Sự kiện khủng bố 11/9 đã thay đổi nước Mỹ và thế giới như thế nào?
“Ngày hôm đó đã thay đổi tất cả chúng ta. Nó đã thay đổi nước Mỹ, thay đổi cả thế giới”, Andrew Card, Chánh văn phòng Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Mỹ George Bush nói với đài NBC trong hồi tưởng.
Chủ nhật này, ngày 11/9/2016, nước Mỹ kỷ niệm 15 năm ngày Tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới bị khủng bố tấn công, cướp đi sinh mạng của 3.000 người. Tổng thống Obama trong bài phát biểu hôm thứ Bảy đã nói rằng đây là một trong những ngày đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Ông nói 15 năm trước, nước Mỹ đã buộc phải thay đổi một cách đột ngột, nhưng “những những giá trị cốt lõi đặc biệt của người Mỹ thì không thay đổi. Những kẻ khủng bố không bao giờ có thể đánh bại nước Mỹ”.
Andrew Card giữ một vị trí đặc biệt trong lịch sử nước Mỹ. Trong ngày định mệnh đó, ông là Chánh văn phòng Nhà trắng và là người chuyển tin tức tấn công cho tổng thống Bush, khi tổng thống đang có mặt tại một trường tiểu học ở bang Florida để tham dự hoạt động đọc sách cho các em học sinh.
Với chỉ 11 chữ, thông điệp của ông Card ngắn gọn nhưng đầy đủ. Bức ảnh nổi tiếng khi ông Card ghé sát tổng thống Mỹ, thì thầm tin tức về vụ tấn công thứ 2 vào Trung tâm Thương mại thế giới là một trong những hình ảnh sẽ ám ảnh đất nước đang hàn gắn này mãi mãi:
“Tôi đã nghĩ xem mình nên nói gì”, ông Card kể lại với trang tin NBC. “Và tôi cúi xuống, thì thầm vào tai Tổng thống những từ sau: Chiếc máy bay thứ hai đã đâm vào tòa tháp thứ hai. Nước Mỹ đang bị tấn công”.
Cựu tổng thống Mỹ George W. Bush sau này cho biết trừ đám cưới con gái, vụ khủng bố 11/9 là sự kiện sâu sắc nhất trong cuộc đời ông. Sau khi biết tin về sự việc xảy ra với toà tháp phía Bắc Trung tâm thương mại Thế giới (WTC), ông nghĩ đó chỉ là tai nạn nhưng sau khi Andrew Card, lúc đó là Chánh văn phòng Nhà Trắng, thông báo chiếc phi cơ thứ hai đâm vào tháp phía Nam WTC, cựu tổng thống bàng hoàng nhận ra Hoa Kỳ đang bị tấn công.
15 năm trôi qua kể từ “ngày đen tối của nước Mỹ”, hàng trăm thi thể nạn nhân vẫn chưa được nhận dạng. Nhiều người nói rằng 11/9 là ngày nước Mỹ đánh mất “sự ngây thơ”.
“Khi đó, tôi thực sự rất bàng hoàng và giận dữ. Nhưng trên cương vị là người đứng đầu một đất nước, tôi phải tỏ ra bình tĩnh“, Bush nói.
Vị Tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ cho hay, sau khi rời khỏi lớp học, ông muốn trở về thủ đô Washington DC ngay lập tức nhưng các cố vấn an ninh đã ngăn cản vì lý do an toàn. Ông chia sẻ tâm trạng thất vọng vì phải bay quanh nước Mỹ nhiều giờ liên tục trong khi quốc gia chìm đắm trong thảm họa.
“Tôi cảm thấy bất lực khi chứng kiến trên màn hình cảnh những người trên Tháp Đôi WTC nhảy khỏi tòa nhà và tôi, người đứng đầu nước Mỹ, chẳng thể làm gì giúp họ“, Bush nói.
