung Quốc đã khiến người ta sửng sốt. Chỉ trong vòng vài tháng, Bắc Kinh đã bãi bỏ toàn bộ các cam kết đối với người dân Hồng Kông khi Anh Quốc trao trả Hồng Kông về Trung Quốc năm 1997.
Chỉ có một lý do đơn giản vì sao Trung Quốc lại chọn bắt nạt Hồng Kông: bởi vì họ có thể. Một kẻ bắt nạt luôn luôn nhắm vào người ít có khả năng đánh trả nhất.
Không có nghi ngờ gì, Bắc Kinh hy vọng việc trấn áp Hồng Kông sẽ đe dọa được Đài Loan. ĐCSTQ không mong muốn gì hơn là khiến Đài Bắc sợ hãi để cúi đầu trước mọi đòi hỏi của Bắc Kinh.
Nhưng là một dân tộc tự do và độc lập, người Đài Loan sẽ không dễ bị thúc ép. Bắc Kinh cần phải học được rằng thế giới tự do sẽ chỉ chấp nhận sự đe dọa của nó đến một giới hạn nhất định. Bằng hành động ủng hộ Đài Loan, Mỹ đã gửi thông điệp phủ nhận kỳ vọng của Bắc Kinh rằng hành động bắt nạt của họ sẽ có hiệu quả.
Bây giờ là lúc chính quyền Mỹ thực hiện các sáng kiến của mình. Trong thời gian sớm nhất, chúng ta nên tuyên bố ý định tiến hành thỏa thuận thương mại tự do với Đài Loan. Ngoài việc gửi tín hiệu cho Bắc Kinh, việc này cũng mang lại lợi ích cho cả 2 nền kinh tế chúng ta. Nếu chính quyền Trump tin rằng Đài Loan cần phải gỡ bỏ một số rào cản kinh tế cho Mỹ trước, ít nhất Washington nên cam kết tổ chức đàm phán tự do thương mại ngay sau khi các rào cản này được gỡ bỏ.
Đài Loan là một nền dân chủ thực sự, họ cần có sự đảm bảo như thế để có thể giải quyết vấn đề thương mại gai góc.
Các nước khác cũng có thể tham gia vào việc ủng hộ Đài Loan. Nên có một liên minh quốc tế gây sức ép cho WHO để ngay lập tức cho phép Đài Loan tham gia vào các công tác và thủ tục của tổ chức này. Các nước khác cũng nên tham gia vào nỗ lực do Mỹ dẫn đầu để cho Đài Loan gia nhập các tổ chức quốc tế khác.
Một mối quan hệ Mỹ-Đài mạnh mẽ là bước đi đầu tiên và mạnh nhất mà Mỹ có thể thực hiện để tăng cường hòa bình và ổn định ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. Bắc Kinh càng học được giới hạn của các hành động phá hoại ổn định của họ sớm chừng nào, thì sớm chừng ấy chúng ta có thể học cách sống chung trong một khu vực mà sự hợp tác chứ không phải đối đầu là chuẩn mực.
Đức Trí chuyển ngữ
Xem thêm:
Từ khóa Đài Loan Hoa Kỳ Quan hệ Mỹ - Trung Dòng sự kiện Trung Quốc