Nước Mỹ thay đổi
Người Mỹ tỉnh dậy trong hoang tàn của chủ nghĩa khủng bố và cay đắng nhận ra họ đã ở trong một cuộc chiến với chủ nghĩa cực đoan mà bất chấp khoảng cách địa lý xa xôi, người Mỹ cũng không cách nào thoát được.
Như một phản ứng tự nhiên, lòng yêu nước của người dân Mỹ bỗng được thổi bùng. Trong suốt những tháng sau, mỗi ngày vẫn có hàng ngàn người tình nguyện tới thu dọn đống đổ nát của tòa tháp đôi mà không đòi hỏi gì nhiều. Người Mỹ dường như đoàn kết hơn, chịu đựng hơn và sẵn sàng ủng hộ nhiều biện pháp cứng rắn của chính phủ, kể cả khi phải hy sinh một phần quyền tự do vốn được họ coi trọng.
Ngay sau vụ khủng bố, Luật An ninh nội địa đã được Quốc hội Mỹ thông qua và cùng với nó, Bộ An ninh nội địa ra đời, một trong những thay đổi lớn nhất trong cơ cấu chính phủ Mỹ kể từ Thế chiến II. Quốc hội Mỹ cũng thông qua Luật Yêu nước, trao nhiều quyền hơn cho bộ máy thực thi luật pháp Mỹ và cho phép các cơ quan này can thiệp sâu vào nhiều khía cạnh đời tư của người dân.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ George Bush còn ban hành sắc lệnh cho phép Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) được nghe lén điện thoại và bí mật kiểm tra thư tín của những người bị nghi có liên quan đến khủng bố. Hiếm có khi nào quyền tự do của người dân Mỹ bị xâm phạm nhiều đến thế. Khủng bố được coi là mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh quốc gia Mỹ.
Mỹ đã phát động 2 cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq nhằm xóa bỏ căn cứ địa của khủng bố. Hàng loạt chiến dịch chống khủng bố ở Nam Á, Đông Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi cũng đã được phát động, nhằm tiêu diệt các ổ nhóm khủng bố.
Thế giới thay đổi sau ngày 11/9
Thế giới sau ngày 11/9 là một thế giới thắt chặt an ninh tại sân bay, truy lùng mọi vũ khí nơi công cộng và cảm giác lo lắng lan truyền trong công chúng về một cuộc tấn công tiếp theo. Từ khủng bố trở nên quen thuộc không chỉ với người Mỹ mà còn cả với tất cả người dân thế giới. Al-Qaeda và Osama Binladen trở thành những cái tên khét tiếng, reo rắc sự khiếp đảm khắp hang cùng ngõ hẻm. Sau đó sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo IS tiếp tục giáng một cú mạnh vào những nỗ lực tiêu diệt khủng bố của Mỹ và phương Tây. Hệ thống cảnh báo khủng bố mã màu đã liên tục thay đổi và trở thành một tính năng của cuộc sống hàng ngày.
Hoa Kỳ và các đồng minh đã chi hàng nghìn tỷ USD trong hơn chục năm miệt mài đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố. Dù vậy, phải công nhận rằng Khủng bố Hồi giáo ngày càng phát triển tinh vi và khó đối phó hơn. Những con sói đơn độc lảng vảng khắp châu Âu đã gây ra một loạt các vụ tấn công chết người, đe dọa tới cốt lõi tồn tại của một liên minh rộng lớn nhất từng tồn tại.
15 năm sau thảm họa ngày 11/9, chủ mưu Osama bin Laden bị tiêu diệt, al-Qaeda hiện cũng chỉ như ngọn nến trước gió, nhưng sự ám ảnh của ngày mà cuộc sống của 3.000 người vô tội bị hủy hoại có lẽ sẽ in dấu mãi trong những thế hệ người Mỹ tiếp theo và người dân toàn thế giới rằng ngày mùa thu định mệnh đó đã thay đổi tất cả.
Từ khóa sự kiện 11/9 tổng thống George W. Bush Tấn công khủng bố nước Mỹ